Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và đại diện các nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học khu vực Nam Bộ.
Bà Lê Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, hội thảo nhằm đánh giá các tiềm năng phát triển du lịch lễ hội văn hóa sông nước tỉnh Sóc Trăng, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước, đặc biệt là trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng – nơi diễn ra đua ghe Ngo hàng năm) và Chợ nổi Ngã Năm. Ngoài ra, còn khái quát kết quả nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng”.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng, ngoài là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư lâu đời, Sóc Trăng còn có điều kiện tự nhiên với hệ thống sông ngòi chằng chịt và văn hóa đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển các lễ hội sông nước đặc sắc. Do vậy, ngành chức năng tỉnh đang phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của địa phương, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ khách du lịch và công chúng, góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch của tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận về thực trạng, giải pháp và tiềm năng phát triển lễ hội sông nước Sóc Trăng, lễ hội văn hóa sông nước gắn với ẩm thực, kết hợp văn hóa tâm linh, chùa chiền, du lịch xanh, du lịch biển… qua đó, đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước, sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước với mô hình du lịch trải nghiệm đêm đang được một số địa phương xây dựng, phát triển.
Theo Tiến sĩ Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng sản phẩm lễ hội văn hóa sông nước là một hướng đi khai thác tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng; đặc biệt là trên sông Maspero xây dựng sản phẩm lễ hội sông Trăng, còn Chợ nổi Ngã Năm phát triển sản phẩm lễ hội văn hóa sông nước.
Còn Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng, văn hóa lễ hội sông nước là sản phẩm khá mới đối với Sóc Trăng và đa số các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; do đó cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm, gần đây nhất là của Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trịnh Công Lý đề nghị cần đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Nếu tổ chức tốt, cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero sẽ là bước tiến mới của du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện các tỉnh cũng đang tìm lối ra cho ngành du lịch.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng, qua hội thảo lần này, đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về phát triển sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước, giúp ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng vận dụng triển khai trong thời gian tới hiệu quả hơn nhằm đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành một điểm đến đặc trưng về văn hóa lễ hội sông nước trong cả nước.