Những điều ít biết về tuyến đường sắt xuyên Siberia

Siberia là vùng đất rộng lớn gần như nằm trọn trong nước Nga, chiếm gần toàn bộ phần Bắc Á và bao gồm phần lớn thảo nguyên Á - Âu. Ngày 21/7/ 1904, tuyến đường sắt xuyên Siberia, chạy từ Moskva đến Vladivostok đã được hoàn thành, tạo thay đổi to lớn cho vùng đất đang ngủ yên này.

 

Một tuyệt phẩm của kỹ nghệ xây dựng

           

Với chiều dài khoảng 10.000 km, tuyến đường sắt xuyên Siberia là một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới, trong đó có 80 km chạy trên cầu bắc qua sông. Tiếng tăm của tuyến đường sắt này khi ấy hầu như đã vang dội khắp năm châu. Tại triển lãm Paris vào năm 1900, khi mô hình tuyến đường sắt này được giới thiệu, nó đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người tham dự. Mô hình của công trình xây dựng tuyến đường cũng đã được trưng bày trên ba đài kỷ niệm ở St. Peterburg, Irkurtsk và Vladivostok.          

           

Yêu cầu về vấn đề xây dựng một tuyến đường sắt xuyên Siberia luôn được Thống đốc Siberia đưa ra nhằm phục vụ các vị tướng, các thương gia, những người lao động trong ngành công nghiệp, đặc biệt là sau khi sông Amur được sáp nhập vào nước Nga năm 1868. Nhưng nền tảng để xây dựng tuyến huyết mạch này chủ yếu là các lý do chiến lược và quân sự.

           

Tuyến đường sắt xuyên Siberia, chạy từ Moskva đến Vladivostok.


Ngày 17/3/1891, Sa hoàng Alexander đệ Tam đã ký một sắc dụ, cho xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberia, liên kết nước Nga từ phía Châu Âu sang các miền lãnh thổ ở phía Đông.

           

Ủy ban toàn Siberia được thành lập để kiểm soát quá trình xây dựng. Kế hoạch xây dựng được dựa theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính, S.U.Vitte và bản kế hoạch này lập tức được thông qua. Tuy nhiên, có một điều khoản nghiêm ngặt đã được đề ra, đó là “Tuyến đường sắt Sibiria vĩ đại chỉ được xây dựng bởi những người Nga và bằng trang thiết bị của nước Nga”. Và điều khoản này đã được tuân thủ.

           

Trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Siberia, có rất nhiều kho than dự trữ được mở ra dọc tuyến đường. Cũng thời điểm này, nhiều nhà ga, tháp chứa nước, phân xưởng sửa chữa, nhà thờ, trường học và bệnh viện cũng được xây dựng. Phương châm chính trong công cuộc xây dựng là “Xây dựng vững chắc để không phải xây dựng lại”.

           

Sau 13 năm xây dựng, ngày 21/7/1904, tuyến đường sắt Siberia vĩ đại được hoàn thành. Tuyến đường chính của đường sắt xuyên Siberia bắt đầu tại Yaroslavsky Vokzal ở Moskva, chạy qua Yaroslavi, Chelaybinsk, Omsk, Novosibirsk, Irkutsk, Ulan-Ude, Chita và Khabarovsk tới Valdivostok qua phía nam Siberia.

           

Năm 1916, mạng lưới đường sắt xuyên Siberia đã thông mạch châu Âu và châu Á, nối vùng Trung Nga và vùng Viễn Đông, liên kết các cảng ở phía Tây và phía Đông của đất nước Nga.


Giới chuyên ngành tới nay vẫn gọi tuyến đường sắt xuyên Siberia là một tuyệt phẩm của kỹ nghệ xây dựng. Mọi tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ lúc bấy giờ đã được đưa vào công trình.


Ngay cả ngày nay, công tác hiện đại hóa nền đường sắt và cơ sở hạ tầng cho tuyến đường này vẫn được thực hiện không ngừng. Không hề là một di tích bảo tàng, mạng đường sắt xuyên Siberia vẫn đang là hiện thực sống của hệ thống giao thông Nga.

 

Hành trình xe lửa tuyệt vời

           

Hơn 100 năm kể từ ngày hoàn thành, tuyến đường sắt Siberia được ví như một con ngựa sắt bền bỉ và kiêu hùng, tuy trang bị đơn giản nhưng đem lại cho du khách cảm giác thật thoải mái.

 

Tuyến đường sắt Siberia được xem là một trong những hành trình bằng xe lửa tuyệt vời nhất trên thế giới và là phương tiện số một để khám phá và cảm nhận trọn vẹn xứ sở bạch dương.

 

Đi xuyên suốt qua 2 lục địa và 8 múi giờ khác nhau, hành trình đường sắt Siberia ít nhất cũng kéo dài 7 ngày nếu không dừng chân lại nơi đâu. Nhưng để thực sự chiêm ngưỡng những cảnh đẹp trên tuyến đường huyền thoại, thì khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ là thích hợp nhất. Xe lửa xuyên Siberia sẽ dừng ít nhất 2 lần, và mỗi lần dừng khoảng 1 ngày.

 

Ban ngày, qua ô cửa kính của toa tàu, du khách sẽ thấy những rừng cây bulô chiếu ánh sáng bạc lấp lánh như xua tan cái băng giá ở phía bắc. Nhìn xa xa, những chùm khói trắng bốc lên từ ống khói của những ngôi nhà gỗ giống hệt như hình ảnh được bước  ra từ trong chuyện cổ tích.

 

Thật khó có thể đánh giá hết được giá trị của tuyến đường sắt xuyên Siberia đối với nước Nga. Đường sắt xuyên Siberia chạy qua các khu vực tập trung 80% tiềm năng công nghiệp của Nga. Tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường này cho phép vận chuyển tới 100 triệu tấn hàng/năm. Nước Nga sẽ hoàn toàn khác nếu không có đường sắt. Tuyến đường sắt xuyên Siberia chính là con đường huyết mạch của nước Nga.     

 

Đối với nhiều người dân Nga, tàu hỏa vẫn là phương tiện được ưa chuộng nhất để vượt qua vùng hoang mạc Siberia giá lạnh. Hơn 100 năm qua, những chuyến tàu vẫn liên tục chạy miệt mài ngày đêm trên tuyến đường sắt huyết mạch này.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

Đài Tiếng nói Nam Bộ - đường Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh
Đài Tiếng nói Nam Bộ - đường Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh

Mỗi ngày 2 buổi sáng và tối, Đài Tiếng nói Nam Bộ phát các chương trình với danh xưng: “Đây là Đài Tiếng nói Nam Bộ/Tiếng nói đau đớn/Tiếng nói căm hờn/Tiếng nói chiến đấu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN