Du lịch văn hóa phát triển rõ rệt
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Du lịch văn hóa phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu là đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Những năm qua, nước ta đã làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngành du lịch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên khai thác giá trị tự nhiên vốn có của các di sản như tham quan di sản, di tích; tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, ẩm thực, tâm linh…
Loại hình sản phẩm du lịch văn hóa mới đang được đẩy mạnh đầu tư phát triển như trải nghiệm nghệ thuật trình diễn (lễ hội âm nhạc, điện ảnh, thời trang, nghệ thuật trình diễn đương đại…). Gần đây nhất, chuyến lưu diễn của nhóm Black Pink (Hàn Quốc) đã kéo theo "làn sóng" tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam gia tăng đột biến. Cụ thể, Agoda ghi nhận sự gia tăng hơn 10 lần về lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại Hà Nội so cùng kỳ trước đó 4 tuần. Số lượng tìm kiếm từ nước ngoài tới Việt Nam tăng 685% (gần 7 lần) vào những đêm nhóm nhạc nữ này biểu diễn tại Mỹ Đình...
Sản phẩm du lịch văn hóa đã tạo thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam. Tại Giải thưởng du lịch thế giới 2022 (World Travel Awards 2022), Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới". Đây là lần thứ 3 Việt Nam được nhận giải thưởng này (hai lần trước vào năm 2019 và 2020). Thành phố Hội An (Quảng Nam) lần thứ ba được vinh danh ở hạng mục Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á...
Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng: Các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh đã trở thành "địa chỉ đỏ", thu hút đông đảo du khách.
Năm 2019, chỉ riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21,3 triệu lượt khách, trong đó có 10,6 triệu khách quốc tế. Doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Điều này cho thấy đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh.
Quần thể di tích Cố đô Huế (1993) và Vịnh Hạ Long (1994) khi mới được ghi danh là Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn khách thì nay lên tới hàng triệu người.
Còn phố cổ Hội An Từ khi trở thành di sản thế giới, du lịch tăng vượt bậc và chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung tài chính cho việc cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản ở nơi đây.
Kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, Ninh Bình đã đặt ra chiến lược rõ ràng để phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch bền vững. Năm 2022, tỉnh đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó 1/3 là khách quốc tế. Gần đây, Ninh Bình còn lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch bền vững...
Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn với phát triển du lịch
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Du lịch văn hóa được xác định là loại hình có sức hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh bền vững. Đây cũng là sản phẩm du lịch tạo nên thương hiệu quốc gia, sự khác biệt và góp phần nâng cao sức cạnh tranh; thu hút du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản. Tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh) có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, làng nghề, làng vườn, nông nghiệp, sinh thái, du lịch biển... Điều này vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống cộng đồng địa phương. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại khu di sản thế giới, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Trong đó phải kể đến "Đêm phố cổ Hội An" phục dựng nguyên bản đời sống của người dân Hội An những năm đầu thế kỷ XX cùng với các hoạt động văn hóa đa dạng, đầy màu sắc, như: hát bội, cờ làng, thư pháp, trò chơi bài chòi, bịt mắt đập niêu, cờ tướng… Đây thực sự là sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn riêng của Hội An mà không ở đâu có được.
Làng hương Quảng Phú Cầu hàng trăm năm tuổi là làng nghề chuyên về tăm hương duy nhất ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn thu hút đông đảo du khách về tìm hiểu những giá trị văn hóa. Người làng cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của du khách, bài trí những bó hương bắt mắt, đầy sắc màu nghệ thuật khiến nơi đây trở thành địa điểm "sống ảo" lý tưởng của giới trẻ và du khách. Hình ảnh về làng nghề truyền thống độc đáo này đã "theo chân" du khách, xuất hiện trên khắp các trang mạng xã hội như là một cách quảng bá cho điểm đến này...
Một điểm đáng chú ý là Lễ hội Áo dài được tổ chức ở 3 miền, vào 3 mùa trong năm. Cả 3 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội) đều mong muốn di sản này trở thành một sản phẩm đặc trưng, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của địa phương. Lễ hội Áo dài cũng ngày càng được mở rộng, thu hút nhiều người tham gia. Như buổi diễu hành áo dài của Lễ hội Áo dài Hà Nội năm 2022 có hơn 1.000 người tham dự. Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 thu hút 3.000 người tham dự. Buổi diễu hành mặc áo dài đi xe đạp quanh thành phố Huế trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng thu hút hơn 500 người tham gia...
Tuy đã có thành tựu nhưng theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, phát triển du lịch văn hóa vẫn gặp một số thách thức. Trong đó có sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch khi thu hút du khách. Hành lang pháp lý phát triển sản phẩm công nghiệp du lịch văn hóa, du lịch văn hóa sáng tạo chưa hoàn thiện; chưa đặc sắc. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Nhân lực cho du lịch văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Ngành du lịch cần xây dựng chính sách đồng bộ để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng.
Mặt khác, cần đưa vào quy hoạch hệ thống ngành du lịch nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch văn hóa, du lịch thông minh, hình thành các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế tiêu biểu như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Từng vùng, địa phương cần định hình và xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên tiềm năng, giá trị văn hóa vốn có. Đồng thời, thúc đẩy quảng bá du lịch văn hóa thông qua các sự kiện văn hóa du lịch tổng hợp âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam ở quốc tế; thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch văn hóa sáng tạo, độc đáo và đa dạng.
Ngành du lịch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng và quảng bá sản phẩm; xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hóa để đẩy mạnh hình ảnh, định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Có thể nói, phát triển du lịch văn hóa là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam cũng như xu thế chung của nhân loại. Điều này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch nước ta còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, nguyên bản, đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng.