Nhớ một thời Thông tấn xã giải phóng

Cho đến bây giờ, ông Đỗ Phượng, vị tổng giám đốc tài hoa một thời của TTXVN, mỗi khi nói về truyền thống của ngành, luôn nhắc lại với vẻ tự hào và xúc động. Chỉ trong vòng từ năm 1968 đến năm 1972, ở tận Nam Bộ xa xôi có một bộ phận TTX, đến ba lần bị giặc xóa sổ. Đó là bộ phận thông tấn - báo chí tỉnh Rạch Giá, tiền thân của cơ quan thường trú TTXVN tại Kiên Giang ngày nay.

Không được chứng kiến những lần giặc xóa sổ đó, chỉ còn lại trong ký ức mỗi người một nỗi nhớ không quên. Đó là trận đổ quân đánh úp tại lô 12, xã Vĩnh Hòa, chỉ trong vòng 30 phút cả cơ quan gần như bị giặc bắt sống và hy sinh, trừ một vài đồng chí đi công tác. Hai trận bom xăng tại ấp Rọ Rùa xã Vĩnh Chánh do máy bay trinh sát OV10 chỉ điểm, hầu như không mấy người sống sót. Tang thương nhất vẫn là trận vào một đêm cuối năm 1971. Tại ngọn kinh Ấp Khân, một loạt bom B52 bất ngờ cắt qua, cả cơ quan chỉ còn là giấy vụn, quần áo rách tả tơi, xác người không còn nguyên vẹn. Vùi sâu trong lớp than bùn của đất rừng U Minh Thượng.

Bờ bắc sông Cái Bé - Giồng Riềng năm 1973. Hàng đứng (từ phải sang): Nguyễn Tấn Dũng, Chủ nhiệm quân y tiền phương - BCHQS tỉnh Rạch Giá (nay là Thủ tướng Chính phủ); Lê Nam Thắng, phóng viên TTXGP; Nguyễn Hoàng Anh, cán bộ Đại đội, Tiểu đoàn 207 (đã hy sinh); Nguyễn Thành Hăng, Đại đội trưởng Đại đội đắc công (BCHQS tỉnh Rạch Giá). Hàng ngồi: Lê Ngọc Bích, phóng viên ảnh TTXGP; Nhà thơ Lê Xuân Triều, Tiểu ban văn nghệ giải phóng tỉnh Rạch Giá.


Tác nghiệp ở U Minh

Tôi thuộc thế hệ thứ tư về bổ sung cho bộ phận Thông Tấn - Báo chí tỉnh Rạch Giá, sau khi rời trường đào tạo Phóng viên - Thông Tấn Báo chí khu Tây Nam Bộ. Trường đóng tại kinh Ông Đơn, huyện Cái Nước trong rừng đước Cà Mau, vào tháng 4/1972. Lúc bấy giờ, bộ phận Thông Tấn - Báo Chí tỉnh Rạch Giá đóng tại ngã tư Vĩnh Tiến, ven rừng U Minh Thượng. Nhớ lại đoạn đường từ Cà Mau đi Rạch Giá, bây giờ chậm lắ́m cũng chỉ đi già một buổi. Thế mà thời đó, chúng tôi phải ròng rã băng rừng lội suối gần hai tháng trời mới tới. Những địa danh như: Sông Cái Lớn, Sông Trẹm, Cái Tàu, quốc lộ 4, Kinh Xáng Xẻo Rô, Miệt Thứ, Đầm Bà Tường, sông Ông Đốc… bây giờ nghe có vẻ thơ mộng, ấy vậy mà cái thời chúng tôi xem như những "tọa độ chết" mỗi khi đi qua đó.

Buổi đầu, tôi được phân công mỗi tuần hai lần sang khai thác nguồn thông tin từ văn phòng Tỉnh ủy. Đoạn đường đến văn phòng Tỉnh ủy thường tôi phải dậy thật sớm khởi hành từ 5 giờ sáng, đi xuyên từ phía đông sang phía tây rừng U Minh Thượng, nhanh lắm cũng phải xế chiều mới tới. Thường phải đi một mình nhằm tránh tổn thất do giặc đổ quân, biệt kích thám báo có thể chạm mặt bất cứ lúc nào. Ngoài tôi còn có Ngô Hoàng Vân, cũng từ trường văn hóa Lý Tự Trọng về bộ phận Thông Tấn - Báo chí Rạch Giá trước tôi vài tháng. Khi đứa này mệt hay đau ốm, thì đứa khác thay phiên. Còn lại các anh lớn như: Phạm Xuân Yên, Trương Thanh Nhã, Thái Đông Thắng, Lê Ngọc Bích, Trần Thu Đông là những phóng viên trụ cột thường xuyên có mặt ở chiến trường nóng bỏng ít khi ở nhà.

Bây giờ nhìn lại một số bản tin viết trên khổ giấy A4 gấp đôi may mắn còn giữ được, có ghi cả ngày viết, ngày phát về tổng xã và cả ký hiệu đài Minh Ngữ Rạch Giá POP3, đã úa màu thời gian. Đó thực chất là những mảnh giấy viết tay nơi góc rừng, hay bên công sự chiến hào một trận đánh nào đó, nhằm sắp xếp lại sự kiện nào đó cho có đầu có đuôi với phương châm càng nhanh càng tốt để kịp chuyển về Thông Tấn Xã Giải Phóng. Mà TTXGP là gì? gồm những ai? Thì gần như chưa từng được biết. Bởi trước khi đi học trường Thông Tấn Báo Chí Khu Tây Nam Bộ, tôi vốn là một người viết tin, kiêm in ấn, kiêm luôn việc phát hành tờ tin cấp huyện.

Công việc cứ thế mà quen dần nên áp lực cũng giảm, dần dà tôi được phân công mở rộng đi và viết thêm một số địa bàn khác. Ngoài vùng giải phóng còn có vùng ven đô, vùng địch tạm chiếm chủ yếu là địa bàn các huyện Gò Quao, Châu Thành, giồng Riềng, An Biên, Vĩnh Thuận. Nhờ vậy, ngoài tin tức là chủ lưu tôi còn có những loạt bài khác thể loại ghi chép, ký sự, phóng sự điển hình như: Trận tuyến U Minh, Chữ về với trẻ Xẻo Gia hay Quyết giữ hạt lúa quê mình... Phản ảnh kịp thời thực tế cuộc sống và chiến đấu của quân và dân, tố cáo tội ác của giặc. Được phát trên đài phát thanh giải phóng đăng báo giải phóng, báo chiến thắng Rạch Giá có tính động viên cổ vũ kịp thời được người nghe đón nhận nồng nhiệt.

Trong vòng vây quân thù

Khoảng thời gian đó tôi không nhớ mình viết được bao nhiêu bản tin bao nhiêu bài báo. Nhưng cuộc chiến bằng ngòi bút đối với tôi mới thật sự bắt đầu, khi tôi được phân công lên địa bàn huyện Giồng Giềng, một trong những chiến trường trọng điểm vào thời khắc hiệp định hòa bình vừa được ký kết cuối năm 1973 tại Paris. Để bảo vệ cho đầu não ngụy quyền Sài Gòn vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ, vùng Tam Giác nhỏ bé nằm giáp ranh ba tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang), Chương Thiện (Hậu Giang) Phong Dinh (Cần Thơ), địch tập trung về đây đến 45 tiểu đoàn, đủ các thứ quân binh chủng. Ngỡ có hòa bình, nhưng vùng đất nói trên lại trở thành tâm điểm điển hình cho cuộc chiến giành dân lấn đất ở miền châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Có đơn vị bộ đội một tháng đánh hơn ba mươi trận thắng lợi thì nhiều ngược lại hy sinh thương tật cũng thường như cơm bữa.

Riêng tổ phóng viên chiến trường ngoài tôi còn có Lê Ngọc Bích phóng viên ảnh, Nguyễn Thanh Hà điện báo viên chính, Võ Vạn Trăm, điện báo viên. Bốn chúng tôi ròng rã nhiều ngày tháng hầu như không có chỗ ở ổn định, toàn bộ những gì thuộc về đồ dùng sinh hoạt, phương tiện làm việc đều trên đôi vai. Nhiệm vụ chính là viết tin, chụp ảnh nhưng cũng phải đánh giặc để tồn tại. Ấy thế mà vẫn có tin, ̀bài đều đặn phát về TTX, có ảnh triển lãm, gửi đăng báo. Nhớ lại trận bộ đội địa phương huyện Giồng Riềng tập kích tiêu diệt phân chi khu quân sự và công sự tề xã Hòa Hưng. Trưa hôm đó chúng tôi phát tin ngay trong vòng vây bọc thép M113, may mà thoát chết. Trận D20 (trung đoàn Cửu Long), tập kích tiêu dịch yếu khu quân sự Ba Hồ, tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc Huyện Gò Quao, chúng tôi phát tin chỉ cách trận địa chưa đầy 300 m, ngay bên bờ sông Cái Bé.

Tôi còn nhớ trên trời dày đặc máy bay, đại bác bắn liên hồi đinh tai nhức óc, Thanh Hà ngồi phía sau tôi trong một công sự dã chiến nửa khô nửa nước, bên ngoài miệng hầm Võ Vạn Trăm ôm súng cảnh giới. Cứ hễ viết được vài chục chữ, tôi chuyền tay cho Thanh Hà đang lên sóng và chuyển phát đi. Ấy thế mà bài tường thuật "Tiêu diệt yếu khu quân sự Ba Hồ, cứ điểm cuối cùng nằm trong vùng tam giác giáp ranh ba tỉnh Rạch Giá - Chương Thiện - Phong Dinh" có độ dài 1.200 từ được phát đi trọn vẹn. Điều bất ngờ nữa ngay buổi phát thanh chiều hôm đó, Đài phát thanh Giải phóng phát nguyên văn bài tường thuật. Thử hình dung nó có tác dụng tới mức nào. Nhân dân trong vùng vô cùng phấn khởi. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo binh Lâm Văn Chương quê miền Bắc, người trực tiếp chỉ huy trận tập kích hôm đó đích thân mời chúng tôi ăn bữa cơm tối không có đèn với món thịt gà kho sả. Thật đau lòng, anh hy sinh chưa đầy một tuần sau đó, trong trận đánh tập kích chi khu quân sự Ngọc Chúc.

Thế hệ thứ tư của chúng tôi có cái may mắn không phải hứng chịu bị giặc xóa sổ thêm một lần nữa nhưng sự hy sinh mất mát trong quá trình tác nghiệp là không thể tránh khỏi, bởi cường độ của chiến tranh. Làm sao có thể quên được người anh cả nhà báo tài hoa Trung Vũ hy sinh nằm lại Hòn Đất; nhà báo Hoàng Hảo, Việt Hưng nằm lại ven bờ sông cái lớn; nhà báo họa sĩ Nguyễn Văn Cộng (Bảy Truyền) hy sinh trong tư thế trên lưng còn gùi đầy một ba lô bản tin thông tấn; nhà báo Trường Xuân, Lê Văn Hoàng hy sinh trong tư thế vừa cầm bút vừa cầm súng nằm lại ven rừng U Minh Thượng. Còn nữa không ít những người mất một phần thân thể, bị tù đày ra Côn Đảo Phú Quốc, bị phơi nhiễm chất độc màu da cam mà di chứng còn đeo bám đến bây giờ.

Đất nước đã 40 năm hòa bình, đồng nghĩa với chiến tranh ngày càng lùi xa vào quá khứ. Nhưng sự hy sinh mất mát sự gian khổ gần như vượt qua sự chịu đựng của con người mà thế hệ nhà báo đàn anh đàn chị đi trước phải hứng chịu để góp phần làm nên một thời Thông Tấn Xã Giải Phóng, thì chắc chắn rằng, chúng ta, những người còn sống không bao giờ có thể quên.

Lê Nam Thắng
Kỷ niệm 52 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ
Kỷ niệm 52 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ

Ngày 15/9, đúng dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) (15/9/1945- 15/9/2012), tại Hội trường UBND thành phố Đà Nẵng, Cơ quan Đại diện TTXVN tại Đà Nẵng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 52 năm Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN