Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, ngành du lịch và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai song song giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với biến động thị trường và kích cầu du lịch với sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo. Đây cũng là những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bài 1: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Theo doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp công nghệ là công cụ không thể thiếu trong quá trình doanh nghiệp tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh và thị trường. Trên thực tế, công nghệ đã giúp nhiều doanh nghiệp tinh gọn bộ máy vận hành, giảm chi phí và đa dạng kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Đồng thời, doanh nghiệp từng bước cải thiện mô hình kinh doanh và phương thức quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và thị hiếu du khách.
Giao dịch trực tuyến lên ngôi
Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này, doanh nghiệp du lịch đã tái khởi động thị trường, mở lại những tuyến tour du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và phục vụ thị trường du lịch nội địa. Tuy nhiên, nếu trước đây doanh nghiệp du lịch sẽ khẩn trương mở lại những điểm giao dịch, kinh doanh ở các tuyến phố sầm uất, quen thuộc với người dân, thì hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành lại tập trung phát triển kênh bán hàng trực tuyến (online) và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng giao dịch trực tuyến. Trong đó, đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô nhỏ và vừa cho rằng, kênh bán hàng online và giao dịch trực tuyến sẽ là chiến lược vận hành doanh nghiệp trong dài hạn của họ, chứ không riêng gì ở giai đoạn đại dịch COVID-19. Bởi bán hàng online không chỉ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai, mà đối với ngành du lịch đây là một kênh kinh doanh hiệu quả và giúp tiếp cận khách hàng xuyên biên giới nhanh chóng hơn.
Theo chị Thanh Thủy, chủ doanh nghiệp du lịch tại quận 3 (công ty chuyên tour tuyến Hà Giang), mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng trong mùa tour Hà Giang năm nay, doanh nghiệp cũng đã kịp thời tung những dịch vụ tiện ích phù hợp với yêu cầu mới của thị trường. Điển hình, du khách có thể tìm hiểu về tour tuyến Hà Giang với đầy đủ thông tin từ lộ trình cho đến chi tiết giá cả, với một số chương trình khuyến mãi kèm theo. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 và sẵn sàng tiếp cận du khách, công ty đã xây dựng hệ thống vận hàng kênh bán hàng online trên website. Khi khách hàng vừa vào giao diện website thì cửa sổ chat 24/7 sẽ được mở ngay lập tức và chuyên viên tư vấn sẽ giới thiệu tên, cũng như sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Khách hàng chỉ cần 1 cái nhấp chuột vào biểu tượng gọi thì sẽ được kết nối với chuyên viên tư vấn và trao đổi vấn đề đang quan tâm.
Còn ở góc độ hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm liền, anh Hồng Ân cho biết, trong bối cảnh hiện nay, kênh bán hàng online không chỉ mang lại những hiệu quả thiết thực cho đơn vị kinh doanh lữ hành, mà còn tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng mua tour du lịch và tham gia tour nhanh chóng hơn trước kia. Thông qua kênh thương mại điện tử, website của doanh nghiệp, mạng xã hội... du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến và tham khảo lộ trình tour tuyến du lịch qua những hình ảnh, chia sẻ từ nhiều du khách đã trải nghiệm sẽ góp phần chọn lựa được những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với bản thân và gia đình hơn. Đây là "điểm cộng" mà dịch COVID-19 được xem là chất xúc tác tạo động lực cho ngành du lịch Việt Nam đổi mới sáng tạo, nhất là trong khâu bán hàng và xây dựng thị trường khách hàng tiềm năng.
Khác với trước đây, kênh thương mại điện tử, website của doanh nghiệp, mạng xã hội... chỉ là hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, có phần yếu thế về tài chính đầu tư mặt bằng, nguồn nhân lực... thì hiện nay những kênh này cũng đón nhận sự tham gia đầu tư bài bản của các doanh nghiệp đầu ngành.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty du lịch Viet Excursions nhấn mạnh, nhiều hãng du lịch tàu biển đang chuyển hướng giao dịch lên không gian trực tuyến, tận dụng tiện ích của các ứng dụng phần mềm. Do đó, ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành nên chủ động xây dựng hệ thống vận hành thực hiện qua ứng dụng công nghệ (app), áp dụng cho cả khu vực lưu trú và trên tàu biển như các yêu cầu về dọn dẹp vệ sinh, dịch vụ ẩm thực, thanh toán... Tất cả đều được tiến hành trực tuyến.
Ưu tiên du lịch an toàn
Kết quả một khảo sát do Outbox Consulting (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Quản lý điểm đến) công bố gần đây cho thấy, số lượng du khách tham gia khảo sát lo lắng nhất khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh - an toàn chiếm 92%; sẽ không đi du lịch nếu họ bị tiến hành cách ly tại điểm đến (83%); cách ly có rủi ro ngang bằng với việc nhiễm virus COVID-19 (83%); việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng (79%)...
Phân tích cụ thể hơn, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting chỉ ra rằng, những lo lắng cốt lõi hiện nay của du khách khi đi du lịch vẫn là nhiễm bệnh và bị cách ly. Vậy làm sao để giảm thiểu sự lo lắng của du khách là vấn đề quan trọng và đây là câu hỏi lớn cho ngành du lịch toàn cầu, chứ không riêng gì tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, cần sớm có Bộ tiêu chí an toàn với những mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Bộ tiêu chí sẽ là nền tảng cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp và nhân lực trong ngành du lịch triển khai thuận lợi các quy định, quy chế về phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình kinh doanh. Ngoài ra, Bộ tiêu chí sẽ góp phần bảo đảm những tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe cộng đồng, từ đó tạo sự tin tưởng cho du khách về các tiêu chuẩn an toàn và thể hiện sự chủ động giúp du khách tiếp cận những trải nghiệm mới khi đi du lịch tại điểm đến mới. Muốn thu hút khách du lịch một cách bền vững và giữ chân du khách ở lại lâu hơn, trước hết cần đưa ra được tiêu chí thế nào là địa điểm du lịch an toàn, sau đó là việc tự nguyện tuân thủ của các tổ chức, doanh nghiệp để hình thành một mục tiêu chung về cung cấp dịch vụ du lịch an toàn. Đồng thời, các tiêu chí phải vừa đảm bảo tính an toàn, kiểm soát được dịch bệnh nhưng cũng cần thông tin đơn giản, dễ hiểu và minh bạch đến du khách, tạo cho họ sự thoải mái, tin tưởng.
Cùng quan điểm, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings (tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hàng không) đánh giá du lịch an toàn như một cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam, nhất là từ năm 2021 trở đi. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh thì tại Việt Nam việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Hơn thế nữa, các công ty quản lý khách sạn quốc tế cũng thông báo các chỉ số yêu cầu đi du lịch đến Việt Nam năm 2021 cao một cách ấn tượng. Do đó, Việt Nam đang ở thời điểm tốt để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại và dự báo đến giữa năm 2021 Việt Nam sẽ đón nhiều du khách hơn nếu có quy trình rõ ràng và mọi người cùng tuân thủ phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, vấn đề du lịch an toàn không chỉ được xem là điều kiện ưu tiên hàng đầu, mà thị trường du lịch còn đòi hỏi mọi thứ xung quanh đều phải an toàn. Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh không thể chờ dịch bệnh bị triệt tiêu hoàn toàn mới trở lại hoạt động, mà phải hành động để tồn tại và duy trì vận hành công ty. Trên thực tế, nhu cầu tổ chức hoạt động hội nghị, ẩm thực... đã bắt đầu quay trở lại với các nhà hàng, khách sạn trong thời gian qua. Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện tốt quy trình đón chuyên gia vào Việt Nam để làm việc, công tác.
Theo một số chuyên gia, điều quan trọng là doanh nghiệp cần đảm bảo những tiêu chí đồng nhất để duy trì sự an toàn, bền vững cho ngành du lịch nói chung và mỗi đơn vị kinh doanh nói riêng. Trong đó, doanh nghiệp lữ hành cần xác định an toàn thị trường nội địa trước để vực dậy hoạt động kinh doanh. Song song đó, ở mảng dịch vụ Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài), doanh nghiệp lữ hành nên giữ liên lạc để có thể kết nối khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi.
Bài 2: Liên kết đón đầu cơ hội