Ngân hàng xử lý thế nào với tài khoản không hoạt động nhiều năm?

Sau sự việc hy hữu của khách hàng P.H.A (Quảng Ninh) có thẻ tín dụng phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng, nhưng không thanh toán, 11 năm sau phải “ôm nợ” 8,8 tỷ đồng, nhiều người dân dùng thẻ tín dụng đã liên hệ với ngân hàng để kiểm tra tài khoản, thẻ ngân hàng từng được mở từ nhiều năm mà không sử dụng.

Chú thích ảnh
Lãi suất thẻ tín dụng được sao kê và tính lãi hàng tháng. Nếu khách hàng thanh toán đúng hạn trong thời gian miễn lãi 45 - 55 ngày sẽ không phát sinh lãi, phí.

Có những khách hàng "tá hỏa" khi rà lại thẻ tín dụng ngân hàng, phát hiện số nợ đã lên tới tiền triệu, dù nhiều năm không dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, mỗi ngân hàng đang có chính sách khác nhau với tài khoản để lâu không hoạt động.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 20/3, lãnh đạo Agribank khẳng định: Agribank không thu phí trong thời gian tạm khoá thẻ. Tài khoản không đủ số dư tối thiểu và không hoạt động trong 12 tháng sẽ được Agribank đưa vào chế độ tài khoản ngủ, không hạch toán thu phí. Nếu 36 tháng tiếp theo, tài khoản vẫn không hoạt động, ngân hàng sẽ đóng tài khoản. Vì theo chế độ mặc định, định kỳ hệ thống phải tự động quét dữ liệu, hạch toán lãi, phí phát sinh trong kỳ, sẽ làm tốn tài nguyên của hệ thống công nghệ (giống như sim rác phải thu hồi).

"Nếu khách hàng có nhu cầu dùng lại tài khoản trong 48 tháng, có thể đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu. Nếu sau 48 tháng, khách hàng có thể mở lại tài khoản mới”, đại diện Agribank thông tin.

Hiện Agribank quy định số dư tối thiểu cần duy trì trong tài khoản thanh toán tại mọi thời điểm (kể từ khi mở tài khoản thanh toán): Đối với khách hàng cá nhân, số dư tối thiểu là 50.000 đồng; số dư tối thiểu bằng ngoại tệ là 10 USD hoặc 10 EUR... Đối với khách hàng tổ chức: Số dư tối thiểu là 1 triệu đồng; số dư tối thiểu bằng ngoại tệ là 100 USD hoặc 100 EUR…

Đối với tài khoản thanh toán có số dư thấp hơn số dư tối thiểu theo quy định và không phát sinh giao dịch trong 12 tháng, Agribank sẽ tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng. Việc tạm khóa tài khoản thanh toán ở trạng thái tài khoản không hoạt động được ghi rõ trong hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán ký giữa Agribank và khách hàng. Đối với tài khoản thanh toán tạm khóa ở trạng thái tài khoản không hoạt động vượt quá 36 tháng, Agribank sẽ đóng tài khoản của khách hàng.

Một số ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank, MB, MSB, HDBank, Techcombank... đều có chính sách tạm khóa hoặc đóng tài khoản, nếu chủ tài khoản không giao dịch và duy trì số dư từ 6 tháng đến 3 năm. Tại ACB, ngân hàng này cũng tự đóng tài khoản thẻ khi khách không sử dụng và không thu bất cứ chi phí nào. Khách muốn hủy thẻ sẽ phải đóng thêm 20.000 đồng. Hay trong vòng 6 tháng, tài khoản thẻ của khách hàng sử dụng dịch vụ Sacombank ở trạng thái 0 đồng và không giao dịch sẽ đều bị ngân hàng ngưng hạch toán và không thu thêm phí.

Theo nhiều chuyên gia tài chính, việc ngân hàng tạm khóa hay đóng tài khoản thanh toán cá nhân không hoạt động vừa giúp ngân hàng không phát sinh chi phí quản lý; đồng thời giúp chủ tài khoản tránh được những khoản phí phát sinh trong trường hợp không dùng đến hoặc bỏ quên.

Đề cập việc vì sao không khóa tài khoản của khách hàng không sử dụng thời gian dài (trên 12 tháng) để tránh phát sinh phí? lãnh đạo một ngân hàng cho biết: Dù tài khoản thanh toán của khách hàng không hoạt động nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của họ. Hàng tháng, ngân hàng vẫn phải chạy số liệu, tốn tài nguyên để quản lý lượng tài khoản này.

Khi nào "đóng băng" tài khoản, ngân hàng mới tạm thời đưa ra khỏi số liệu thống kê, quản lý. Trường hợp đóng vĩnh viễn rất khó vì không ít trường hợp, dù tài khoản 0 đồng nhưng sau một thời gian dài, khách hàng lại sử dụng tiếp, có phát sinh giao dịch. Thậm chí, có khách hàng còn khiếu nại vì sao ngân hàng lại đóng tài khoản của họ.

Chuyên gia khai vấn tài chính, ông Đức Nguyễn thông tin: “Tôi từng mất thêm gần 4 triệu đồng chỉ vì thiếu nợ thẻ tín dụng hơn mười nghìn đồng. Trớ trêu thay, lúc đó tôi đang làm quản lý đội ngũ tư vấn khách hàng cá nhân ở một ngân hàng, chứ không phải là ‘kẻ tay mơ”.

Theo chuyên gia Đức Nguyễn, tính năng cốt lõi nhất của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả sau. Tức là khách hàng được cấp trước một hạn mức chi tiêu và chu kỳ miễn lãi. Cụ thể: Thời gian miễn lãi 55 ngày bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này đến ngày chốt sao kê của tháng sau, cộng thêm 25 ngày ân hạn. Điều này cũng tương tự với thẻ có thời hạn 45 ngày, thời gian ân hạn 15 ngày. Phía ngân hàng thường sẽ ấn định ngày chốt sao kê khi họ phát hành thẻ nhưng khách hàng có thể thay đổi sao cho thuận lợi nhất với mình. Hãy chọn ngày chốt sao kê sao cho ngày cuối ân hạn rơi vào sau thời điểm bạn nhận lương hàng tháng để tránh bị trễ hạn thanh toán vì thiếu tiền.

Trễ hạn thanh toán dẫn đến phát sinh phí phạt và lãi phạt, vì vậy theo ông Đức Nguyễn, thẻ tín dụng nên được mở cùng một tài khoản thanh toán và được cài đặt chế độ trích nợ tự động. Người dùng thẻ nên chọn nhận sao kê hàng tháng qua email và thông báo biến động số dư qua điện thoại, App. Thẻ tín dụng có chế độ thanh toán tối thiểu 4 - 5% trên số tiền bạn đã chi tiêu nhưng đừng chọn chế độ này, vì sẽ bị phát sinh lãi suất rất cao và mất luôn chức năng miễn lãi.

Hiện, nhiều khách hàng nghĩ đơn giản việc không có tiền trong tài khoản thẻ ATM tức là tài khoản đó không còn giá trị nên vô tình quên mất bước yêu cầu đóng tài khoản. Đến khi có nhu cầu làm việc với ngân hàng, chủ thẻ mới được thông báo phát sinh dư nợ do các chi phí gộp lại. Bất cập ở chỗ, các khách hàng đều cho hay họ không nhận được bất kỳ thông báo nào qua các kênh SMS, email hoặc thông báo từ tổng đài về việc đang tiếp tục bị ghi nợ các khoản phí, cho đến khi chủ động tới chi nhánh, phòng giao dịch để kiểm tra.

Do vậy với các loại thẻ tín dụng, nhiều chuyên gia tài chính nhấn mạnh: Nhiều ngân hàng không có quy định nào tạm khóa tài khoản ngân hàng khi khách hàng không sử dụng. Dù không phát sinh giao dịch, người dùng vẫn sẽ đóng phí thường niên cho ngân hàng. Nếu không đóng phí này sẽ dễ dẫn đến nợ xấu.

Khách hàng cần lưu ý, trong trường hợp chỉ khóa tài khoản tạm thời, các khoản phí như phí duy trì, phí thường niên hay các phí khác đi kèm... sẽ vẫn được nhiều ngân hàng tính bình thường. Do vậy, nếu không còn nhu cầu, khách hàng nên nhanh chóng khóa tài khoản vĩnh viễn. Để khóa tài khoản, chủ thẻ tín dụng bắt buộc phải thanh toán hết dư nợ thẻ tín dụng và các phí phát sinh hoặc phí duy trì hằng tháng.

Theo Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản và chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán…

Thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài; thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.

Thông tin từ Eximbank ngày 20/3, ngân hàng này vừa có thông báo mới triển khai xuống hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch liên quan đến các khoản phí dịch vụ.

Theo đó, đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng, ngân hàng sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản; đồng thời, với những khách hàng muốn đóng tài khoản, cũng không phải thanh toán các khoản phí đã được ghi nợ trong thời gian qua mà sẽ được chi nhánh, phòng giao dịch chủ động xem xét xử lý, miễn phí.

"Thông báo của ngân hàng là giao quyền xử lý các khoản phí này cho các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động, nghĩa là có thể miễn thu các khoản phí phát sinh trong thời gian dài khi tài khoản không sử dụng, số dư về 0 đồng. Chủ thẻ Eximbank có thể ra chi nhánh gần nhất để đóng tài khoản", đại diện Eximbank cho biết.
Minh Phương/Báo Tin tức
‘Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành nợ xấu 8,8 tỷ đồng’: Băn khoăn tính lãi kép và lãi theo dư nợ gốc
‘Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành nợ xấu 8,8 tỷ đồng’: Băn khoăn tính lãi kép và lãi theo dư nợ gốc

Vụ chủ thẻ tín dụng của Eximbank tại Quảng Ninh được yêu cầu phải trả hơn 8 tỷ đồng tiền lãi quá hạn cho số dư nợ gốc hơn 8 triệu đồng, gây xôn xao dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN