Sớm có chiến dịch quảng bá du lịch tại thị trường Nga

Đến đầu tháng 12, Việt Nam đã đón gần 300.000 lượt khách Nga và dự kiến cả năm 2015 sẽ đón khoảng 330.000 - 340.000 du khách Nga, bằng xấp xỉ 95% so với năm 2014.

Trong bối cảnh khách Nga sụt giảm mạnh cuối năm 2014, đầu năm 2015 do tác động của việc mất giá đồng Rúp, việc tăng trưởng trở lại này sẽ là tín hiệu vui cho du lịch.

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch), sở thích du khách Nga là du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển. Khách du lịch Nga thường quan tâm đến các dịch vụ thể thao du lịch biển. Bên cạnh đó, họ cũng rất quan tâm đến các loại hình vui chơi giải trí và các sản phẩm du lịch bổ trợ tại các điểm đến. Về khẩu vị, người Nga khá đơn giản trong ăn uống. Các bữa ăn của họ thường không cầu kỳ. Theo truyền thống, du khách Nga thường đi du lịch ra nước ngoài cùng gia đình. Trong khi đi du lịch, họ rất thích mua đồ lưu niệm (lụa, mật ong, nữ trang vàng...). Du khách Nga cũng không giỏi ngoại ngữ, vì vậy việc hướng dẫn viên và những người phục vụ biết sử dụng tiếng Nga là tiêu chí số một trong việc chọn lựa tour du lịch. Các điểm đến phải có nhân viên biết tiếng Nga để giao tiếp và phục vụ, làm cho khách cảm thấy thoải mái, hài lòng và tạo được ấn tượng tốt hơn cho điểm đến cũng như trong quá trình đi tour.

Một hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Nga vào đầu năm 2015.

Khánh Hòa chiếm tới hơn 60% lượng khách Nga tới Việt Nam. Hàng ngày, có 3 - 4 chuyến bay charter (thuê bao chuyến) nối thẳng từ vùng Viễn Đông tới Nha Trang. Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Ủy viên BCH Hiệp hội lữ hành Việt Nam, giám đốc công ty du lịch quốc tế Tictour (Khánh Hòa), do tác động của khủng hoảng kinh tế, khách Nga không còn chi tiêu mạnh như trước. Thời kỳ trước đây, khách Nga chỉ ở khách sạn, resort 5 sao, nhưng nay họ chuyển sang đăng ký ở khách sạn 4 hoặc 3 sao. Chi tiêu cũng giảm hẳn so với trước. Đối với khách đi theo chuyến charter, theo thông lệ, khách đặt trước tiền vé máy bay, khách sạn tại Nha Trang, sau đó tùy theo nhu cầu, khách sẽ đặt chương trình đi tham quan các tour tuyến, nhưng thường chỉ đi trong ngày.

Do vậy, để quản lý điểm đến, tỉnh Khánh Hòa và Tổng cục Du lịch tăng cường quản lý điểm đến để không xảy ra tình trạng bán tour chui, chèo kéo… “Đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên tại Nha Trang phần lớn đang tận dụng những người biết tiếng Nga tham gia hướng dẫn và chưa đạt quy chuẩn cấp thẻ HDV quốc tế của Tổng cục Du lịch. Do đó, đội ngũ này cần sớm được chuẩn hóa”, ông Nguyễn Quang Thắng cho biết.

Quảng bá điểm đến mới

Theo đánh giá Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), du khách Nga tăng trưởng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Nhất là sau khi Nga khuyến cáo công dân không đến Ai Cập sau vụ máy bay chở khách du lịch Nga bị đánh bom và không đi Thổ Nhĩ Kỳ do căng thẳng chính trị. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Nga xếp Việt Nam là điểm đến an toàn và khuyên khách Nga lựa chọn.

“Đây là lợi thế của Việt Nam nhưng nếu không biết nắm bắt cơ hội sẽ khó cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ do giá tour rẻ hơn. Các nước này đều có đường bay trực tiếp với Nga nên chỉ tính riêng giá vé máy bay rẻ hơn so với đi Việt Nam khoảng 30%. Trong khi đó, giá vé máy bay chiếm khoảng 60% chi phí chuyến đi du lịch”, ông Nguyễn Hồng Đài, giám đốc APT travel nhận xét.

Theo phân tích thị trường khách Nga của Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch), khách Nga khá hiếu kỳ, thích những cái mới, ngoài ra gần đây họ cũng đã bắt đầu có sở thích đi du lịch và kết hợp đi thăm thêm một hoặc hai nước nữa ở cùng khu vực trong cùng một chuyến đi du lịch. “Do đó, cách quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam như là một điểm đến mới để những khách Nga đã đi Thái Lan rồi sẽ chọn Việt Nam để khám phá trải nghiệm. Qua nghiên cứu du khách đặt tour APT travel cho thấy, bên cạnh nghỉ dưỡng, khách Nga rất ưa thích du lịch chữa bệnh, đặc biệt là loại hình châm cứu. Có khách quay lại vài lần tới Việt Nam chỉ để sử dụng dịch vụ này. Do đó, ngành du lịch nghiên cứu cụ thể một dòng sản phẩm chuyên biệt để quảng bá, khai thác để tạo sự khác biệt với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Hồng Đài cho biết.

Còn ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng, hiện nay khách đến Việt Nam chủ yếu ở vùng Viễn Đông do đường bay ngắn, tiết kiệm chi phí; trong khi lượng khách khu vực Moskva có khả năng chi trả cao nhưng lại rất ít thông tin về Việt Nam. Do đó, công tác xúc tiến quảng bá tại các khu vực này cần được đẩy mạnh. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có đường bay thẳng và có cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ để giảm giá vé máy bay. Có như vậy, Việt Nam mới có lợi thế trong việc cạnh tranh điểm đến trong khu vực.

“Việc cần làm hiện nay là tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở thị trường Nga; giới thiệu các sản phẩm du lịch mới. Trước mắt, Tổng cục Du lịch sẽ kết hợp với các địa phương có nhiều du khách Nga đến để mời các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, báo chí ở thị trường Nga đến khảo sát tại một số điểm du lịch như Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Kiên Giang, Đà Nẵng”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết.

Dự kiến, nếu nắm bắt được cơ hội này, mục tiêu đón 400.000 lượt khách Nga trong năm 2016 hoàn toàn khả thi.
Xuân Cường
Hàng ngàn du khách đổ về cánh đồng hoa hướng dương
Hàng ngàn du khách đổ về cánh đồng hoa hướng dương

Thời điểm hiện nay, cánh đồng hoa hướng dương thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bắt đầu nở rộ khoe sắc, đã thu hút hàng ngàn lượt khách tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm mỗi ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN