TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Đa số các trường hợp mắc cúm B có thể tự phục hồi; tuy nhiên có một số trường dễ biến chứng nặng, nhất là những trẻ có nguy cơ cao như: Trẻ dưới 2 tuổi, trẻ mắc bệnh mãn tính như: Béo phì, phổi mãn tính, hen, rối loạn miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch...
Theo đó, với trẻ mắc cúm B khi có các dấu hiệu trở nặng sau, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời:
- Trẻ sốt cao từ 39,5 độ C trở lên, dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt nhưng nhiệt độ không hạ; hoặc trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên quá 3 ngày nhưng không có xu hướng thuyên giảm.
- Trẻ thở nhanh, thở bất thường như: Thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp.
- Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) có vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao).
- Trẻ không ăn hoặc không uống được.
- Trẻ có biểu hiện mất nước như: Môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng hoặc lưỡi khô, khát nước, đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm, tã trẻ mang ít ướt hơn bình thường).
- Trẻ thay đổi ý thức như: Không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật...
- Trẻ lớn thấy kêu đau bụng hoặc đau ngực, nôn nhiều..
- Khi cha mẹ, người chăm sóc cảm thấy lo lắng bất an về trẻ.
- Trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng.
Bác sĩ cũng lưu ý, khi trẻ bị cúm B, cha mẹ không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus cho trẻ mà cần có sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ một cách phù hợp.