Vĩnh Long đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Bài cuối: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long hiện nay là xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù riêng để thu hút và giữ chân du khách.

Với lợi thế du lịch sinh thái miệt vườn và truyền thống văn hóa đặc sắc, tỉnh đang từng bước tìm ra lối đi riêng, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo mà chỉ khi đến Vĩnh Long du khách mới có thể thưởng thức và cảm nhận được.

Hát bội - sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu Vĩnh Long
 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức biểu diễn thử nghiệm nghệ thuật hát bội phục vụ du lịch, với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mang thương hiệu Vĩnh Long và đủ sức thu hút du khách.

Chú thích ảnh
Chương trình biểu diễn hát bội của gánh hát Đồng Thinh. 

Theo đó, tỉnh hỗ trợ các công ty du lịch xây dựng chương trình hát bội do gánh hát Đồng Thinh biểu diễn, qua đó giới thiệu đến du khách loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Nam Bộ. “Vĩnh Long là một trong số ít các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại đoàn Hát bội. Gánh hát Đồng Thinh của tỉnh gây ấn tượng không chỉ bởi từng được Bộ Văn hóa-Thông tin chọn đi biểu diễn tại Lễ hội Smithsonian năm 2007 ở Washington (Mỹ)  mà còn là gánh hát có truyền thống lâu đời với các thế hệ nối tiếp nhau theo nghề”, ông Phan Văn Giàu cho biết.

Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm (Đoàn hát bội Đồng Thịnh) cho biết: Dù không còn ở thời kỳ vàng son nhưng gánh hát Đồng Thinh vẫn duy trì hoạt động và truyền nghề cho nhiều thế hệ. Trong đó, người lớn tuổi nhất đã 60 tuổi, người trẻ nhất là 12 tuổi. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đoàn đã tham gia biểu diễn phục vụ nhiều du khách. Các tiết mục được du khách rất thích thú và tìm hiểu, đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sỹ. Hi vọng hát bội tiếp tục được triển khai thật hiệu quả để phục vụ du khách qua đó góp phần quảng bá nghệ thuật hát bội ở trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Là đơn vị tiên phong trong việc đưa nghệ thuật hát bội vào phục vụ du khách, bà Phạm Thị Ngọc Trinh - chủ cơ sở Út Trinh Homestay cho biết: Cơ sở đã tổ chức hơn 10 chương trình biểu diễn hát bội phục vụ du khách, tái hiện cảnh người dân đi xem hát bội trong đình làng để du khách cùng thưởng thức. Khi đến xem hát bội, khách không chỉ nghe hát mà còn được giao lưu với các  nghệ nhân, tìm hiểu những điệu bộ, cách trang điểm mặt dữ, mặt hiền... Nhiều du khách rất hài long với chương trình. Tuy nhiên, khó khăn là chi phí tổ chức rất lớn. Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ tổ chức nhiều show diễn miễn phí để giới thiệu loại hình nghệ thuật dân tộc này. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để có thể tổ chức thêm nhiều chương trình giới thiệu, tạo nét riêng, sản phẩm đặc thù cho du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Chú thích ảnh
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân hát bội. 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết: Trong năm 2020, ngành tập xây dựng các chương trình cụ thể, thông tin đến công ty lữ hành để giới thiệu đến du khách, phấn đấu đưa loại hình này vào phục vụ song song với đờn ca tài tử. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc mà tỉnh sẽ tập trung quảng bá, mời gọi  khách du lịch mà đặc biệt là khách nước ngoài đến Vĩnh Long xem và tìm hiểu.
 
Tăng cường các nguồn lực phát triển du lịch
 
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đón 1,6 triệu lượt khách, trong đó có 220.000 khách quốc tế và 1.380.000 khách nội địa; doanh thu từ du lịch 800 tỷ đồng. Để du khách “đến, ở, khám phá” thay vì chỉ “dừng chân”, đòi hỏi tỉnh Vĩnh Long phải đa dạng hóa và tạo sự khách biệt trong sản phẩm du lịch. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, tỉnh tăng cường các nguồn lực để thúc đẩy du lịch phát triển.

Ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm gắn với việc thu hút đầu tư phát triển các điểm đến, cơ sở du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ bản sắc du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Song song đó, ngành xây dựng Đề án sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long với 4 nhóm sản phẩm là: trải nghiệm homestay và du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch danh nhân, du lịch nông nghiệp gắn với nông sản chủ lực, du lịch làng nghề; 2 đặc điểm chính là sản phẩm đặc thù do con người tạo ra và sản phẩm đặc thù do lịch sử để lại. Dự kiến trong quí I/2020 Sở sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt đề án này, là tiền đề để tỉnh tập trung nguồn lực, các cơ chế, chính sách để đầu tư trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch như: Dự án xây dựng đường giao thông 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ; Dự án thông luồng kênh Mương Lộ - sông Cái Muối;  Dự án Bến tàu Du lịch… Tỉnh Vĩnh Long luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, có 12 doanh nghiệp đầu tư du lịch tại tỉnh với tổng vốn đầu tư là 680 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn du khách cách chiên bánh xèo Nam Bộ. 

Trong thời gian tới, với định hướng đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan đến phát triển du lịch như: Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với ý nghĩa vừa tôn vinh nền văn minh nông nghiệp vừa gắn với phát triển du lịch; đề án Di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long với ý tưởng phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề gạch, ngói, gốm đỏ để phát triển du lịch dựa trên thế mạnh sẵn có của quê hương Mang Thít từ lâu được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ”.

Ngoài ra còn các đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch... Tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 173/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; mời gọi đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới mang tính đột phá, bền vững phù hợp với xu hướng phát triển du lịch chung; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch tại những thị trường trọng điểm trong nước và ngoài nước; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh theo hướng chất lượng và hội nhập để đầu tư cho Vĩnh Long và khai thác có hiệu quả trong thời gian tới

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tỉnh đang triển khai thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Với thế mạnh du lịch homestay truyền thống và sản phẩm du lịch homestay Vĩnh Long đã hai lần vinh dự nhận được Giải thưởng homestay đạt chuẩn ASEAN, tỉnh đã đăng ký kết nối vào tuyến du lịch của vùng với sản phẩm đặc trưng là “Vĩnh Long - Đệ nhất Homestay” nhằm liên kết, hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới”.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Vĩnh Long đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: Chú trọng phát triển các thế mạnh
Vĩnh Long đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: Chú trọng phát triển các thế mạnh

Tỉnh Vĩnh Long được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái và du lịch gắn với tìm hiểu danh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN