Báo Tin tức thông tin về vấn đề này như sau:
Theo quy định của Bộ Tài chính, tại Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn. Bán hàng hóa, dịch vụ có trong giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2022) quy định về hóa đơn, chứng từ và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022. Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Ngày 20/9/2021, Bộ Tài chính đã có 6 quyết định về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố. Căn cứ các quy định trên, khi tổ chức, cá nhân áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hoặc từ ngày 1/7/2022 trở đi, người bán lập hóa đơn gửi cho người mua khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.