Với tiêu đề “Việt Nam là điểm đến du lịch mới của Đông Nam Á”, báo điện tử hàng đầu Campuchia hiện nay dẫn dữ liệu phân tích của Google Destination Insights cho biết Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào Top 20 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Thun Senghong, tác giả bài viết, khẳng định thế mạnh của du lịch Việt Nam nằm ở cảnh quan đa dạng, trải dài từ vùng duyên hải, đồng bằng, miền núi đến các đô thị sầm uất với đủ loại hình dịch vụ. Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây thể hiện qua lượng du khách quốc tế đến quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, nhiều hơn tổng lượng khách quốc tế của cả năm 2022. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách trong năm 2023, nhưng dự báo số lượng khách có thể lên đến 10 triệu lượt người.
Bài viết dẫn lời Giám đốc Rustic Hospitality Group, ông Bobby Nguyễn, cho biết phần lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam là người Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Du lịch Việt Nam được biết đến chủ yếu thông qua thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và ảnh hưởng của các tập đoàn du lịch lớn, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo ông Bobby Nguyễn, việc sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, tính năng quảng cáo trên Google và các kênh truyền thông khác là những phương tiện giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách nhanh chóng.
Báo ThmeyThmey dẫn nhận định của hãng tin DW News (Đức) cho biết thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam còn bắt nguồn từ chính sách nới lỏng gia hạn thị thực. Từ ngày 15/8/2023, chính sách thị thực (visa) mới cho phép công dân một số nước khi nhập cảnh vào Việt Nam được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Du khách đến từ một số quốc gia phấn khởi với việc được gia hạn thị thực.
Chuyên gia Gary Bowerman tại công ty phân tích du lịch có trụ sở ở Kuala Lumpur (Malaysia) cho biết những thay đổi về chính sách thị thực của Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần kể từ tháng 6 năm nay. Theo ông, du khách đến Việt Nam không chỉ để tìm một kỳ nghỉ. Đối với các du khách trẻ, đây là chuyến du lịch nghỉ dưỡng nhằm mở ra cơ hội phát triển kinh doanh.
Ông Max Lambert, chủ sở hữu Fuse Hostels & Travel - một doanh nghiệp du lịch có trụ sở tại Hội An (Quảng Nam), bày tỏ kỳ vọng vào một cú hích mới đến từ những thay đổi trong chính sách thị thực của Việt Nam. Ba tháng qua, doanh nghiệp này ghi nhận lượng khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn tăng đáng kể. Số lượng đặt phòng đã trở lại mức tương đương năm 2019.
Bài viết nhận định, tuy có những tín hiệu tích cực rõ ràng nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch COVID-19. Năm 2019, Việt Nam đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế.
Theo ông Lambert, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn cạnh tranh du khách với Thái Lan. Trên thực tế, Thái Lan vẫn là điểm đến du lịch lớn nhất khu vực với lượng khách quốc tế tăng đều đặn. Ông nhấn mạnh trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam không được coi là đối thủ cạnh tranh của Thái Lan. Tuy nhiên, với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch mới của Đông Nam Á.
Trong khi đó, ông Bobby Nguyễn cho rằng Việt Nam cần cải thiện ở một số lĩnh vực để phát huy tiềm năng của mình. Du lịch là ngành kinh tế liên kết, sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng bao gồm đường cao tốc, đường sắt và đường bộ vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, chuyên gia về du lịch này cho rằng Việt Nam cần phải đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực này để đáp ứng chất lượng cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của du khách.