Mắc cúm A, khi nào phải nhập viện

Các bác sĩ đưa ra cảnh báo một số dấu hiệu nguy hiểm khi mắc cúm A cần nhập viện khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Trẻ nhập viện vì biến chứng hô hấp. Ảnh: BV

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến hiện nay là: A/H1N1, A/H2N2...

Virus cúm A lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Đặc biệt, triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo quy định của các cơ sở y tế.

Một số triệu chứng thường gặp khi mắc cúm A gồm: Đau họng, ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, sốt, ớn lạnh, nhức đầu và nhức mỏi cơ thể, cảm giác mệt mỏi... có thể kèm theo đau bụng nôn tiêu chảy. Đặc biệt, ở đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mãn tính, cơ địa béo phì khi bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây ra các biến chứng như: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, các dấu hiệu nguy hiểm khi mắc cúm A cần nhập viện khẩn cấp là: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật, khó thở, thở nhanh; hoặc nhịp thở bất thường, đau ngực hoặc đau cơ dữ dội, tím môi và đầu chi lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.

Theo đó, đa số trẻ khi mắc cúm A diễn biến nhẹ và hồi phục sau 5 - 7 ngày; tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... khi mắc cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Bác sĩ hướng dẫn, người dân có thể phòng cúm A bằng những cách như:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.

- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, bù đủ nước.

- Người dân có thể tăng sức đề kháng bằng ăn uống đủ chất.

- Tiêm phòng vaccine cúm mùa để có hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc cúm A.

- Đặc biệt, khi có triệu chứng như: Ho, sốt, sổ mũi... trẻ cần đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện cúm A.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Ninh Bình: Gia tăng mắc cúm A ở trẻ em
Ninh Bình: Gia tăng mắc cúm A ở trẻ em

Từ tháng 12/2023 đến nay, tại tỉnh Ninh Bình, tình trạng trẻ em nhập viện gia tăng với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN