Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của toàn thể nhân dân.
Trong bài viết này, chúng tôi xin kể những niềm “vui bất tuyệt” liên quan đến những nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trong những ngày Cách mạng tháng Tám và những ngày tháng hào hùng tiếp theo đó.
1. Thầy giáo - nhạc sĩ Trần Văn Thụ nhớ lại: “Những ngày mùa Thu cách mạng, hầu hết các khu phố Hà Nội thường có những cuộc nói chuyện về tình hình trong nước, kết hợp với biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Và điều không thể thiếu trước khi khai mạc là tiết mục chào cờ. Những người biết chơi đàn như tôi rất được trọng vọng. Cứ chiều tới là đã có người chầu chực ở nhà để mời đi cử nhạc Quốc ca. Có khi phục vụ tới nửa đêm mới về nhà, nhưng không hề có phong bì hay thù lao gì như bây giờ, ngoài một vài chén nước trà.
Tuy nhiên có một thời gian, tôi đã gặp một ngoại lệ. Một anh bạn cùng phố mê coi cải lương, thường tới rạp hát Ái Liên, (rạp Moderne ở phố Hàng Quạt) quen với ông bà chủ và biết rạp đang rất cần một nhạc công để cử bài chào cờ trước khi trình diễn. Vậy là tôi được anh giới thiệu với rạp hát này như một nhạc công violon. Thế là gần 1 tháng trời, tối nào tôi cũng tới rạp Ái Liên để cử giai điệu Quốc ca lúc mở màn cùng với tiếng đàn banjo alto của bạn tôi. Khi tiếng nhạc vừa cất, tất cả các khán giả đều đứng lên, im phăng phắc. Tiếng nhạc vừa dứt, mọi người cùng ngồi xuống và vỗ tay rào rào. Hôm nào cũng thế, khiến các diễn viên cũng thấy phấn khởi.
Lại có lần xuống diễn ở Hà Đông những 3 tối. Cứ diễn xong, tôi mượn một cái phông màn cuộn lại kê dưới đầu làm gối để ngả lưng bên tấm cánh gà trên sân khấu. Tôi thấy cuộc đời nghệ sĩ cũng dễ chịu.
Cho tới đêm mưa của buổi diễn cuối cùng. Khi vở diễn vừa hết, tấm màn trên sân khấu chưa kịp buông xuống thì trời đổ mưa rất to. Khán giả chen nhau ra về. Mấy người phụ trách sân khấu vội vã thu dọn phông cảnh, đạo cụ. Tôi cũng vội cho đàn vào hộp để tránh mưa hắt rồi trèo lên sân khấu tìm chỗ ngả lưng. Đứng giữa những tấm cánh gà bị gió thổi phồng lên như những cánh buồm, tôi thấy một người đàn bà đang cho con bú. Bên cạnh chị còn có một đứa nhỏ nữa đang bám lấy chân mẹ và tôi chợt nhận ra người đàn bà đó là nghệ sĩ Ái Liên (1918 - 1991). Chị vừa trút bỏ xiêm y lộng lẫy của vở diễn để trở về với chức năng của người mẹ giữa đời thường… Tôi cũng không biết bé bú tí mẹ ngày Thu năm ấy lớn lên thì thành ai? Ái Xuân hay Ái Vân? Nhưng với tôi, cả 3 mẹ con nhà ấy đều là những nghệ sĩ lớn của nước nhà”.
2. Vào những ngày ấy mới 21 tuổi, Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) đã là một nhân vật đầy cuốn hút của cách mạng. Nhà văn - giáo sư Đặng Anh Đào kể chuyện: “Chị Hạnh, chị thứ 2 của tôi gần đây còn ghi lại một hình ảnh có 1 không 2 của Nguyễn Đình Thi vào ngày kỷ niệm 1 năm Cách mạng tháng Tám thành công - ngày 19/8/1946. Hôm ấy nắng rực rỡ, trời đang xanh, đột nhiên mưa rào ập xuống: Nguyễn Đình Thi nằm trên mui chiếc ô tô (xe Jeep, tôi nghĩ vậy) chạy xuyên qua đám người biểu tình tuần hành mặc cho mưa rơi” […] “Mặc cho mưa ập xuống bọn nhi đồng chúng tôi chỉ có cái mũ ca-lô vải cũng chạy trong hàng ngũ hô khẩu hiệu và gào lên những bài hành khúc […]… Nguyễn Đình Thi là một trong những người cầm trịch đứng trên ô tô giơ nắm đấm hô “Cách mạng thành công” và bắt nhịp cho các bài hát. (Tầm xuân & những ký ức muộn, NXB Lao động 2010).
Trong cao trào cách mạng này, tài hoa Nguyễn Đình Thi đã biến hứng khởi cá nhân một công dân, một nghệ sĩ yêu nước thành tráng ca của một dân tộc. Lịch sử âm nhạc còn ghi xẩm tối 19/12/1946, Nguyễn Đình Thi cùng nhà sử học Trần Huy Liệu được lệnh rời Hà Nội. Chiếc xe con chạy tới Ngã Tư Sở thì đèn đường phụt tắt. Cả Hà Nội cháy sáng lửa khai cuộc toàn quốc kháng chiến. Tới Hà Đông, Nguyễn Đình Thi lại được đồng chí Trường Chinh đưa văn bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao nhiệm vụ đi gấp trở lại Hà Nội trao cho Ủy ban kháng chiến. Nguyễn Đình Thi nhớ lại: Trong ngôi nhà tôi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại vì bị hỏng. Tôi ở đấy và hàng ngày Hà Nội vẫn đang chiến đấu, thành ra có ý làm một bài hát về Hà Nội. Một buổi tối, tôi ngồi đàn, gõ mổ cò mấy nốt nhạc. Tự nhiên trong đầu óc tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng và bầu trời Hà Nội cháy. Tứ nhạc cứ thế hiện ra… Anh Thép Mới tình cờ đọc được những dòng nhạc tôi viết nháp trên một tờ giấy. Anh khuyến khích và thế là bài Người Hà Nội được in ở báo Cứu quốc Tết 1947 gửi tặng các chiến sĩ Trung đoàn Quyết tử ở Liên khu Một (sau được tổ chức thành Trung đoàn Thủ đô).
3. Ở khúc ruột miền Trung, một tối cuối tháng 9/1945 trên sân ga Đà Nẵng, chuyến tàu xuyên Việt đưa chiến sĩ vào Nam Bộ kháng chiến vừa dừng bánh, loa nhà ga vang vang hành khúc “Đoàn giải phóng quân một lòng ra đi…”. Đó là bài hát mới mà anh thanh niên 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015) vừa viết xong hôm trước! Tác giả bài Trầu cau - “ôi ta buồn ta đi lang thang…” - đã thôi buồn, bước theo tiết tấu mới của nhịp đời nhạc sĩ. Và ngay trong những ngày cách mạng sôi sục ấy, ông đạt được một kỷ lục văn nghệ đẹp như mơ, nhà sách Tân Hoa ở đường Gia Long, TP Huế in 2.000 bản ca khúc cách mạng này, tác giả nhận 800 đồng nhuận bút! Chỉ bằng 10% số tiền lớn này ông mua được một “báu vật” - cây đàn guitar ngoại.
4. Tính từ ngay khai sinh nước Việt Nam mới thì, nghệ sĩ Nam Bộ vào cuộc kháng chiến 9 năm sớm nhất và không kém phần lãng mạn. Kẻ sĩ Gia Định, ông Trần Bạch Đằng (1926 - 2007), từng kể: “Từ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, chúng tôi bắt đầu tính toán cung cách chiến đấu khác… Tôi quen một anh cán bộ yêu cô chủ tiệm kem. Anh đã mặc quân phục đi bốt da, đeo gươm tới từ biệt người yêu giống như Kinh Kha sắp qua sông Dịch. Chuyện đó được Xuân Miễn (1922 - 1990), viết thành bốn câu thơ: “Ta lại trở về nơi chiến trận/ Trong lòng còn loạn lửa binh đao/ Ở đây mai một đời trai trẻ/ Xin ngoảnh thềm hoa biệt má đào” (Tuyển tập Phạm Tường Hạnh, NXB Văn học, 2008).
5. Đọc Phạm Tường Hạnh (1920 - 2013) ta biết, trước Diệp Minh Châu 2 năm, trong “Tuần lễ vàng” ở Nam Bộ, họa sĩ Hoàng Tuyển (1912 - 1999) người thầy hội họa của trò Diệp Minh Châu (1919 - 2002) đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu.
Xin trích lời Hoàng Tuyển: “Vẽ trên lụa phải vẽ bằng thuốc nước. Thuốc nước bấy giờ cũng không thể có. Chỉ còn cách vẽ bằng mực nho. Nhưng vẽ bằng mực nho lại không được lộng lẫy. Bất chợt tôi nghĩ cách dùng máu mình để vẽ…
Ngay lúc đó, tôi về nhà xin mẹ được 2 chục bạc để mua lụa. Mẹ tôi biết tôi mua lụa để vẽ tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên vui lòng, chạy mượn ngay cho tôi… Cầm số tiền mẹ cho, tôi thật sung sướng và đã hình dung sự thành công của tác phẩm. Đêm đó suốt tới sáng, tôi làm việc không mệt mỏi. Nhờ tôi đã nhập tâm từng nét trên gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nét vẽ của tôi dứt khoát, không phải tô lại lần nào. Khuôn mặt cụ hiện trên nền lụa thiệt rực rỡ và hiền từ. Dòng máu của tôi từ huyết quản thấm vào cây bút lông vờn trên mặt lụa, khi khô, màu máu thẫm lại thật sinh động… Tới 2h chiều [hôm sau] có màn bán đấu giá bức chân dung… Mới đầu bà con nói bạc trăm rồi bạc ngàn cứ được nâng lên dần dần… cuối cùng ông Trương Văn Huyên, một phú hộ xã Hòa Nghi, tỉnh Gò Công rước được bức chân dung với 3 chục ngàn giạ lúa. Ông nói lẫm lúa của gia đình còn đúng 3 chục ngàn giạ, ông xin nộp cho chính phủ để nuôi quân…”.
6. Câu chuyện hội họa cách mạng chưa dừng ở đây, tới 1948, thầy Hoàng Tuyển lại được Bộ tư lệnh Quân khu yêu cầu vẽ 12 bức chân dung Hồ Chí Minh cỡ lớn làm phần thưởng cho các đơn vị và địa phương trong một hội nghị thi đua. Cùng vẽ với thầy lần này là một cậu học trò khác tên Nga, 2 thầy trò “… tìm tới một ngôi đình cũ bị máy bay Pháp bắn đã đổ sụp. Tại đây gạch ngói vung vãi khắp nơi, ngâm nước lâu ngày đã mềm lụn, chúng tôi bóp thử thấy đỏ rực như son, có thể pha trộn vẽ da người rất đẹp”. 12 bức vẽ hoàn thành với màu son chủ công kia.
Và theo nét son này, học trò Nga đi tiếp con đường nghệ thuật thầy Hoàng Tuyển đã mở, trở thành đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga (1932 - 2020) nổi tiếng.