Tại kỳ họp thứ 5, khoá XV, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc nới lỏng chính sách thị thực sẽ tạo cú huých vào thị trường khách quốc tế đang trầm lắng do tác động của nền kinh tế gặp khó khăn khiến người dân nhiều nơi trên thế giới thắt chặt chi tiêu, trong đó có cả việc đi du lịch.
Thực tế, báo cáo “Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” của một đơn vị nghiên cứu thị trường du lịch có tính chất tham khảo cho thấy, hiện tỷ lệ du lịch quốc tế phục hồi chỉ bằng 23% năm 2019, thấp hơn tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới là 55%.
Còn theo chính báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2022, khi mở cửa sau dịch thì Việt Nam vẫn duy trì chính sách về thị thực như trước thời điểm dịch COVID-19, nên dù mở cửa sớm nhưng kết thúc năm kết quả thu hút khách du lịch lại “về muộn”. Lượng khách quốc tế chỉ đạt 70% so với mục tiêu đón 5 triệu khách. Trong khi các nước xung quanh đạt kế hoạch và vượt kế hoạch rất cao và sớm.
Qua đánh giá của nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam, một trong những điều kiện để họ đạt kế hoạch sớm là do chính sách thị thực rất linh hoạt.
Do đó, việc “tháo gỡ” dần các nút thắt về chính sách thị thực vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp Việt Nam kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách, khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam đã và đang tồn tại trước đó. Không chỉ có vậy, chính sách này còn được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiết kế những sản phẩm cho dòng khách chi trả cao với thời gian lưu trú từ 3 tuần trở lên.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch bền vững Việt Nam (Vietnam S.T.I.D) cho rằng: Việc nới về chính sách thị thực mới này hướng đến khai thác luồng khách có chi tiêu cao, đi dài ngày. Ở góc độ doanh nghiệp, khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều dịch vụ sẽ lợi hơn khách đi đông nhưng ngắn ngày. Từ đó, đơn vị du lịch có sản phẩm du lịch phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với thời gian lưu trú dài hơn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực sẽ có hiệu lực từ 15/8/2023. Đây là quãng thời gian mà các doanh nghiệp du lịch vừa chuẩn bị sản phẩm du lịch phù hợp, vừa quảng bá, tuyên truyền tới khách quốc tế. Đây cũng có thể coi là một bước đột phá về hướng phát triển thu hút khách quốc tế theo chiều sâu hướng tới luồng khách ở dài ngày, chi trả cao.