Vụ nổ trên tàu ngầm K-219 suýt gây ra một thảm họa hạt nhân "Chernobyl" với vùng Bờ Đông Mỹ.
|
Trong hành trình trên Đại Tây Dương, tàu K-219 được trang bị 16 tên lửa đạn đạo hạt nhân R-27. Theo Valery Pshenichny, trung úy, sĩ quan tình báo KGB trên tàu K-219, con tàu được mệnh danh là "thành phố tử thần" bởi số vũ khí mà nó mang theo có sức hủy diệt tương đương 300 quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản). Sức công phá của 16 quả tên lửa đạn đạo trên tàu có thể hủy diệt cả khu vực.
Trước khi chuyến đi bắt đầu, silo tên lửa số 6 của tàu đã bị rò một vết nhỏ, nhưng do những áp lực về tiến độ, không ai dám cho phép một lỗi nhỏ như vậy cản trở sứ mạng con tàu. Khi K-219 đi vào biển Sargasso ở Bắc Đại Tây Dương, vết rò trở nên nghiêm trọng, các thủy thủ phải bơm nước khỏi tàu ngày hai lần.
Ngày 3/10/1986, khi tàu đang tuần tra cách bờ biển Bermuda chừng 700 dặm, vết hàn trên vỏ silo tên lửa số 6 bị bục, khiến nước biển rò vào trong silo, hòa với nhiên liệu lỏng của tên lửa. Hỗn hợp này sản sinh ra nhiệt và khí độc. Mặc dù thủy thủ đã tạo lỗ thông khí, một vụ nổ đã xảy ra trong silo, bật phóng quả tên lửa hạt nhân và đầu đạn của nó xuống biển.
Vụ nổ tên lửa trên silo số 6 đã làm hỏng thân chính của tàu, khiến 5 người thiệt mạng. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn đã kịp đưa tàu nổi lên mặt nước. Để ngăn ngừa những quả tên lửa đạn đạo khác phát nổ, thủy thủ phải tắt lò phản ứng hạt nhân. Tuy vậy, hệ thống kiểm soát lò phản ứng từ xa lại bị hỏng do vụ nổ, Trung úy Nikolay Belikov và thủy thủ Sergey Preminin đã phải vào khoang số 7 để tắt bằng tay 4 cần điều khiển. Vấn đề ở chỗ nhiệt độ ở đó lúc này đã lên tới 70 độ C. Belikov cố sức tắt được 3 cần điều khiển, nhưng anh bất tỉnh ngay khi vừa thoát ra khỏi khu vực. Preminin xử lý được cần điều khiển thứ 4 nhưng không thể trở về vì cửa sập của khoang bị tắc do chênh lệnh áp suất quá lớn.
Hải quân Mỹ vào thời điểm đó đã giám sát chặt chẽ tình hình và cử tàu ngầm USS Augusta cùng máy bay do thám P-3 Orion tới vùng biển xảy ra sự cố. Trong lúc này, giới lãnh đạo Liên Xô không muốn điều các tàu ngầm khác đến cứu K-219 vì sợ lộ các vị trí của lực lượng chiến lược trên Đại Tây Dương. Thay vào đó, các tàu hàng Liên Xô được chỉ dẫn đến địa điểm K-219 gặp sự cố để tham gia cứu hộ cùng với phi đội máy bay nước này xuất phát từ Cuba.
Thủy thủ trên tàu K-219 đã không chấp nhận sự trợ giúp của Mỹ vì nó cho thấy thất bại của Hải quân Liên Xô. Ngoài ra, người Nga biết người Mỹ nóng lòng muốn thu thập các tài liệu và thiết bị mật từ con tàu gặp sự cố. Mặc dù vậy đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo Xô viết đã công khai nói về thảm họa tàu khi Tổng bí thư Mikhail Gorbachev gửi tin nhắn cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan về sự cố.
Thủy thủ đoàn K-219 cuối cùng được sơ tán thành công, ngoại trừ Thuyền trưởng Igor Britonov quyết trụ lại tàu sau khi tuyên bố: "Nếu tôi rời K-219, nó sẽ trở thành tàu vô chủ. Theo luật quốc tế, bất cứ ai tìm được con tàu vô chủ sẽ là chủ mới của tàu. Vì thế tôi phải ở lại tàu, nếu không người Mỹ sẽ sở hữu được nó".
Tàu K-219 được tàu hàng Liên Xô Krasnogvardeysk kéo đi với tốc độ chỉ 5km/h. Đêm 6/10, màn nước biển bất ngờ rẽ ra, tàu K-219 từ từ chìm xuống độ sâu 6km dưới đáy biển Saragossa. Thủy thủ đoàn sau khi về nước không bị kỷ luật về thiệt hại đối với con tàu ngầm chiến lược, mà còn được vinh danh bởi đã ngăn ngừa được một thảm kịch hạt nhân khủng khiếp. Thủy thủ Preminin, người hy sinh khi tắt lò phản ứng hạt nhân trên tàu, được truy tặng Huân chương Sao đỏ và phong Anh hùng Liên bang.
Theo các chuyên gia thì tàu ngầm K-219 không còn gây mối nguy cơ hạt nhân nào ngày nay. Plutoni trong các đầu đạn hạt nhân và lò phản ứng không thể nổi lên mặt nước vì không có dòng chảy nào ở độ sâu lớn như vậy, nhưng khả năng nhiễm phóng xạ qua chuỗi thức ăn thì có thể vẫn là một mối nguy. Tuy thế chúng ta không bao giờ được biết rõ ràng điều này vì kết quả của tất cả các cuộc nghiên cứu dưới đáy biển cho đến nay đều được giữ tuyệt mật.