Ông Malcolm Toon, lựa chọn của Tổng thống Jimmy Carter cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, đang dùng bữa tối tại dinh thự của Đại sứ Romania ở Moscow thì một cuộc gọi đột nhiên làm gián đoạn buổi tối vui vẻ.
Bên kia đầu dây là sĩ quan trẻ James Schumaker, người mới đến công tác tại Moscow. “Chúng ta đang gặp hỏa hoạn ở đây ...”, Schumaker nói với ngài Đại sứ.
Bữa tối bị gián đoạn
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 26/8/1977, khi James Schumaker mới chỉ tới Moscow được vài tuần.
Vào buổi tối mùa hè trong trẻo nhưng se lạnh bất thường đó, Schumaker đang thư giãn trong căn hộ của mình ở Spaso House, tư gia của Đại sứ Mỹ tại Nga. Lúc đó, điện thoại reo, người ở đầu dây bên kia là Phó trưởng phái đoàn Jack Matlock, nói giọng rất hoảng hốt. Ông xin nói chuyện khẩn cấp với Đại sứ và yêu cầu Schumaker cung cấp vị trí của ngài Đại sứ : “Xin hãy nhanh lên, Jim”, ông Matlock thúc giục.
Với sự giúp đỡ của nhân viên điều hành điện thoại Svetlana, James Schumaker đã xác định được vị trí Đại sứ Toon, người đang tham dự bữa tối tại dinh thự của Đại sứ Romania.
“Chuyện gì xảy ra vậy, Jim?”, ông Toon nói.
“Tôi không biết, thưa Đại sứ, nhưng ngài Phó trưởng phái đoàn cần nói chuyện với ông ngay lập tức.”
Một tiếng chuông điện thoại khác reo lên ở Spaso House. Một lần nữa, đó là ông Matlock
“Ngài Matlock, Đại sứ đã ở đầu dây bên kia. Tôi nói gì với ông ấy đây?” Schumaker hỏi.
Với một giọng nói ngày càng kích động, ông Matlock trả lời: “Jim, nói với ông ấy rằng chúng ta đang có một đám cháy ở đây… ” và “đúng lúc đó đường dây đột ngột ngắt”, ông Schumaker nhớ lại về cuộc đàm thoại ám ảnh với ông Matlock
“Tôi đã mất mọi thứ”
Khi Đại sứ Toon và cấp dưới James Schumaker đến Đại sứ quán Mỹ nằm cách Spaso House vài dãy nhà, họ chứng kiến cảnh tòa nhà chìm trong biển lửa.
“Cảnh tượng chào đón tôi thật khó tin. Hầu hết tầng 8 của Đại sứ quán đã bốc cháy”, ông Schumaker mô tả hiện trường.
Ngọn lửa nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng khắp tòa nhà. Đại sứ Toon đang chỉ đạo nỗ lực sơ tán trong bộ vest ăn tối sang trọng một cách bất tiện.
Nhiều nhân viên đại sứ quán tham gia hỗ trợ sơ tán, một số người bị sốc. Ông Schumaker nhớ lại cảnh Tham tán Kinh tế Ken Skoug "đi đi lại lại trước Đại sứ quán, lẩm bẩm một mình”. Ông Ken thốt lên “Tôi đã mất tất cả ”, khi ngọn lửa bùng lên từ cửa sổ văn phòng ở tầng 8 của ông.
Tranh cãi về điệp viên KGB
Ngay sau đó, lực lượng cứu hỏa Liên Xô đã đến hiện trường. Ngày càng có nhiều xe cứu hỏa kéo đến và các lính cứu hỏa bắc thang leo lên dập lửa.
Vì Đại sứ quán Mỹ được coi là lãnh thổ của nước này, các nhân viên cứu hỏa Liên Xô phải được sự cho phép của Đại sứ để vào tòa nhà. Chỉ huy đội cứu hỏa Liên Xô tiếp cận Đại sứ Toon và xin được cho phép tiếp cận gác mái.
“Cứ để nó cháy”, vị Đại sứ trả lời.
“Điều này là do ông Toon nghi ngờ rằng một số 'lính cứu hỏa chuyên nghiệp' có thể là điệp viên KGB và vì Đại sứ quán đang cất giữ rất nhiều thiết bị nhạy cảm”, ông Schumaker giải thích.
Cuối cùng, các nhân viên cứu hỏa Liên Xô cũng được phép vào các tầng trên của Đại sứ quán với điều kiện các sĩ quan an ninh Mỹ sẽ hộ tống họ.
Khi các nhân viên cứu hỏa lên các tầng trên cao, họ phát hiện một số nhân viên Đại sứ quán vẫn chưa rời khỏi tòa nhà, mặc dù đã được lệnh sơ tán.
May mắn thay, không ai thiệt mạng trong đám cháy mặc dù nó đã làm hư hại đáng kể tòa sứ quán. “Tầng 8 đã bị thiêu rụi và mọi tầng từ tầng 7 trở lên đều bị hư hại do khói và nước. Tòa nhà không khác một đống đổ nát, cả nghĩa đen và nghĩa bóng”, Schumaker mô tả cảnh tượng mà ông nhìn thấy vào buổi sáng sau vụ cháy.
Mặc dù tòa sứ quán bị hư hại, các nhà ngoại giao Mỹ chắc chắn rằng các điệp viên KGB đã thâm nhập vào đội cứu hỏa Liên Xô tới sau. Họ cáo buộc rằng các đặc vụ cải trang đã xem các hồ sơ mật, mở một số két sắt và làm xáo trộn thiết bị của Đại sứ quán.
Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa Liên Xô đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc. Tướng Viktor Sokolov, người từng là Phó Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô vào thời điểm đó, cho biết ông không sử dụng đặc vụ ngầm hay cảnh sát mật tham gia chữa cháy.