Từ lâu, bánh cáy Làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình) được coi là đặc sản của vùng quê lúa. Tuy nhiên, sự phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, những người sản xuất đang tự làm khó mình trong việc xây dựng một thương hiệu chung, nền tảng hướng đến mở rộng thị trường.* Sức sống của làng nghề hơn 200 năm tuổiXã Nguyên Xá được biết đến là “làng kháng chiến kiểu mẫu” trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, vùng đất ấy tiếp tục là một điểm sáng năng động trong công tác tìm kiếm, tự tạo việc làm tại chỗ, từ phát triển nghề dệt may, chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ đến nghề cơ khí, vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm phi kim loại, nhưng nổi tiếng hơn cả và duy trì được tốc độ phát triển bền vững vẫn là nghề làm bánh cáy.
Hiện toàn xã có 128 hộ sản xuất, với trên 600 lao động, thị trường chủ yếu là trong tỉnh và các vùng lân cận như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình.... Hàng năm doanh thu của xã đạt hàng chục tỷ đồng.
Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon đặc biệt, đòi hỏi sự công phu của người thợ ngay từ khâu chọn nguyên liệu: gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gấc, cà rốt, vỏ quýt, đường nha, mật mía, nước quả giành giành. Bánh làm ra thơm ngon, hòa quyện của “lục sắc, bát vị”, ăn có độ dẻo của gạo nếp, độ giòn của lạc, của mứt cà rốt, vị thơm cay của gừng, của vỏ quýt, vị thanh ngọt mát của đường, mạch nha hay mật mía. Xưa bánh được coi là đặc sản dùng để cúng tiến vua, gói vuông vắn trong giấy hồng điều, bởi thế dân gian vẫn còn lưu truyền đôi câu thơ:
“Cung đình Hội rối ngày xưa
Bánh cáy lụa Nguyễn tiến vua thuở nào”.
Bánh làm ra thơm ngon, hòa quyện hương vị của gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gấc, cà rốt, vỏ quýt, đường nha, mật mía, nước quả giành giành. |
Theo tư liệu của cụ Nguyễn Bá Duy (hậu duệ đời thứ 14 tộc họ Nguyễn Công) để lại, bánh cáy có nguồn gốc từ bánh chè lam. Tương truyền bánh do bà Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1724, đời thứ 6 tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế.
Bà vốn là người thông minh, có nhiều công lao với triều đình nhà Lê. Bà từng giữ chức Cung Trung giáo tập (dạy con vua, cháu chúa), Phu nhân lưỡng giáo. Do có công đem hai con của Thái tử Lê Duy Vỹ đi trốn tránh khỏi tai ác của Trịnh Sâm, bà được nhà Lê phong làm Kiệt tiết Công Thần Bảo Mẫu Đại Vương.
Vốn xuất thân từ nông dân, bà đã kết hợp nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội làm ra một thứ bánh mới có gạo, vừng, đường, gừng, quả dành dành gọi là bánh Ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, được vua Hiển Tông khen ngon và đặt tên là “bánh cáy” vì nhìn màu sắc giống trứng con cáy. Từ đó bánh cáy gắn liền với quê hương nơi bà tổ nghề - Nguyễn Thị Tần, được lưu truyền và phát triển trong làng ngoài xã đến ngày nay.
* Xây dựng thương hiệu cho đặc sản bánh cáyTuyến đường quốc lộ 10 - “cửa ngõ” dẫn vào thành phố Thái Bình có hàng trăm cửa hàng bày bán đặc sản bánh cáy của vùng quê lúa. Sản phẩm nhiều là vậy, song khách hàng băn khoăn không biết có phải “đặc sản” thật hay không mặc dù đã mua ngay tại vùng sản xuất.
Anh Nguyễn Đức Bình - một thực khách quê Hải Phòng cho biết: Tôi cũng nhiều lần mua bánh cáy dọc đường nhưng thấy khó ăn và khô cứng, không như lời giới thiệu là thơm ngậy, mềm dẻo. Muốn mua bánh cáy chính hiệu nhưng cũng không biết mua ở đâu cho đúng vì trên bao bì sản phẩm của cơ sở sản xuất nào cũng thấy ghi “Đặc sản bánh cáy Làng Nguyễn”. Thực hư không biết ra sao!
Là người đã có hơn 30 năm gắn bó và tâm huyết với nghề làm bánh cáy gia truyền, ông Hoàng Duy Thắng (chủ cơ sở sản xuất Hoàng Thắng, thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá) chia sẻ nhiều khi tận mắt thấy có sản phẩm lấy tên giống hệt cơ sở nhà mình nhưng chất lượng thì không bằng. Họ làm từ cốm phồng và gạo rang, chi phí nguyên liệu chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng nhưng vẫn bán với giá 15.000 - 20.000 đồng tùy theo loại to, nhỏ như các sản phẩm chính hiệu. Biết nhưng cũng chẳng làm được gì vì hiện tại gia đình ông mới chỉ lấy tên là cơ sở sản xuất gia truyền chứ chưa đăng ký thành sản phẩm thương hiệu độc quyền, cũng có thời gian dài mất khách vì lí do đó.
Cũng như gia đình ông Thắng, cơ sở sản xuất Dân Liên, Nguyễn Bốn đã nhiều lần đưa sản phẩm vào bán trong hệ thống các siêu thị, xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng lại cũng bị chính rào cản chưa có thương hiệu làm mất đi thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Như Hùng, Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyên Xá trăn trở: Xã có khoảng 18 cơ sở sản xuất thường xuyên, còn lại là các cơ sở sản xuất theo thời vụ, vào dịp Tết tăng lên khoảng 70 cơ sở. Phần lớn thanh niên trong xã “thoát ly” đi làm kinh tế ở xa, người đi làm ở các khu công nghiệp, việc làm đều hơn, thu nhập cao hơn. Nghề làm bánh cáy chỉ là lúc nông nhàn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ban lãnh đạo xã và những nghệ nhân ở Nguyên Xá muốn tạo thành lập một hiệp hội sản xuất chung, từ đó xây dựng thành thương hiệu cho bánh cáy làng Nguyễn. Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ mình trước sự cạnh tranh với hàng “nhái”, hàng kém chất lượng.
Ông Bùi Văn Duyệt, Phó phòng Công Thương huyện Đông Hưng cho biết: Năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng cho bánh cáy làng Nguyễn. Tuy nhiên, gần 2 năm đã trôi qua, việc thành lập thương hiệu bánh cáy này vẫn “lửng lơ”.
Theo ông Duyệt, nguyên nhân chính là do mỗi cơ sở sản xuất lại có một bí quyết gia truyền riêng, nhà nào cũng muốn sản phẩm của gia đình mình có hương vị khác lạ so với gia đình khác, lấy đó làm ưu thế trên thị trường. Cán bộ từ huyện đến xã đã nhiều lần đi khảo sát, vận động các cơ sở thành lập một hiệp hội sản xuất chung, tiến tới xây dựng thương hiệu cho làng nghề, song các hộ vẫn không mấy “mặn mà”.
Ông Duyệt khẳng định, cứ tư duy “mạnh ai người nấy làm” như hiện nay sẽ rất khó để thành lập một thương hiệu chung. Hiện tại, những hộ sản xuất đang tự làm khó mình và khó cho cả người tiêu dùng.
Bài toán xây dựng thương hiệu làng nghề không phải là mới. Thực tế cho thấy sức sống của thương hiệu Bánh đậu xanh Hải Dương là một ví dụ điển hình. Được thành lập từ năm 2010, đến nay thương hiệu này đã vươn xa, chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu. Cũng từ đây, nhiều cơ sở đã khẳng định được tên tuổi như bánh đậu xanh Bảo Ngọc, Nguyên Hương...
Để làng nghề hơn 200 năm tuổi này có thể đứng vững phát triển trước sự cạnh tranh ngày càng cao của thị trường, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ sở sản xuất cần phải đặt lợi ích kinh doanh lâu dài lên trên hết, tránh sự phát triển kiểu tự phát, manh mún như hiện nay.
Thu Hoài