Bài hát Quốc ca ngân vang trong các sự kiện trọng đại của đất nước.

 

 

 

“Tháng 11/1944, tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trang Văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi...” - những dòng lưu bút của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao kể về nỗi xúc động của ông khi viết bài "Tiến quân ca".

Năm 2020, Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 tổ chức triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”, những dòng viết kể trên đến được với đông đảo công chúng nước Việt - những người vẫn mỗi ngày thấm đẫm tình thần, lời hát của bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ.

 

“Tiến quân ca” là bài hát được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, “Tiến quân ca” là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì "Đoàn quân Việt Nam đi", những người tham gia Việt Minh thường hát là "Đoàn quân Việt Minh đi". Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của Văn Cao.

Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp anh Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh ở ga Hàng Cỏ (liệt sĩ Vũ Quý, quyền Bí thư Ban cán sự Đảng nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội). Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca... Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly để hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh.

Bản nhạc ''Tiến quân ca'' do nhạc sĩ Văn Cao chép tay đang được trang bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

 

Người thanh niên Văn Cao 21 tuổi đã viết bài hát lịch sử trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Trong hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” ông tâm sự: “Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà 2 tầng, mấy hàng cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những chiếc xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại”.

“… Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa được gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được”.

Một lời hát giản dị trong giai điệu hào hùng không biết tự lúc nào đến với Văn Cao, chỉ biết lời ca cứ thế bật ra cùng cảm xúc: “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi)/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Để kết thúc cùng với tiếng thét ở đoạn cao trào, mang dấu ấn từ “Thăng Long hành khúc ca”, một bài ca yêu nước ông đã từng sáng tác trước đó, ông tiếp tục: “Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!”.

Ông kể tiếp trong hồi ký: “Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và hy vọng”. “Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Đó là vào một ngày cuối tháng 10/1944."

Người nhạc sĩ lãng mạn của Thiên thai, Suối mơ; người nhạc sĩ dành trái tim nồng ấm cho người bạn đời, lấy tấm khăn nhung phủ lên các búa đàn, khiến tiếng đàn nhỏ lại mỗi đêm sáng tác để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con mình, nay lại cháy bỏng tình yêu với đất nước, với Cách mạng.

Bài hát viết xong, Văn Cao gặp và hát cho anh Vũ Quý nghe. Người bạn, người anh và cũng là người lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp giác ngộ Văn Cao vào Việt Minh rất hài lòng, giao Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Do người thợ viết chữ không viết được nốt nhạc, Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng, tự tay viết và in bài “Tiến quân ca”. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang Văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về Mặt trận Việt Minh. Sau đó nhà văn Nguyễn Đình Thi viết bài “Diệt phát xít”, Văn Cao viết thêm bài “Chiến sĩ Việt Nam”, cả hai bài hát này đều được phổ biến rộng rãi trong công chúng.

 

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên. Cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng.

Ngày 2/9/1945, "Tiến quân ca" chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy.

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn "Tiến quân ca" làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca. Nhạc sĩ Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.

Viết về nhạc sĩ Văn Cao khi ông qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề: “Chúng ta vô cùng nhớ tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.

 

 

Tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 8/1945, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Ngày 19/8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại lính bảo an, Sở cảnh sát...). Trước khí thế trào dâng như “bão táp” của quần chúng, quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội có tác dụng cổ vũ to lớn phong trào cả nước. Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương. Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.

 

Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.

Khi lá cờ Tổ quốc từ từ kéo lên, giai điệu bài "Tiến quân ca" do dàn quân nhạc trình tấu cũng vang lên hùng tráng, làm xúc động nghẹn ngào hàng vạn người. Và người chỉ huy dàn quân nhạc trình tấu bài Tiến quân ca khi ấy là nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên - nguyên chỉ huy Đoàn Quân nhạc Việt Nam.

Ngay khi cả Hà Nội sục sôi khởi nghĩa cướp chính quyền, ngày 20/8/1945, Ban nhạc Giải phóng quân được thành lập theo lệnh của Ủy ban Tổng khởi nghĩa để chuẩn bị cho ngày độc lập không xa.
 
Ban nhạc Giải phóng quân gồm 75 người và hầu hết trong số đó là những người lính trong đội kèn "Bảo an binh" rời  bỏ hàng ngũ địch gia nhập cách mạng. Anh em trong ban nhạc được Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nội giao nhiệm vụ tập luyện các bài hành khúc cách mạng để biểu diễn cho ngày thành lập nước. Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên lúc sinh thời kể rằng: "Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều vì Quốc ca tiêu biểu cho khí phách, hồn thiêng non nước và đây lại là lần đầu tiên chúng ta công bố với toàn dân và thế giới nên phải biểu diễn thế nào đây để đạt được nội dung cũng như tầm vóc tư tưởng của nó".

Khi "Tiến quân ca" được in trên báo Độc Lập (tháng 11/1944), rồi phổ biến rộng rãi, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã nhiều lần tập đánh bản nhạc này và phát hiện ra một số chỗ nhịp điệu chưa được hoàn chỉnh. Rồi một ngày cuối tháng 8/1945, ông và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu tìm gặp nhạc sĩ Văn Cao, xin tác giả "Tiến quân ca" cho phép sửa 2 chỗ trong bản nhạc để ca khúc được hoàn hảo. Cụ thể là rút ngắn trường độ của nốt “Rê” đầu tiên (tương ứng với từ “Đoàn” trong câu “Đoàn quân Việt Nam đi…”) và nốt “Mi” ở đoạn giữa (tương ứng với từ “xác” trong câu “Đường vinh quang xây xác quân thù”) để giai điệu ca khúc thêm hùng tráng. Nhạc sĩ Văn Cao vui vẻ đồng ý, vì chính ông cũng đang băn khoăn về nhịp điệu của bài hát ở một vài chỗ.

 

 

Khi viết tổng phổ, yêu cầu đặt ra là phải thể hiện được tính muôn màu, muôn vẻ về chất lượng và âm sắc của các nhạc cụ trong dàn nhạc gồm có các nhạc cụ: Tromppet, coz, saxsophon, teno, saxo, connette... Tổng phổ viết xong, mọi người trong ban nhạc cảm thấy hài lòng. Vậy là 75 nhạc công lúc đó đã dồn hết tâm trí vào tiếng nhạc. Anh em tập đi tập lại Quốc ca và một số bản hành khúc khác, sử dụng chuẩn xác những chiếc kèn, dưới sự chỉ huy chặt chẽ, chính xác của nhạc trưởng.

Sau này, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên kể rằng, trong cuộc đời chỉ huy đoàn quân nhạc, ông đã chỉ huy không biết bao nhiêu cuộc biểu diễn, nhiều cuộc biểu diễn của quân nhạc đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc nhưng buổi chỉ huy dàn nhạc tấu Quốc ca trong buổi lễ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945 có ý nghĩa trọng đại đối với ông và cả 75 nhạc công tham dự buổi hòa tấu hôm đó. Nó đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời đi theo cách mạng của ông và những người lính trong đội kèn "Bảo an binh". Cả đêm hôm trước, toàn đội thao thức, hồi hộp, không ai ngủ. Sáng sớm ngày 2/9, đoàn quân tề chỉnh trong trang phục soóc ka ki vàng, đi giày da, đội mũ ca nô có đính quân hiệu, hành quân lên Ba Đình theo đội hình: đội thông hiệu, đội trống và đội nhạc hơi. Toàn đoàn quân nhạc dàn thành năm hàng ngang, mặt hướng về lễ đài.

 

 

Buổi lễ chính thức bắt đầu. Lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên đỉnh cột cùng lúc những âm thanh hùng tráng của bản Quốc thiều vang lên khắp quảng trường. Không gian và thời gian như ngưng đọng trong giờ phút thiêng liêng ấy. Trong tiếng hòa âm hào hùng trang nghiêm như có tiếng gọi của hồn nước, tiếng vó ngựa, quân reo thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; tiếng bước chân dồn dập xông lên về phía quân thù của Xô viết - Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn, của Cách mạng Tháng Tám oai hùng. Nhạc điệu mỗi lúc một thúc giục như nhịp đập của trái tim Tổ quốc đang hòa nhịp cùng trái tim mỗi người trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hàng vạn quần chúng chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy bị cuốn vào dòng âm thanh có một sức mạnh cổ động thần kỳ, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cách mạng.

Bản Quốc ca cùng bộ kèn gồm 20 chiếc ấy hiện giờ được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội. Nó được giữ gìn như một minh chứng lịch sử ngày Việt Nam công bố độc lập với nhân loại.

 

 

Trong lịch sử 76 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là ngần ấy năm những biểu tượng của nước Việt bao gồm Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy - những chứng nhân, bảo vật của lịch sử, cùng đi theo chiều dài lịch sử gian lao mà vô cùng oanh liệt của đất nước đất nước.

“Tiến quân ca” ngân vang trong lòng dân tộc, góp tiếng nói chủ quyền trong mọi sự kiện trọng đại của đất nước. Năm 1945, lần đầu tiên, "Tiến quân ca" được cất lên trong hoạt động đối ngoại của nước ta do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lúc tổ chức lễ đón phái đoàn Mỹ do Đại tá Patti dẫn đầu tại trung tâm Hà Nội.

Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam Võ Nguyên Giáp và Trưởng phái đoàn Mỹ, Thiếu tá Archimedes L.A. Patti trong buổi Lễ chào cờ mang tính chất quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, tháng 8/1945.

Khi ấy, cuộc gặp gỡ, tiếp xúc diễn ra sáng ngày 26/8/1945 giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp với tư cách là Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và Thiếu tá Archimedes L.A. Patti - Trưởng Phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật.

Trong hồi ký “Why Viet Nam?” (tạm dịch “Tại sao Việt Nam?”), Thiếu tá Patti mô tả về lễ chào cờ quốc tế đầu tiên của nước Dân chủ Cộng hòa Việt Nam: “Giáp và tôi dẫn đầu, theo sau là các vị đại biểu Việt Nam rồi đến những người còn lại trong toán OSS (Cục tình báo Chiến lược của Mỹ).

Chúng tôi tiến đến các bệ ở cạnh cổng ra vào, giữa một cảnh tượng đẹp mắt và xúc động. Một đoàn quân nhạc khoảng năm chục người đã đứng dàn ngang trên đường, phía trước mặt. Phất phới trong gió 5 lá cờ lớn của Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và Dân chủ Cộng hòa Việt Nam. Bên trái là một đơn vị bộ đội một trăm người đứng ở tư thế "nghiêm chào"… Bên phải là các toán thanh niên…, mặc đồ trắng. Chung quanh bên trên là các vòm cây điểm hoa của khu phố Beauchamp ... Ông Giáp chỉ và nói một cách tự hào: "Bộ đội của chúng tôi vừa mới từ rừng núi về"…Thoáng một cái, các cờ được kéo xuống, trừ cờ Mỹ, và quốc thiều Mỹ nổi lên, rồi các cờ lại được kéo lên. Sau đó, cứ tiếp tục như vậy cho cờ mỗi nước, lần lượt đến Liên Xô, rồi Trung Quốc và cuối cùng là Dân chủ Cộng hòa Việt Nam...”

Đây là cuộc giao thiệp đầu tiên giữa đại diện của Chính quyền cách mạng Việt Nam và lực lượng quốc tế, cụ thể là phái bộ Mỹ đến Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Lễ chào cờ này cũng được xem là nghi lễ ngoại giao đầu tiên của nước ta.

 

Tư liệu về Nhà tù Hỏa Lò ghi lại một phần ký ức về các chiến sĩ cộng sản hiên ngang chào cờ và hát quốc ca trong ngục tù để có thêm sức mạnh và khí tiết đương đầu với đòn tra tấn tàn bạo của quân thù.

“Khi vào đến Hỏa Lò để trao quà Tết, các tù nhân kháng chiến tỏ ra rất lạnh lùng vì nghi đây là đoàn tay sai của kẻ địch. Mọi người còn đang lúng túng thì mấy Học sinh kháng chiến đã có sáng kiến phá tan bầu không khí nặng nề đó. Sau khi hội ý nhanh, anh Phi Hiển bắt nhịp, anh Trần Văn Thụ kéo đàn, tất cả cùng hát vang một số bài hát kháng chiến quen thuộc. Không khí gặp gỡ trở nên thân mật hẳn, các anh em tù nhân kháng chiến đã chịu nhận quà của đoàn đưa vào.

Khi vào đến ngục tử hình của một anh tù kháng chiến bị giam đơn độc tại đó (mà đến nay mọi người vẫn còn chưa biết tên anh), anh cũng tỏ thái độ bất hợp tác. Khi được hỏi có nguyện vọng gì không, anh trả lời ngay với giọng kiêu hãnh: Tôi muốn nghe bài “Tiến quân ca”! Một thoáng im lặng. Thế rồi, trước mặt tên Tây cai ngục, anh Trần Văn Thụ đã nâng cây đàn violon của mình lên trình diễn bài này. Tiếng đàn réo rắt như thôi thúc lòng người. Anh tử tù cũng lặng lẽ nghe. Có lẽ lúc này trong lòng anh đang ngập tràn khí thế của "Đoàn quân Việt Nam chung lòng cứu quốc", mà sự hy sinh của cá nhân anh chỉ là một viên đá nhỏ đắp xây nền Độc lập của Tổ quốc.” - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò Dương Tự Minh, Phó ban Liên lạc học sinh, sinh viên kháng chiến chống Pháp (1947 - 1954) ghi lại.

 

Ngày 2/10/1971,  đúng 28 ngày sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Thạc ghi những dòng nhật ký đầu tiên cũng là về Quốc ca. Những câu viết thấm đẫm tình cảm về cuộc chia tay những sinh viên trên sân Trường Đại học Tổng hợp 44 năm trước, khi họ xếp bút nghiên, giã từ giảng đường để lên đường ra trận. Cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 mở đầu bằng tình cảm thiêng liêng ở phút giây nhận trách nhiệm người lính trước vận mệnh của dân tộc: "Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động". Cho đến tháng 5/1972, trong suốt tám tháng vừa hành quân vừa ghi chép, anh viết được 240 trang sổ tay. Những “câu văn vội vàng và bụi bặm”, anh viết vậy, nay còn mãi với thời gian.

Ngoài kia Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc ca bay trên những ngọn gió, cất lên từ lồng ngực của những người lính trẻ kiên cường bám trụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng. Rất nhiều áng văn, lời thơ, câu hát ghi lại nỗi xúc động khi một lần dự Lễ chào cờ tại vùng biển đảo linh thiêng hồn nước.

Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, trở thành mạch đập trái tim. Vì thế, đôi khi Quốc ca không được hát bằng lời mà bằng tay như những tiết Chào cờ đầy xúc động của các em học sinh khiếm thính Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn. Không phát ra lời “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”. Nhưng cần gì, lời bắt đầu từ những trái tim và bộc ra nơi những đôi mắt và những đôi tay.

 

 

Tại SEA Games 28 năm 2015 được tổ chức ở Singapore, VĐV áo lính Đào Văn Thủy để lại hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế khi hướng về quốc kỳ chào cờ trong lúc đang thi đấu nội dung nhẩy cao. “Tôi vừa hoàn thành phần thi, đang vui mừng khi chinh phục được mức xà cao nhất trong sự nghiệp (2m13) thì cũng là lúc nghe loáng thoáng tiếng Quốc ca vang lên. Ngay lập tức tôi đứng lại, hướng về Quốc kỳ chào cờ”.  - VĐV Đào Văn Thủy kể lại. Thế nhưng, điều khiến Đào Xuân Thủy cảm thấy rất xúc động nhất là khi anh đưa tay chào cờ, nhiều khán giả đứng phía khán đài trước mặt anh vốn đang ngồi bỗng đồng loạt đừng dậy một cách rất trang nghiêm. Tình yêu với Tổ quốc xúc động và dễ dàng lan tỏa hơn lúc nào hết.

Và mới đây nhất, khi đất nước căng mình giữa muôn khó khăn do đại dịch COVID-19, tiếng hát Quốc ca lại lan tỏa tinh thần nỗ lực vượt qua, chiến thắng. Đó là khi nhóm tình nguyện viên của Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh nhận được lời yêu cầu rất đặc biệt từ chính các y bác sĩ và lực lượng y tế ở bệnh viện dã chiến: “Hãy hát Quốc ca. Hãy hát để tiếp thêm sức mạnh, hun đúc thêm tinh thần cho đội ngũ y tế và các bệnh nhân F0”. Thế rồi, tất cả các nghệ sĩ cùng xếp hàng ngang. Đội ngũ y tế đứng bên kia sợi dây ngăn cách khu vực F0, nghệ sĩ trong đội tình nguyện đứng đối diện, mọi người nghiêm trang ngẩng cao đầu. Bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn và cơn mưa lất phất không ngăn được hàng trăm con người đứng giữa bệnh viện dã chiến hát thật to "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc... ". Không cột cờ, không Quốc kỳ. Có lẽ các nghệ sĩ, y bác sĩ có cờ Tổ quốc đang tung bay trong trái tim mỗi người.

 

Xúc động hình ảnh văn nghệ sĩ và lực lượng y tế hát Quốc ca ở bệnh viện dã chiến.

 

Cảm xúc dâng trào khó tả, ca sĩ Quốc Đại - người tham gia chương trình chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hát Quốc ca trong hoàn cảnh như thế này, chưa bao giờ nước mắt tôi rơi khi đang hát mà không thể kìm lại, chưa bao giờ thấy yêu Tổ quốc hơn lúc này. Tôi cảm thấy dòng máu trong mình ấm nóng lên dù đứng trong cơn mưa lất phất, có lẽ chỉ có Tổ quốc này mới cho tôi được cái cảm giác yêu thương và tự hào như thế”.

Ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đang bước những bước vững chắc trong một cuộc hành trình mới khi mà hội nhập quốc tế và thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng với những cơ hội lớn và thách thức không hề nhỏ. Những bước tiến đưa Việt Nam tới tầm vóc mới, vị thế mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Yêu Nước, yêu từng lời Quốc ca...

"Đoàn quân Việt Nam đi…
… Nước non Việt Nam ta vững bền."

 

 

 

Bài: Lê Sơn/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Trình bày: Tuệ Thy

 

29/08/2021 07:46