Bí quyết ôn tập và làm bài thi điểm cao môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Lần đầu tiên trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, môn Địa lý được thi theo hình thức trắc nghiệm. Để đạt được điểm cao trong môn thi Địa lý, theo các giáo viên dạy bộ môn này, thí sinh phải lưu ý những bí quyết sau:

Ôn tập theo từng chủ đề


Theo đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Địa lý có 4 mức độ yêu cầu thí sinh về nhận biết, đọc hiểu, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao. Kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa và không quá khó. Đề thi thể hiện rõ sự phân hóa với 7 câu về tự nhiên, 3 câu dân cư, xã hội; 10 câu về các ngành; 10 câu về vùng kinh tế; còn lại 10 câu kỹ năng làm bài đọc bản số liệu Alat.


Với cấu trúc đề thi như trên, cô Lương Quỳnh Hoa, Tổ trưởng chuyên môn Địa lý trường THPT Trưng Vương, hướng dẫn thí sinh nên ôn tập theo từng chủ đề. Qua đó, vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức dễ dàng và chính xác. Ví dụ, trong từng chủ đề thì có bài nào, trong từng bài thì có những phần nào. Việc vận dụng sơ đồ tư duy giúp thí sinh vào phòng thi dễ dàng khái quát kiến thức, biết được kiến thức nằm ở đâu để làm. Là năm đầu tiên đề ra theo lối trắc nghiệm, thí sinh nên cố gắng rèn luyện bằng cách làm bài để quen câu hỏi, quen thời gian.


Không học vẹt, học tủ

Để làm bài thi môn Địa lý tốt, thí sinh không nên học tủ, học vẹt và phải biết vận dụng, sử dụng alat hiệu quả.

Là năm đầu tiên cấu trúc đề thi ra theo hình thức trắc nghiệm, mang tính vận dụng cao, theo đó thí sinh nên học dưới dạng hiểu bài, tránh học tủ, học vẹt và vận dụng vào cuộc sống. Ví dụ, câu hỏi có những di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên nào bắt buộc thí sinh phải cập nhật thông tin xã hội thường xuyên, vì mỗi năm nhà nước công nhận 1 vài di sản. Trong quá trình làm bài, thí sinh lưu ý các kỹ năng đọc bảng số liệu, nhận xét, xử lý bằng số liệu, tính toán và nhớ các phép tính trừ, chia, quy tắc năng suất... để tính tỉ trọng, cơ cấu, năng suất.


Bên cạnh đó, để đạt điểm cao hơn khi xét tuyển vào đại học, thí sinh nên rèn kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ. Lưu ý các từ khóa để làm bài chính xác hơn. Ví dụ nói đến biểu đồ đường thì phải nhớ tốc độ; biểu đồ cột thì có cột dọc, cột đôi, tức là so sánh, cột chồng là thể hiện trong tổng; nhận xét hoặc vẽ thì phải nhớ có từ quy mô, cơ cấu (nếu 3 năm trở xuống là biểu đồ tròn, 3 năm trở lên là biểu đồ miền); đối với biểu đồ kết hợp, nếu 2 đại lượng (1 đơn vị là triệu héc, 1 đơn vị triệu tấn) không đồng thì đó có thể là biểu đồ kết hợp...


Sử dụng hiệu quả alat


Đối với môn Địa lý, alat có vai trò hết sức quan trọng. Thí sinh có thể lấy kiến thức trong alat để làm bài thi, alat sẽ là phương tiện nhớ kiến thức, giúp thi sinh giảm bớt việc học. 


Để sử dụng hiệu quả, thí sinh nên nhớ mục lục nằm ở đâu, phải nhớ trang ký hiệu, là ngôn ngữ bản đồ, nên rèn luyện, làm thường xuyên. Chẳng hạn nhận xét sự thay đổi tỉ trọng giá trị của ngành công nghiệp khai thác, tăng hay giảm thì lật trang 21 bài biểu đồ công nghiệp, sẽ nhìn thấy rõ sự thay đổi thông qua các màu ký hiệu...


Các giáo viên lưu ý, trước khi đi thi, thí sinh phải trang bị ít nhất 3 bút chì chuốt sẵn, tẩy, thước... để tránh các sự cố không đáng có. Khi làm bài thi không nên bỏ trống câu, câu nào dễ làm trước, khó làm sau để tránh mất thời gian, rối tinh thần.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017 các tỉnh đang chủ động chuẩn bị các phương án, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN