Trẩy hội chùa Hương

Thành thông lệ, lễ khai hội chùa Hương, diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (tức 28/1), đã thu hút hàng vạn du khách và phật tử hành hương. Hòa trong sắc xuân của trời đất, những người đến với lễ chùa Hương đầu năm đều cầu mong sự an bình và đón nhận một năm mới “với một phong thái tĩnh tại, tự tin”.

“An toàn và môi trường sạch”

Từ mùng 2 Tết, hàng vạn người đã đổ về chùa Hương. Dù lưu lượng người đến đông nhưng dòng xe cộ vẫn có thể di chuyển do có sự phân luồng hợp lý, hệ thống bến bãi được mở rộng, nâng cấp. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2012, cho biết: Từ mùng 1 đến hết mùng 5 đã có hơn 10 vạn lượt khách đến lễ chùa Hương (tính theo vé đã bán). Sau ngày khai hội (mùng 6) lượng khách sẽ còn tăng. Theo dự tính của BTC, từ nay đến hết rằm tháng Giêng, lượng khách trẩy hội ước khoảng 4 vạn người/ngày. Dù lượng khách đông, nhưng với 4.300 đò hoạt động sẽ vẫn đủ vận chuyển khách trong dịp cao điểm của lễ hội chùa Hương.

Lễ khai hội chùa Hương 2012.


Từ khi mở rộng cầu Hội, cải tạo mở rộng khu vực bến Thiên Trù, hiện tượng tắc đò trên suối Yến gần như không còn xảy ra. Việc tổ chức lại dịch vụ hàng quán cũng được UBND huyện lên sơ đồ và giao cho xã Hương Sơn quản lý. Tiêu chí tiên quyết là hàng quán phải nằm xa nơi thờ tự và đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng việc đi lại của du khách. Hiện tượng các hộ kinh doanh sử dụng hệ thống loa đài quảng cáo quá cỡ tại các cửa hàng gây ồn ào, mất mỹ quan khu danh thắng cũng được chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Lễ hội chùa Hương năm nay, BTC chú trọng vấn đề an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Theo đó, từ mùng 4, công an thành phố tăng cường 152 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng trên địa bàn để đảm bảo an ninh; đồng thời không để tình trạng ăn xin ăn mày trong khu vực lễ hội. Năm nay, BTC làm quyết liệt vấn đề vệ sinh môi trường. Huyện Mỹ Đức thành lập 2 đội liên ngành kiểm tra vệ sinh môi trường để xử phạt hành vi xả rác với mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Chỉ trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5, lực lượng liên ngành đã xử phạt 20 trường hợp xả rác bừa bãi.

Dù tiến hành phạt bằng tiền nhưng do lực lượng mỏng, biển báo ít và do ý thức kém của một số người nên theo quan sát của phóng viên vẫn còn tình trạng xả rác không đúng nơi quy định. Theo ước tính của BTC, bình quân mỗi ngày trong dịp lễ hội có 10 tấn rác thải ra và lượng rác này sẽ được thu gom xử lý tại lò đốt rác công nghệ Nhật vừa mới đưa vào vận hành trong năm nay. Bên cạnh đó, BTC cũng yêu cầu các chủ đò ký cam kết không xả rác và tuyên truyền tới du khách không xả rác ra môi trường; đồng thời không được vòi vĩnh thêm tiền của khách, nhất là khi năm nay vé đò đã được tăng theo quy định mới.

Do tăng cường lực lượng thu dọn và đẩy mạnh tuyên truyền, số lượng thùng rác được lắp đặt trên nhiều tuyến đường, nên so với những năm trước, môi trường cảnh quan khu vực lễ hội chùa Hương năm nay sạch hơn.

“Sở cầu như ý”

Cao điểm nhất lễ hội chùa Hương là vào ngày mùng 6 khai hội, ngay từ hơn 5 giờ sáng, khi chùa chính Thiên Trù mở cổng, hàng nghìn lượt khách đã tới hành lễ khiến hệ thống cáp treo và khu vực động Hương Tích bị quá tải. Do lối đi chật nên nhiều du khách chỉ có thể bái vọng từ xa. Bà Nguyễn Thị Lai, 86 tuổi, quê Nam Định cho biết: “Đi chùa Hương chính hội buổi sáng rất đông nên tôi cùng con cháu đi lễ chùa vào buổi chiều tối hôm trước và sáng hôm sau đi tuyến chùa Long Vân và động Tuyết Sơn”. Đây là cách mà nhiều du khách lựa chọn để giảm bớt sự quá tải vào buổi sáng.

Ngay từ sáng mùng 6, tại đền Trình thôn Yến Vỹ, điểm đầu tiên trong hành trình lễ hội chùa Hương, BTC làm lễ khai sơn mở cửa rừng để người trong làng đi làm ăn thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng ban quản lý đền Trình: “Lễ khai sơn là hoạt động tín ngưỡng dân gian địa phương, mở màn trong loạt sự kiện của lễ hội chùa Hương, được tổ chức sáng sớm mùng 6. Năm nay, BTC huy động 150 cụ và thành viên trong làng tham gia công tác tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, ngăn nắp”.

Với tinh thần tiết kiệm, lễ khai hội năm nay được tổ chức gọn gàng. Sau màn múa tứ linh trong tín ngưỡng dân gian: “Long- ly- quy- phượng” của 4 làng Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai; BTC đã chính thức công bố khai hội với mong muốn đầu xuân khi đi lễ, mọi người chấp hành đúng quy định về an ninh trật tự, giữ vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh lịch sự nơi lễ hội.

Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng là một trong những lễ hội dài thu hút đông đảo du khách thập phương đến cầu an đầu năm mới. Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cho biết: Đây là lễ hội văn hóa tín ngưỡng đạo Phật Việt Nam kéo dài gần 400 năm nay qua 12 đời Tổ sư. Chùa Hương hay còn gọi là “Linh Sơn phúc địa” thờ Phật Bà Quán thế Âm Bồ Tát thu hút du khách với niềm tin vào sự màu nhiệm của Quan thế âm chuyên cứu khổ ban vui. Phật tử, du khách đi lễ chùa Hương với niềm tin cuộc sống biến động và sở cầu như ý. Chính vì vậy, khi đi lễ chùa, khách thập phương nên có phong thái tĩnh tại, điềm đạm.

Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, năm nay chùa Hương cũng quan tâm đặc biệt tới môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền tới các Phật tử cũng như du khách chấp hành việc xả rác đúng nơi quy định, đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ, giáo dục môi trường cũng là giáo dục nhân cách mang tính từ bi và trí tuệ. “Tôi cũng khuyên các sư cũng phải xắn tay vào dọn dẹp rác thải khi quá nhiều, vừa làm gương, vừa nâng cao ý thức để quang cảnh sạch đẹp”, thầy Hiền cho biết.

Tại lễ khai hội, Hòa thượng Yoshimizu Daichi đến từ Tôkyô (Nhật Bản) đã trao tặng chùa Hương 30 cây anh đào, trồng trong khuôn viên chùa Thiên Trù.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN