Cụ thể, Trường Đại học Duy Tân ở vị trí 514; Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở vị trí 721 - 730; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng vị trí 951 - 1.000; Đại học Bách khoa Hà Nội vị trí 1.201 - 1.400.
Ở kỳ xếp hạng lần này, QS WUR 2024 đã xếp hạng cho 1.499 cơ sở giáo dục đại học (có 83 cơ sở lần đầu tiên được xếp hạng) trong tổng số 2.963 cơ sở giáo dục đại học tham gia từ 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là năm thứ 20, QS công bố bảng xếp hạng này và đã có sự thay đổi lớn trong tiêu chí đánh giá khi bổ sung thêm 3 tiêu chí mới và thay đổi trọng số cho 3/6 tiêu chí cũ. Bộ tiêu chí mới gồm 9 tiêu chí vẫn tập trung vào đánh giá của cộng đồng học thuật, cộng đồng tuyển dụng, bổ sung thêm các tiêu chí để đánh giá tác động của cơ sở giáo dục đại học tới khả năng phát triển bền vững, tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp và xu hướng kết nối quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Khu vực Đông Nam Á có 64 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó, Malaysia là quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ sở giáo dục được xếp hạng nhất (28), tiếp theo là Indonesia (26), Thái Lan (13), Việt Nam (5), Phillipines (5), Singapore (4) và Brunei (2). Tuy chỉ có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhưng Singapore vẫn khẳng định vị thế hàng đầu khi có 2 cơ sở giáo dục đại học lọt top 30 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore - NUS đứng thứ 8 và Đại học Công nghệ Nanyang - NTU đứng thứ 26).
Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục của Anh và Mỹ vẫn là những cái tên quen thuộc với việc mỗi quốc gia đều có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 10. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 11 năm liên tiếp và Đại học Cambridge tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng QS WUR 2024.