Nguy hiểm đến tính mạng nếu tự truyền dịch tại nhà cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.

Chú thích ảnh
Theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết tại cơ sở y tế. Ảnh: Minh Quyết

TS.BS Trần Văn Giang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Đã có rất nhiều hệ lụy từ việc người dân tự ý truyền dịch tại nhà, người bệnh có thể gặp nguy hiểm nếu truyền dịch không đúng. Với người sốt xuất huyết, trong mấy ngày đầu thường sốt rất cao, đi kèm với rối loạn điện giải, nếu không truyền đúng sẽ làm cho tình trạng này thậm chí còn nặng hơn”.

Bác sĩ cũng lưu ý, việc tự ý truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm; nếu xảy ra sốc phản vệ, thì điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở bệnh viện. Khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn cũng có thể không bảo đảm bằng ở các cơ sở y tế.

Trong khi đó, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được chỉ định truyền dịch. Với những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, hô hấp, thậm chí việc truyền dịch sẽ làm tăng gánh nặng của tim, người bệnh có thể gặp nguy hiểm.

Với bệnh sốt xuất huyết, những ngày đầu tiên, bênh nhân có thể truyền dịch được, nhưng khi vào thời điểm bệnh nhân đang trong giai đoạn thoát dịch, việc truyền dịch không được kiểm soát dễ dẫn đến tràn dịch ở các mạch, tràn dịch màng phổi, tim, bụng, có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh của bệnh nhân, vì vậy, luôn phải có sự đánh giá chỉ định của bác sĩ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tùy vào từng trường hợp cụ thể và có sự theo dõi của bác sĩ. Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Việc truyền dịch cũng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối...

Đặc biệt, kỹ thuật truyền dịch tuy khá đơn giản nhưng có thể gặp tai biến; nhẹ thì có thể gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền; nặng có thể gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền... Truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải và dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hoá, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…

Vì vậy, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết; việc bổ sung không đúng các chất vào cơ thể khi không có các xét nghiệm cụ thể dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều ca diễn biến nặng
Sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều ca diễn biến nặng

Dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao bất thường, không còn theo chu kỳ. Chỉ trong tuần qua, số ca mắc tăng nhanh trở lại, đặc biệt là tại Hà Nội tăng mạnh với hơn 2000 ca/ tuần. Đáng chú ý nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN