Làm gì để phòng các bệnh hô hấp trong Tết Nguyên Đán 2024

Cận Tết, thời tiết thay đổi liên tục là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn lây lan và phát triển. Song song đó, việc giao lưu và đi lại cũng là một trong những yếu tố làm cho bệnh hô hấp, trong đó có COVID-19 thuận lợi lây lan. Theo đó, ngành y tế khuyến cáo người dân người dân không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo ngành y tế, trong 6 tuần gần đây, số ca mắc mới và nhập viện do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng. Số bệnh nhân nhập viện và nặng chủ yếu ở nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên.

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhận định, một khi số ca mắc trong cộng đồng tăng thì có thể dẫn đến số ca bệnh nặng sẽ tăng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, việc giao lưu và đi lại tiếp xúc giữa người với người nhiều hơn cũng sẽ gia tăng nguy cơ lây lan của nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp khác, không chỉ riêng COVID-19.

Những đối tượng dễ bị trở nặng khi mắc các bệnh chủ yếu là người trên 50 tuổi đang có bệnh lý nền và các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, huyết áp, hẹn phế quản…; phụ nữ có thai; trẻ em dưới 5 tuổi; những người chưa tiêm vaccine…

Chú thích ảnh
Người cao tuổi và có bệnh nền là những đối tượng nguy cơ bệnh trở nặng khi mắc các bệnh liên quan đến hô hấp.

TS. Nguyễn Vụ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca bệnh hô hấp tăng cao có thể do cúm hoặc các tác nhân khác, chứ không chỉ COVID-19. Phần lớn, ca nhập viện là trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đủ mũi, chưa đủ liều hoặc mắc thêm bệnh nền.

Để phòng bệnh COVID-19 và các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong dịp Tết Nguyên Đán, ngành y tế khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine, kể cả COVID-19 và những loại vaccine khác như phế cầu, viêm hô hấp…; bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; cần ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị.

“Hãy xem dịch COVID-19 như là một bệnh cúm. Theo đó, khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau nhức cơ, viêm đường hô hấp… người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế. Mang khẩu trang khi xuất hiện các triệu chứng để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Nếu thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng thì dù có biến thể mới của COVID-19, chúng ta cũng giảm được tác động lây lan dịch bệnh, giảm gánh nặng cho các bệnh viện”, TS. Nguyễn Vũ Thượng khuyến cáo thêm.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Bé trai đầu tiên tại Việt Nam được sửa tim từ trong bụng mẹ chào đời khoẻ mạnh
Bé trai đầu tiên tại Việt Nam được sửa tim từ trong bụng mẹ chào đời khoẻ mạnh

Ngày 30/1, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh cho biết, sau một tháng thông tim thai nhi được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nặng từ trong bụng mẹ, bé đã chào đời khoẻ mạnh bằng phương pháp mổ với cân nặng 2,9 kg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN