Đài Tiếng nói Nam Bộ - đường Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh

Đài Tiếng nói Nam Bộ được thành lập ngày 20/7/1946 theo Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện cho Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Đây là Đài phát thanh thứ 2 ra đời sau Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Ngay từ ngày thành lập, mỗi ngày 2 buổi sáng và tối, Đài phát các chương trình với danh xưng: “Đây là Đài Tiếng nói Nam Bộ/Tiếng nói đau đớn/Tiếng nói căm hờn/Tiếng nói chiến đấu”.



Đài đóng tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đài Tiếng nói Nam Bộ phát thanh bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Ngay từ khi thành lập, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã đảm nhận một sứ mệnh thiêng liêng là sẵn sàng thay thế Đài Phát thanh Quốc gia trong tình thế khẩn cấp và đem tiếng nói chính nghĩa của cách mạng đến với đồng bào, giữ vững lòng tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


Từ chiến khu Việt Bắc, tiếng nói của Bác Hồ, những mệnh lệnh, đường lối chủ trương kháng chiến của Đảng và Chính phủ đã được chuyển tải qua làn sóng của Đài Tiếng nói Nam Bộ đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Đài đã mang tiếng nói thiêng liêng, tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai.


Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, để đảm bảo bí mật, an toàn cho làn sóng, Đài chuyển lên xã Trà Tân, huyện Trà Bồng, đến cuối năm 1947, lại chuyển vào huyện An Lão, tỉnh Bình Định hoạt động cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ núi rừng Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên đến vùng bưng biền Đồng Tháp Mười, mỗi khi chương trình của Đài vang lên, đồng bào chiến sĩ như được truyền thêm sức mạnh, ai ai cũng hăng hái thi đua lao động sản xuất, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.


Phù điêu ghi nhớ địa điểm phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam Bộ. Ảnh: Báo Quảng Ngãi


Dù đi đâu, ở đâu, những cán bộ, phóng viên của Đài cũng nhận được sự thương yêu, đùm bọc, chở che của đồng bào. Khó khăn không chùn bước,  những cái tên như Tuyết Minh, Cẩm Ba, Minh Lý, Văn Tích, Văn Sơn,  Cao Phước, Văn Hóa… đã để lại tình cảm, sự quý mến đối với nhân dân. Trong số này còn có cả viên quản đốc mỏ vàng Bồng Miêu - Quảng Nam người Pháp tên là Pôn-mét Ten nghe theo tiếng nói chính nghĩa, về với kháng chiến, được  đồng chí Phạm Văn Đồng, khi đó là đại diện Chính phủ tại Khu 5, phân công về làm phóng viên của Đài. Chính anh đã viết bài kêu gọi lính Pháp không chống lại lực lượng kháng chiến.


Trong suốt hơn 7 năm kể từ khi ra đời cho đến buổi phát sóng cuối cùng của đài vào ngày 1/12/1954, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách ác liệt của chiến trường. Do có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 1994, Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.


Và mới đây, ngày 26/6/2014, tại đình Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ ở Quảng Ngãi. Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến khẳng định: Lịch sử cách mạng Việt Nam từng ghi nhận một con đường Hồ Chí Minh sừng sững giữa rừng Trường Sơn, một đường Hồ Chí Minh trên biển.


Với những người làm báo phát thanh, nghĩ về những đóng góp to lớn của Đài đối với 2 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào “Một con đường Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh”. Con đường với bao huyền thoại về tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ, của những người làm báo chiến trường, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

 

Mayakovsky - nhà thơ vĩ đại của văn học Xô Viết
Mayakovsky - nhà thơ vĩ đại của văn học Xô Viết

Đánh giá về vai trò lớn lao của nhà thơ Mayakovsky, lãnh tụ Xô Viết Stalin đã từng nói: “Mayakovsky là nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN