Gỡ nút thắt về visa
Từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch (ngày 15/3/2022), lượng khách đến Việt Nam tăng dần qua các tháng, nhưng không đều từng thị trường. Nguyên nhân được các doanh nghiệp đón khách quốc tế phân tích chủ yếu là do khó khăn trong việc cấp visa.
Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt (Hà Nội) cho biết: Trước khi xảy ra dịch COVID-19, khách quốc tế vào Việt Nam có 3 hình thức cấp thị thực (visa) du lịch: Làm visa tại các đại sứ quán, cấp visa tại cửa khẩu và làm e-visa (cấp thị thực điện tử). Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hình thức cấp e – visa.
Cụ thể, hình thức cấp tại đại sứ quán Việt Nam ở ngước ngoài phù hợp với những người sống gần khu vực đại sứ. Về tâm lý, hình thức này tạo sự yên tâm cho khách, nhất là khách lần đầu đến một nước xa lạ, thủ tục nhập cảnh thuận tiện khi đến cửa khẩu.
Còn với thủ tục cấp visa du lịch tại cửa khẩu, phải thông qua doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Với hình thức này, doanh nghiệp lữ hành có công văn nhập cảnh gửi lên Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để xét duyệt danh sách khách trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu, khách vẫn phải chờ đợi để làm thủ tục cấp visa. Hình thức này chỉ thuận tiện cho khách đoàn.
Trong khi đó, với hình thức e-visa, khách tự đăng ký làm thủ tục trên mạng theo hướng dẫn và thanh toán trực tuyến. Khách có thể làm trực tiếp hoặc nhờ làm hộ. Hình thức này công khai, minh bạch, nhất là khoản tài chính làm visa. Hình thức này sẽ thuận tiện cho khách trẻ và am hiểu công nghệ thông tin, thanh toán điện tử. Với du lịch, hình thức làm e-visa này phù hợp với khách đi lẻ và khách ở bất cứ địa điểm nào cũng có thể đăng ký làm visa, không phải đi lại nhiều.
Về nguyên tắc, khách du lịch khi có visa mới mua vé máy bay. Tuy nhiên, việc cấp e-visa chưa phù hợp cho khách đoàn vì thời điểm phản hồi khác nhau. “Tháng trước, tôi có 2 khách Pháp muốn sang Việt Nam du lịch. Tôi thông báo về chính sách visa của Việt Nam và hướng dẫn họ đăng ký làm e-visa. Cả hai khách đăng ký e-visa cùng lúc, nhưng một người 3 ngày sau đã có phản hồi cấp visa, trường hợp còn lại phải gần chục ngày sau mới có thông tin phản hồi, nên thời gian phải lùi lại để chờ nhau mua vé máy bay. Sang tháng, công ty cũng có đoàn 10 khách muốn đến Việt Nam. Họ cũng phải làm e-visa và phải gom lại các phản hồi từng khách rồi mới mua vé máy bay khách đoàn. Do đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nên khôi phục lại hình thức cấp visa tại cửa khẩu để thuận tiện cho khách đoàn, nhất là vào mùa cao điểm đón khách quốc tế”, ông Dương Xuân Tráng cho hay.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Với khách quốc tế, sau khi lựa chọn điểm đến, vấn đề quan tâm tiếp theo là thủ tục visa. Chính vì vậy, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị mở rộng chính sách miễn visa tới các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Trên thực tế, nguồn thu từ chi tiêu của khách sẽ lớn hơn nhiều so với làm thủ tục visa. Chưa kể những phát sinh phí khi làm visa. Không ít khách thay đổi địa điểm đến trong khu vực khi so sánh làm thủ tục visa.
Hướng đến chất lượng dịch vụ
Nâng hiệu quả hoạt động du lịch cũng đồng nghĩa nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực. “Cách đây hơn 10 năm, ngành Du lịch cũng xác định thay vì chạy theo số lượng, hướng đến tăng chi tiêu của khách. Để làm điều này cần có hạ tầng du lịch, với những khu điểm du lịch cao cấp và cải thiện chất lượng dịch vụ đi đôi với chất lượng nguồn nhân lực, sự chuyên nghiệp trong cách làm dịch vụ. Sự thay đổi này hướng dần đến các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch MICE, du lịch golf… Các khu điểm nghỉ dưỡng cao cấp dần hình thành tại Phú Quốc, Bình Định, Đà Nẵng – Hội An…”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Tuy vậy, ông Vũ Thế Bình cho rằng, sự chuyển dịch cần phải mạnh mẽ hơn sau dịch COVID-19, bởi ngành du lịch trên thế giới đang có sự thay đổi rõ nét về xu hướng cũng như phương thức vận hành. Để bắt kịp với những thay đổi này, nhanh chóng phục hồi “ngành công nghiệp không khói”, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã phải tư duy lại cách làm du lịch, định hình sản phẩm du lịch mới để đáp ứng thị trường.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, Ngày Du lịch thế giới năm 2022 (27/9) sẽ mang chủ đề “Tư duy lại về du lịch” (Rethinking Tourism). Tổ chức Du lịch thế giới kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, người lao động, khách du lịch cùng tư duy lại những việc đã phải đối diện và phương thức thay đổi để đưa du lịch phát triển trở lại, trở thành trung tâm của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, trong quá trình phục hồi du lịch, ngành du lịch đã đặt vấn đề xây dựng, kiến thiết sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu du lịch thế giới. Ngay tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định, bên cạnh những dòng sản phẩm chính trước đây, chiến lược lâu dài của du lịch Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 dòng sản phẩm mới, đó là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc hệ thống lại các sản phẩm du lịch, từ đó phát triển thêm sản phẩm mới là rất cần thiết. Trong đó, du lịch Việt Nam cần phát huy các thế mạnh, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, nhưng vẫn cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều dòng sản phẩm mới đang được đẩy mạnh phát triển hướng tới tăng hiệu quả doanh thu như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện); du lịch thể thao, đặc biệt phát triển là du lịch golf, du lịch mạo hiểm (leo núi, trekking - đi bộ đường dài), các giải chạy việt dã kết hợp du lịch. Ngoài ra, du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… đang được nhiều địa phương tập trung khai thác. Một số sản phẩm được đầu tư trọng điểm đã thu hút dòng khách cao cấp, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours, một số dòng sản phẩm du lịch trước kia ít được quan tâm, nay trở thành mũi nhọn của các đơn vị, trong đó có du lịch MICE, du lịch golf. Song, đây là những dòng sản phẩm hướng đến đối tượng khách đoàn đông, dòng khách cao cấp là các thương nhân, tập đoàn lớn…, nên việc đầu tư hạ tầng cho các sản phẩm này cần có chiến lược bài bản.
“Để phát triển du lịch MICE, du lịch golf, các địa phương cần có hạ tầng cho du lịch, như việc quy hoạch phát triển các sân golf, những trung tâm tổ chức sự kiện lớn đủ tiêu chuẩn dịch vụ đón khách hạng sang. Ngoài ra, cần phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách trải nghiệm”, ông Nguyễn Công Hoan cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Vũ Duy Thành cho biết, nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là “điểm đến golf hàng đầu châu Á”, nhưng việc phát triển du lịch golf còn nhiều nút thắt, nên vẫn thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, như: Malaysia, Thái Lan… Bên cạnh đó, du lịch golf còn mới mẻ, nên hạn chế về hướng dẫn viên, những người thiết kế sản phẩm, thiếu công cụ liên kết giữa khách sạn, resort, các hãng vận tải…
Theo thống kê, trước dịch COVID-19, năm 2019, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng. “Khách chơi golf là doanh khách cao cấp chi tiêu rất nhiều nhưng Việt Nam chưa có kế hoạch tổng thể thu hút dòng khách này mà mới khai thác dạng tự phát của doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Ở những dòng sản phẩm chuyên biệt khác, như du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi), dù đã được các địa phương chú trọng, nhưng mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa hình thành dòng sản phẩm có tính thương hiệu riêng.
Để phát huy hết tiềm năng những dòng sản phẩm du lịch trọng điểm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch tổng thể để phát triển phù hợp với lợi thế, tiềm năng và tiềm lực của mình, tránh đầu tư dàn trải, bắt chước nhau. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: Hướng tiếp cận của ngành du lịch đã thay đổi. Đó là không cần tính số lượng mà tính hiệu quả, xem mỗi khách quốc tế đến Việt Nam tiêu bao nhiêu tiền, mang lại giá trị gì.