Bộ Nội vụ vào cuộc trước vấn đề khó tuyển giáo viên ở địa phương

Một trong những vấn đề được các địa phương nêu ra Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 diễn ra chiều 18/8 là khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn tuyển.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 diễn ra chiều 18/8. Ảnh: TĐ

Chính sách chưa thu hút được giáo viên  

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nêu thực tế, tổng số giáo viên của tỉnh hiện đạt 86,5% so với định mức. Từ 2021, dù tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt nhưng chỉ có khoảng 53% hồ sơ đăng ký dự tuyển so với chỉ tiêu đặt ra. Chỉ 53,4% trúng tuyển trong tổng số thí sinh dự tuyển, chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được giao tuyển mới.

Ông Đỗ Đức Duy cũng cho biết, dù tỉnh có chính sách thu hút và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học lên miền núi công tác nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được trường hợp nào. Trong khi đó, tỉnh đang có khoảng 200 cử nhân cao đẳng đã tốt nghiệp nhưng do không đạt chuẩn mới nên không thể tuyển dụng được.

Trước thực trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái mong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan liên quan cho phép tuyển dụng số cử nhân này vào biên chế. Tỉnh sẽ sử dụng kinh phí để đào tạo liên thông đại học để đạt chuẩn từ 3 - 5 năm. Vừa tháo gỡ cho địa phương, vừa đỡ lãng phí nguồn nhân lực này vốn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo nhưng đến nay không tuyển dụng được rất lãng phí.

Trong tình trạng tương tự, tại Cà Mau, dù được giao tuyển mới 600 biên chế nhưng địa phương rất khó khăn trong nguồn tuyển. Trong khi đó, Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành Sư phạm tỉnh cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ do khi triển khai tuyển dụng lại theo Nghị định 115. Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có quy định đồng bộ.

Trước đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau nêu khó khăn là tỉnh không có nguồn tuyển giáo viên mới như giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp THPT). Một số nơi vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; vị trí nhân viên y tế học đường, thư viện khó tuyển dụng. Tỉnh thiếu giáo viên dạy môn tổ hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Nghệ thuật theo chương trình mới.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng nêu thực tế của việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.  

Điều chỉnh cơ chế theo vùng miền  

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: "Biên chế của ngành giáo dục năm 2021 là 1.375 715 người, trong đó khối Trung ương là 50.699, ở địa phương là 1.328 016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131 001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850. Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới". 

Ông Triệu Văn Cường cũng nêu một thực tế là ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.  

Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Vì vậy, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Ông Triệu Văn Cường cho biết, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Các địa phương cũng cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.

Trước đó, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT mặc dù số giáo viên thiếu nhiều nhưng tính đến hết năm học 2022 - 2023, số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng là hơn 74.100 giáo viên. 

Ông Vũ Minh Đức đề xuất một số giải pháp trong năm học 2023 - 2024, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai xây dựng luật Nhà giáo; sửa đổi thông tư về vị trí việc làm và định mức giáo viên. Đối với các địa phương, cần xây dựng, thực hiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên; đồng thời rà soát, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp tổ chức tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được phân bổ. Cùng với đó, xây dựng chính sách địa phương để thu hút, tạo nguồn, giữ chân giáo viên. Các địa phương cần có cơ chế "đặt hàng" đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; thí điểm cơ chế tự chủ cho cơ sở giáo dục và phát triển giáo dục ngoài công lập.

Lê Vân/Báo Tin tức
Năm học mới 2023 - 2024: Nhiều huyện miền núi Thanh Hóa vẫn thiếu giáo viên 
Năm học mới 2023 - 2024: Nhiều huyện miền núi Thanh Hóa vẫn thiếu giáo viên 

Theo rà soát, ngành Giáo dục Thanh Hóa đang thiếu 10.256 giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN