Câu chuyện hãi hùng về trại tập trung của phát xít Đức tại hòn đảo thuộc Anh

Một báo cáo gây sốc cho biết hàng trăm người Do Thái và tù nhân chính trị đã bị Đức Quốc xã bỏ đói hoặc đánh đập tới chết khi chúng chiếm đóng quần đảo Channel của Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo tờ Dailymail, biên bản ghi nhớ có tên Báo cáo về tội ác ở Alderney 1942-1945 do sĩ quan tình báo Theodore Pantcheff viết cho Chính phủ Anh sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại và hòn đảo này được giải phóng năm 1945.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Đức diễu hành qua quảng trường Marais trên đảo Alderney trong thời gian chúng chiếm quần đảo Channel. Ảnh: Dailymail

Báo cáo này lộ diện sau khi tờ Sunday Times có một bản sao hiếm đang được lưu tại cơ quan lưu trữ Nga. Pantcheff đã lấy lời khai của 3.000 nhân chứng, trong đó có các cựu tù nhân chiến tranh, binh sĩ Đức và dân thường.

Pantcheff đã phát hiện ra bằng chứng về các ngôi mộ tập thể cũng như những câu chuyện kinh hoàng về việc các binh sĩ Đức canh gác tù nhân sẽ được thưởng ngày nghỉ phép mỗi khi có 5 tù nhân tử vong.

Nhóm tù nhân đông nhất bị đưa tới hai trại tập trung tên là Sylt và Lager Norderney trên đảo Alderney. Họ là tù binh chiến tranh người Nga, Ba Lan và Ukraine. Ngoài ra còn có dân thường cùng với người Do Thái ở Pháp, cũng như tù nhân chính trị Đức và Tây Ban Nha.

Sau khi Đức Quốc xã đánh bại quân Đồng minh ở Pháp tháng 6/1940, tân Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó phải ra quyết định khó khăn về việc không duy trì bảo vệ quần đảo Channel vì không có tầm quan trọng chiến lược. Ban đầu, Churchill ngần ngại bỏ lại tài sản lâu đời nhất của Hoàng gia Anh nhưng cuối cùng đành nghe lời các cố vấn quân sự. Điều này có nghĩa là binh sĩ đồn trú trên đảo rút đi rất nhanh, để lại người dân đảo rơi vào tay của quân Đức xâm lược. 

Trong khi đa số dân đảo Guernsey và Jersey tiếp tục ở lại thì 1.400 dân ở đảo Alderney rộng 7,7km2 đã sơ tán về đất liền.

Đức Quốc xã không biết lực lượng Đồng minh đã ngừng bảo vệ quần đảo và trong vòng hai tuần tiếp đó, chúng bắt đầu điều máy bay do thám bay trên các đảo. Tổng cộng, 44 dân đảo đã thiệt mạng trong các cuộc đột kích vào cảng. Đức Quốc xã nhanh chóng chiếm quần đảo và đây là khu vực duy nhất mà Đức chiếm được của Anh.

Chính quyền Đức đổi múi giờ từ GMT thành CET để phù hợp với giờ của Đức. Xe cộ cũng phải đi bên phải thay vì đi bên trái. Người dân buộc phải bán ô tô, nhà cửa; nói tiếng Đức ở trường học; giao nộp vũ khí, tàu thuyền và máy ảnh; không được tự do ra bờ biển. 

Hitler cho rằng chiếm đóng quần đảo có giá trị công cụ tuyên truyền. Do đó, các hòn đảo đã được củng cố dày đặc. Hắn điều 1/12 số thép và bê tông được dùng trong mạng lưới phòng thủ Bức tường Đại Tây Dương tới quần đảo Channel. Quần đảo này trở thành một trong những khu vực kiên cố nhất châu Âu với một loạt đường hầm, ụ pháo ven biển.

Quân Đức xây các trại lao động cưỡng ép trên một số đảo và vài trại lao động tự nguyện trên Guernsey và Jersey. Người lao động buộc phải xây boongke, ụ súng, hầm tránh bom, pháo đài bê tông.

Năm 1942, các trại Sylt và Norderney được xây trên Alderney để giam giữ vài trăm lao động cưỡng ép. Một năm sau, ngày 1/3/1943, hai trại này do Maximilian List kiểm soát và hắn biến chúng thành trại tập trung. Sau đó, Georg Braun tiếp quản hai trại vào tháng 3/1944. Cả hai nhân vật này đều là thành viên lâu năm của đảng Quốc xã. List đã ra lệnh đối xử với tù nhân khắc nghiệt, còn Braun thì tàn ác quá mức độ.

Chú thích ảnh
Trại tập trung Sylt năm 1945. Quân Đức đã phá hủy phần lớn trại năm 1944. Ảnh: Dailymail

Báo cáo của Pantcheff cho thấy tình trạng hủy diệt thông qua lao động diễn ra ở đây như thế nào. Tổng cộng, Đức Quốc xã đã đưa trên 6.000 người tới đảo Alderney. Lao động buộc phải làm việc nặng nhọc trên công trường xây dựng suốt 12 tiếng mỗi ngày. Họ chỉ được ăn bữa ăn nghèo nàn là súp bắp cải loãng toẹt trong bữa trưa và bữa tối, uống cà phê không đường, không sữa vào bữa sáng.

Họ phải ở trong các doanh trại xập xệ, ẩm ướt, không có lấy một ngày được nghỉ suốt cả tuần. Việc của họ là kéo dây cáp và xây boongke, đào hầm và xây tường thành. Họ buộc phải xây dựng tuyến phòng thủ ven biển thuộc Bức tường Đại Tây Dương của Hitler và 20% lao động trong trại đã chết chỉ trong 4 tháng đầu tiên.

Pantcheff nhắc tới lời kể của một số nhân chứng, nói rằng nguyên nhân tử vong phổ biến ở trại năm 1943 là chết đói, cùng với làm việc quá sức và bị đối xử tệ bạc. Người lao động hầu như không bao giờ được phép báo ốm, trừ khi bệnh nặng tới mức không thể làm gì được.

Dù mùa đông khắc nghiệt nhưng người lao động nước ngoài không được cấp thêm quần áo. Tù nhân bị đánh đập tùy tiện hàng ngày vì những vi phạm nhỏ nhặt nhất như không thực hiện động tác diễn tập chuẩn xác, tìm thêm thức ăn trong thùng rác. 

Binh lính canh gác trại còn cạnh tranh nhau suất nghỉ phép thêm bằng cách bắn tù nhân dù họ vi phạm những lỗi nhỏ nhất. Bọn chúng có một trò chơi tàn bạo là ném mẩu thuốc lá ra sàn rồi bắn bất kỳ ai cố nhặt lên.

Có nhân chứng còn kể rằng bức tường trong văn phòng của tên Karl Theiss, chỉ huy đảo Norderney, phải sơn đi sơn lại 3 hoặc 4 lần mới che được vết máu. Các đảo cũng có nhiều mộ tập thể. Có một ngôi mộ tập thể ở Longis Common trên đảo Alderney chôn tới 300-400 người Do Thái.

Năm 2017, Wilhelm Wernegau, một người từng là tù nhân ở trại Sylt kể lại vụ đầu bếp của trại bị quân Đức siết cổ vì không thích đồ ăn người này nấu. Quân Đức sau đó đã bắn chết đầu bếp. Một người thì bị buộc tay treo lên vì tội ăn cắp. Bản thân Wernegau từng bị lính Đức thả chó tấn công vì tìm lá cải bắp và vỏ củ quả cho vào túi. Con chó dữ cắn xé rách quần áo của Wernegau và sau đó, người này bị đánh bằng gậy. Xác chết đầy quanh trại và được chất đống trong một cái lều đặc biệt. Về sau, quân Đức chất xác lên xe tải và vứt xuống biển.

Tại trại Sylt, nơi kinh hoàng nhất trên đảo Alderney, tù nhân bị giết như một môn thể thao của lính Đức. Khi chơi “thể thao”, lính Đức xua chó đuổi để buộc tù nhân phải chạy quay hàng rào an ninh rồi chúng bắn tù nhân vì cố tình “trốn”. 

Có vụ bốn tù nhân bị buộc lên hàng rào thép gai phía trên một bức tường vì giết và ăn thịt một con cừu. Một tù nhân Nga bị treo người vắt lên cổng chính. Ngực người này có dòng chữ “vì ăn cắp bánh mỳ”. Những người khác bị treo lên vài ngày, bị đánh đập hoặc dội nước lạnh suốt đêm cho tới khi chết. Tù nhân của trại lao động này sống cuộc đời tội nghiệp ngắn ngủi trong nỗi sợ hãi thường trực. 

Ít nhất 700 người đã chết tại các trại lao động và trại tập trung trên Alderney và nhiều người nữa chết trên đường vào hoặc ra các trại này.

Trại tập trung Sylt bị đóng cửa năm 1944. Quân Đức phá hủy phần lớn trại để che giấu tội ác. Vào ngày 6/6/1944, thời điểm diễn ra cuộc đổ bộ D-Day, binh sĩ Anh đã bỏ qua quần đảo được phòng thủ dày đặc này. Mãi tới ngày 9/5/1945, quân Đức trên đảo mới đầu hàng. Quân Anh giải phóng đảo Guernsey và Jersey vào ngày này. Đảo Sark được giải phóng ngày 10/5/1945. Quân Đức trên đảo Alderney đầu hàng ngày 16/5/1945. Tù binh chiến tranh được đưa khỏi đảo Alderney ngày 20/5/1945. Alderney là doanh trại Đức cuối cùng đầu hàng sau khi chiến tranh kết thúc.

Cho dù báo cáo đầy chi tiết kinh hoàng nhưng chỉ một nhóm nhỏ người Đức bị trừng phạt vì tội ác chúng gây ra trên quần đảo Channel. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đội phi công anh hùng của Liên Xô bảo vệ Vũ Hán
Đội phi công anh hùng của Liên Xô bảo vệ Vũ Hán

Các phi công Liên Xô đã chứng tỏ những điều kỳ diệu về sức bền và lòng quả cảm khi giúp đỡ Trung Quốc trong các trận không chiến với Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN