Chùa Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, tâm linh, mà còn là di tích lịch sử cách mạng có giá trị. Nơi đây đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ của Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa (1940 - 1945). Thời kỳ tiền khởi nghĩa, trước sự phát triển sâu rộng của phong trào cách mạng ở các địa phương, cán bộ lãnh đạo Trung ương chủ trương mở rộng An toàn khu xuống địa bàn tỉnh Bắc Ninh; lực lượng cách mạng Trung ương được phân công xây dựng cơ sở khắp nơi.
Theo Đại đức Thích Thanh Anh, trụ trì chùa Đồng Kỵ: Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1940 - 1945) nơi đây là căn cứ hoạt động cách mạng của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng... Thời điểm đó, dưới sự trụ trì của nhà sư Phạm Thông Hòa, cùng với tổ bảo vệ bí mật trong xã; nhà chùa hết lòng nuôi giấu, bảo vệ, che chở các cán bộ trước sự lùng sục, càn quét khủng bố của quân địch. Nhờ đó, công tác giao liên, vận chuyển tài liệu được dễ dàng, tạo điều kiện tốt nhất để các đồng chí yên tâm công tác, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhớ lại buổi đầu tiên khi các đồng chí cán bộ đến chùa vào năm 1941, bà Phạm Thị Quang (Đồng Kỵ - Từ Sơn), khi đó đang ở cùng mẹ trong chùa cho biết: Ngày đó, nhiều cán bộ cách mạng do bác Trường Chinh dẫn đầu đến chùa với danh nghĩa là các nhà sư, chú tiểu về chùa để “an cư kiết hạ”. Mặc dù lúc đó tuổi còn nhỏ nhưng bà Quang được giao nhiệm vụ phụ giúp mẹ là cụ Trần Thị Gái thổi cơm, nấu nước, phục vụ sinh hoạt cho cán bộ. Thời kỳ đó, Đồng Kỵ là nơi giặc Pháp chiếm đóng nhưng ngôi chùa được xây dựng khép kín, cách xa khu dân cư, xung quanh được bao bọc bởi nhiều tầng, lớp các bụi tre, nên các cán bộ cách mạng được bảo vệ khá an toàn.
Bà Phạm Thị Quang, nhân chứng lịch sử của thời kỳ tiền khởi nghĩa. |
Trong quá trình hoạt động, cơ sở cách mạng được các cán bộ cách mạng tổ chức rất chặt chẽ, đảm bảo bí mật. Mặc dù thường xuyên đi lại, sinh hoạt trong chùa gần 4 năm (từ năm 1941 - 1945) nhưng ngoài nhà sư Phạm Thông Hòa, không ai biết danh tính, cũng như hoạt động của tổ chức, tất cả đều được ngụy trang cẩn thận. Lúc đó, không chỉ làm nhiệm vụ nuôi giấu, bảo vệ các cán bộ, nhà sư Phạm Thông Hòa còn tích cực tham gia cách mạng. Với trang phục của nhà chùa, nhà sư Phạm Thông Hòa đã đi liên hệ, gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày đó, Đồng Kỵ là nơi bị giặc Pháp chiếm đóng, trong làng trương tuần, lính tráng đi lùng sục cán bộ Việt Minh khắp nơi. Cũng giống như những miền quê Việt Nam khác, nơi đây chịu ảnh hưởng nặng nề của ách kìm kẹp của Nhật, Pháp. Giữa lúc nạn đói hoành hành, người dân chết đói hàng loạt, chúng bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, bán thóc giá rẻ khiến lòng dân vô cùng căm phẫn. Hàng ngày, bữa cơm ở chùa Đồng Kỵ cũng chỉ có cơm cà, đậu phụ và muối vừng nuôi cán bộ cách mạng.
Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, từ năm 1941, nhà chùa là nơi đón tiếp, nuôi giấu an toàn hàng chục cán bộ cách mạng Trung ương và địa phương. Từ đó, phong trào cách mạng tại Bắc Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ với hoạt động công khai, bán công khai như đấu tranh chống thuế, không nộp thóc tạ... Đại đức Thích Thanh Anh, trụ trì chùa Đồng Kỵ hiện nay cho biết đã được nghe các nhà sư tiền bối kể về thời khắc lịch sử Ban thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Tại ngôi nhà khách của chùa, ngày 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng và ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Giữa lúc cuộc họp đang diễn ra, đã xuất hiện đám trương tuần ở gần đó, với sự nhạy bén, nhà sư Phạm Thông Hòa nhanh chóng ra hiệu rời cuộc họp sang nhà cụ Đám Thi (Đình Bảng - Từ Sơn). Sau khi phân tích tình hình, bản Chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời làm kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đồng chí lãnh đạo cách mạng rời chùa để thực hiện nhiệm vụ mới. Ngôi chùa tiếp tục gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân, cùng đấu tranh kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ. Từ đó đến nay, ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm của làng Đồng Kỵ và hình ảnh các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng từng ở, hoạt động cách mạng cùng khí thế cách mạng hào hùng của những tháng năm tiền khởi nghĩa, vẫn luôn được người dân Đồng Kỵ ghi nhớ, tự hào.
Nhằm gìn giữ giá trị di tích lịch sử cách mạng, chùa Đồng Kỵ đã được tu bổ, xây dựng lại khang trang nhưng vẫn giữ kiến trúc cổ, với nhiều công trình như: Gác chuông, Tam Bảo, Hậu đường, nhà Tổ, nhà khách, vườn tháp, hệ thống tượng thờ phong phú. Nhà lưu niệm được đặt trong không gian nhà khách nơi các vị lãnh đạo cách mạng đã từng sống và làm việc. Trong nhà lưu niệm còn lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị như bộ quần áo nhà sư mà đồng chí Trường Chinh mặc khi còn ở chùa, bếp lò, những vật dụng hàng ngày tích chén, ấm đun nước, mâm gỗ - những vật dụng mà các đồng chí cán bộ Cách mạng từng sử dụng cùng những bức chân dung các đồng chí đã từng hoạt động cách mạng trong chùa.
Chùa Đồng Kỵ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1974. Năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ngôi chùa là An toàn khu thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ông Dương Văn Cư, Trưởng ban Quản lý cụm di tích đình, đền chùa Đồng Kỵ cho biết: Nhằm tuyên truyền, giáo dục toàn thể nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa, bên cạnh việc xây dựng nhà lưu niệm, ban quản lý di tích còn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi năm nhà chùa đón rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách đến tham quan. Thời gian tới, ban quản lý di tích chủ trương tham mưu cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập tour du lịch kết nối các di tích cách mạng nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.