Lễ hội Tết xưa và Phiên chợ quà tặng lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Phố cổ Hoa Lư với 80 gian hàng trưng bày, bán các mặt hàng ẩm thực, đồ uống, cây hoa Tết, đồ thủ công, trang trí và các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm và sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình.
Ngoài những gian hàng nông sản, sản phẩm của Ninh Bình, du khách còn được trải nghiệm phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa ngày Xuân của dân tộc Việt Nam qua cuộc thi gói bánh chưng, các trò chơi dân gian mang đậm nét đặc trưng của những ngày Tết cổ truyền Việt Nam, chương trình nghệ thuật đặc sắc... Hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 15/2 (mùng 6 Tết Giáp Thìn 2024).
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, Lễ hội Tết xưa và Phiên chợ quà tặng du lịch được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo cơ hội kết nối, giới thiệu, trao đổi, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp; đặc biệt là tạo không gian Tết cổ truyền để nhân dân và du khách trải nghiệm, khám phá và hòa cùng với không khí Tết truyền thống của dân tộc, qua đó xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình.
Ông Bùi Văn Mạnh hy vọng, Lễ hội Tết xưa và Phiên chợ quà tặng du lịch sẽ là một trong những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, ấn tượng của tỉnh Ninh Bình năm 2024 để thu hút, phục vụ nhân dân và khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc cũng như vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
Năm 2023, ngành du lịch Ninh Bình cơ bản đã phục hồi và phát triển trở lại sau COVID-19. Toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, tăng 77% so với năm 2022; doanh thu đạt hơn 6,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2022. Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu trong năm 2024 đón 7,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 8,2 nghìn tỷ đồng.