Theo trang todayifoundout, Dự án MKULtra được thực hiện từ năm 1953 tới năm 1964. Khi đó, CIA đã thực hiện hàng chục thí nghiệm về ảnh hưởng của các chất sinh học và hóa học với công dân Mỹ mà họ không hề biết. Những thí nghiệm bí mật trong Dự án MKULtra gồm cho người dân dùng ma túy gây ảo giác và các hóa chất khác.
Dù rất khó tìm tài liệu chính thức về chương trình này nhưng năm 1976 và 1977, Thượng viện Mỹ đã thực hiện điều tra và thậm chí còn tổ chức điều trần trước một ủy ban hỗn hợp về Dự án MKULtra.
Sau đó, Thượng viện Mỹ đã công bố phần lớn những gì đã phát hiện ra. Nhiều thông tin gây sốc và rất khó tin.
Mục đích của MKULtra
Theo báo cáo điều trần, dự án này nhằm phát triển khả năng sử dụng bí mật nguyên liệu hóa học và sinh học. Động cơ của dự án mang tính phòng vệ dựa trên lý do nhiều người sợ rằng trong Chiến tranh Lạnh, Nga và Trung Quốc cũng đã phát triển vũ khí sinh học và hóa học.
Chính thức được cho phép thực hiện năm 1953, tới năm 1955, dự án đã mở rộng thẩm quyền của CIA, cho phép cơ quan này tìm hiểu những nguyên liệu và phương pháp nhằm: tăng cường ảnh hưởng nhiễm độc của cồn; tăng cường tác dụng của thôi miên; tăng cường khả năng chịu thiếu thốn, tra tấn, ép buộc trong khi bị thẩm vấn và “tẩy não”; gây quên các sự kiện trước và trong khi thẩm vấn; gây sốc và nhầm lẫn trong một giai đoạn kéo dài; gây khuyết tật như liệt chân…
Trong phiên điều trần khi đó, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nói: “Có một chương trình thí nghiệm tăng cường, trong đó có những cuộc thử nghiệm thuốc bí mật với người dân mà họ không hay biết. Họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, cả người giàu và người nghèo, cả người Mỹ và người nước ngoài. Một số thí nghiệm còn bí mật sử dụng thuốc gây ảo giác với các công dân trong các tình huống xã hội”.
Đối với các cuộc thí nghiệm này, đặc biệt là các thí nghiệm ban đầu, không có nhân viên y tế phụ trách cung cấp thuốc hay quan sát tác dụng của thuốc. Thông thường, những người được chọn lựa ngẫu nhiên đã bị ốm trong vài giờ hoặc vài ngày, có người phải nhập viện.
Đáng lo ngại hơn là một số thí nghiệm nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, CIA vẫn không dừng thí nghiệm. Có hai người Mỹ đã tử vong do các chương trình này. Những người tham gia khác có thể vẫn chịu tác dụng phụ của thuốc. Thí nghiệm vẫn được tiếp tục tiến hành nhiều năm trời bất chấp nguy hiểm của thuốc gây ảo giác, cho thấy CIA đã không đếm xỉa gì tới tính mạng con người.
Cái chết của Tiến sĩ Olson
Một trong những người bị thí nghiệm là Tiến sĩ Frank Olson, một nhà nghiên cứu trong quân đội Mỹ chuyên về phát triển các kỹ thuật sử dụng vũ khí hóa học trong tấn công và nghiên cứu sinh học cho CIA. Ông đã cùng một nhóm 9 nhà khoa học tham gia một hội nghị ở khu vực hồ Deep Creek, bang Maryland tháng 11/1953. Khi ở đó, rượu Cointreau của các nhà nghiên cứu bị đặc vụ CIA bí mật cho thuốc gây ảo giác vào. Chỉ sau khi các nhà khoa học uống xong, họ mới được thông báo là đã bị đánh thuốc.
Phần lớn nhà khoa học không gặp vấn đề gì với thí nghiệm và không bị phản ứng phụ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Olson không may mắn như vậy. Ông không bao giờ bình phục sau sự việc. Không lâu sau thí nghiệm, ông bắt đầu có triệu chứng hoang tưởng và tâm thần phân liệt.
Cấp trên của Tiến sĩ Olson và nhân viên CIA chịu trách nhiệm thực hiện thí nghiệm trên đã sắp xếp cho ông điều trị ở New York. Tiến sĩ ở qua đêm cùng phòng khách sạn với nhân viên CIA có tên Lashbrook. Sau khi yêu cầu người này đánh thức ông dậy vào sáng hôm sau, Tiến sĩ Olson không rõ đã ngã như thế nào và tử vong. Nhân viên CIA này báo cáo lại: “Lúc khoảng 2 giờ 20 sáng ngày thứ bảy 28/11, Lashbrook thức giấc vì nghe thấy mảnh kính vỡ rất mạnh. Ông Olson đã lao qua cửa sổ đang đóng và tử vong khi rơi từ cửa sổ tầng 10 xuống đất”.
Không có cuộc điều tra nào về cái chết bất ngờ của Tiến sĩ Olson, đặc biệt là từ nhân viên CIA thực hiện thí nghiệm và ở một mình với ông Olson.
Thí nghiệm trong trường đại học, bệnh viện, nhà tù
Trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Kennedy lưu ý rằng nhiều cơ quan danh tiếng đã hợp tác trong Dự án MKULtra. Ông nói: “Điều chúng ta đang nói tới là sự xuyên tạc và tham nhũng của nhiều trung tâm nghiên cứu nổi tiếng tại đất nước này. Với tiền của CIA, một số nhà nghiên cứu hàng đầu của chúng ta đã vô tình tham gia vào nghiên cứu do CIA tài trợ mà họ không biết về thông tin cơ bản”.
Báo cáo trong phiên điều trần cho thấy có 86 trường đại học và viện cùng 185 trợ lý và nhà nghiên cứu phi chính phủ liên quan tới Dự án MKULtra. Các nhà vật lý, nhà nghiên cứu chất độc và chuyên gia về ma túy, tâm thần bị dụ dỗ tham gia MKULtra khi họ tin rằng nguồn tiền hỗ trợ họ là từ các cơ sở nghiên cứu.
Tại một số trong 12 bệnh viện tham gia dự án MKULtra, các thử nghiệm được thực hiện trên bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vì các thí nghiệm này được cho là sẽ có tác hại lâu dài hoặc chết người.
Để bệnh viện đồng ý thực hiện thí nghiệm, CIA thường trả tiền. Tiểu dự án 23 được cho phép thực hiện vào tháng 8/1955 và hoạt động như sau: Kỹ sư dự án cho phép nhà thầu trả viện phí cho một số người bị bệnh ung thư không thể chữa được để được nghiên cứu ảnh hưởng của các hóa chất dùng trong điều trị bệnh giai đoạn cuối.
Tương tự, nhiều thí nghiệm được thực hiện tại nhà tù cũng được tiến hành bí mật hoặc kêu gọi tình nguyện. Trong một thí nghiệm do Trung tâm Nghiên cứu tình trạng nghiện (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) thực hiện tại Trung tâm cải tạo Lexington (nhà tù dành cho người nghiện bị kết án), tù nhân tình nguyện tham gia thí nghiệm thuốc gây ảo giác được hứa cho loại thuốc mà họ nghiện.
Ngoài ra, có rất nhiều thí nghiệm khác, ví dụ như: ảnh hưởng của sốc điện, kỹ thuật quấy rối dùng để tấn công… Các nhà khoa học MKULtra cũng được phép nghiên cứu thêm các biện pháp kiểm soát hành vi con người. Dự án MKULtra có 149 tiểu dự án, trong đó có nhiều tiểu dự án dường như có một mối liên hệ nào đó với nghiên cứu thay đổi hành vi, thử nghiệm thuốc bí mật.
Tuy nhiên, gần như không còn sót lại tài liệu ghi chép hoạt động bí mật kéo dài 10 năm này. Thượng nghị sĩ Kennedy nói: “Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là không rõ quy mô các thí nghiệm với người ở mức độ nào. Tài liệu về mọi hoạt động này đã bị hủy năm 1973 khi CIA có Giám đốc mới là Richard Helms”. Tuy nhiên, một số tài liệu bị CIA bỏ sót và được tìm thấy năm 1977.
Theo trang todayifoundout, có hai vụ kiện nảy sinh từ hoạt động của Dự án MKULtra được đưa lên Tòa án Tối cao, nhưng cả trong cả hai, chính phủ đều được bảo vệ thay vì quyền lợi của công dân.
Vụ kiện thứ nhất vào năm 1985, khi đó Tòa án Tối cao phán quyết rằng tên các nhà nghiên cứu và cơ sở tham gia MKULtra được miễn thực thi Đạo luật Tự do thông tin vì CIA cần bảo vệ nguồn tin tình báo.
Vụ kiện thứ hai diễn ra năm 1987. Tòa án phán quyết rằng một tình nguyện viên bị cấm đòi bồi thường thiệt hại theo Đạo luật Bồi thường thiệt hại. Người này tham gia thí nghiệm về vũ khí hóa học nhưng lại bị thí nghiệm với thuốc gây ảo giác.