Ứng dụng công nghệ số, thu hút khách du lịch đến xứ Thanh

Hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Chú thích ảnh
Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh tại (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, du khách đến với Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) sẽ có cái nhìn bao quát nhất về các khu, điểm du lịch trong toàn bộ chuyến tham quan của mình qua tour du lịch ảo 360 và thực tế tăng cường AR. Bằng việc ứng dụng công nghệ Smart travel platform (nền tảng du lịch thông minh) và hệ thống thuyết minh tự động (Audio guide) góp phần quảng bá hình ảnh nổi bật về Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đến du khách trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn có hệ thống thuyết minh tự động bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt ở 30 điểm tham quan khác nhau thuộc di tích. Việc đưa vào sử dụng công nghệ thuyết minh tự động và cài đặt ứng dụng mã QR trên điện thoại thông minh đang là những giải pháp tuyên truyền mới ở di tích này. Điều này vừa giúp thuận tiện cho du khách trong việc chủ động khám phá, tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của di tích vừa góp phần nâng cao các hình thức quảng bá về di tích đến với nhiều đối tượng du khách.   

Đến từ thành phố Ninh Bình, anh Lê Văn Phương cho biết, dịp cuối tuần, gia đình anh có chuyến trải nghiệm thú vị tại các điểm du lịch ở Thanh Hóa, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh không chọn tour tham quan có hướng dẫn viên mà tải ứng dụng Lam Kinh audio guide và quét mã QR tại các điểm tham quan. Việc này rất thuận tiện, giúp du khách có thể tự trải nghiệm và quyết định thời gian ở lâu hay lướt qua ở mỗi điểm tham quan cụ thể.

Ngoài Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) có thể xem là điển hình về ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch ở Thanh Hóa. Chỉ cần truy cập vào website http//www.thanhnhaho.vn du khách có thể khám phá một không gian di sản rộng lớn với các điểm đến cụ thể như: cổng Nam, cổng Bắc, hào thành, tường thành…

Cùng với việc lướt điện thoại, máy tính di chuyển trong "không gian 360 độ" để tham quan tất cả các góc, cảnh... ở Thành nhà Hồ, du khách còn được nghe bài thuyết minh dễ hiểu, ngắn gọn và xúc tích nhất. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ đang xây dựng bản đồ kỹ thuật số định vị vệ tinh phục vụ công tác quản lý và bảo tồn di sản, từng bước số hóa các hiện vật tại gian trưng bày để chuyển sang lưu trữ ở dạng file mềm trên nền tảng số. Điều này cho phép phục vụ nhanh chóng nhu cầu lưu trữ, tìm hiểu thông tin của cán bộ, nhân viên tại Trung tâm cũng như du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về Thành nhà Hồ. Đây cũng là công cụ, giải pháp tối ưu để gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị di sản.

Có thể nói, việc vận dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá hình ảnh, không gian “tham quan 360” đang là cách giúp Thành nhà Hồ đến gần hơn với du khách, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành nhà Hồ khẳng định.

Thời gian qua, ngành Du lịch Thanh Hóa tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển du lịch. Đến nay, Thanh Hóa đã triển khai việc số hóa, đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 8 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh gồm: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (huyện Triệu Sơn), đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), đền Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) và các khu du lịch cộng đồng Pù Luông, bản Mạ, thác Mây… nhằm hỗ trợ quảng bá, giúp khách du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các điểm đến.

Địa phương này triển khai số hóa được trên 100 khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch bằng phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch với các hoạt động như: Số hóa di sản, số hóa ẩm thực, sản phẩm du lịch số, thanh toán không dùng tiền mặt, vé điện tử… Điều này mang đến thuận tiện cho du khách trong quá trình trải nghiệm hoạt động du lịch.       

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch được coi là giải pháp và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp xu hướng mới để tạo thuận tiện cho du khách đến tham quan di tích trong thời đại phát triển công nghệ số hiện nay. Ngành Du lịch Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di dộng cung cấp cho khách du lịch tại khu du lịch trọng điểm, trong đó, có thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch...

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch sẽ là giải pháp quan trọng để ngành Du lịch Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách trong năm 2023.

Bài và ảnh: Hoa Mai (TTXVN)
Du lịch Bình Thuận kỳ vọng thu hút khách quốc tế từ chính sách visa mới
Du lịch Bình Thuận kỳ vọng thu hút khách quốc tế từ chính sách visa mới

Từ ngày 15/8, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đây được xem là cơ hội để du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đẩy mạnh thu hút khách quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN