Du lịch trải nghiệm
Nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình nhà nông làm du lịch. Để làm du lịch, hằng ngày ngoài việc chăm lo tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao trái... nhà nông đồng thời là hướng dẫn viên cho khách tham quan, làm thêm các việc như làm đầu bếp, kiêm nhân viên chạy bàn...
Du khách nước ngoài tham gia một tour làm nông dân ở Bến Tre. |
Anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết, anh trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí một năm lãi hơn 300 triệu đồng. Với diện tích sen hiện có, anh còn làm dịch vụ du lịch như mở quán cho khách đến tham quan, chụp ảnh cùng sen, thưởng thức các món ăn từ sen... tính ra lãi gấp 2 - 3 lần so với trồng sen để bán ngó hoặc hoa.
Ông Nguyễn Văn Đầy, thành viên Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung vừa khai trương điểm tham quan vườn cây ăn trái Lan Anh tại ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu. Đây là điểm tham quan vườn cây ăn trái thứ 6 trên địa bàn huyện Lai Vung. Điểm tham quan Lan Anh có diện tích trên 1,5 ha, quýt hồng được chủ vườn cho trái nhiều đợt khác nhau nên có thể phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Cũng như các điểm tham quan trước, giá vé vào vườn là 50.000 đồng đối với người lớn và 25.000 đồng đối với trẻ em.
Trong khi đó, ở huyện Tam Nông, anh Trần Minh Tân ở xã Phú Hiệp cùng 4 thành viên của xã Đoàn trồng 1,5 ha kiệu. Tới mùa thu hoạch, anh tổ chức điểm du lịch trải nghiệm thu hoạch và sản xuất dưa kiệu cho du khách. Sau đó, các tour du lịch sinh thái đến các nơi sản xuất kiệu ngày càng đông, góp phần tăng thu nhập bằng việc bán các sản phẩm, làm dịch vụ trải nghiệm.
Đặc biệt ở thành phố Sa Đéc, nhà vườn trồng hoa kiểng của ông Trần Thanh Hùng đã khai trương điểm tham quan du lịch homestay đầu tiên ở Sa Đéc. Trên mảnh vườn có diện tích khoảng 3.000 m2, ngoài việc trồng các loại hoa, kiểng, ông Hùng còn nuôi thêm ếch thịt trong ao. Chính việc nuôi trồng đặc biệt này, cái tên “ngôi nhà hoa ếch” đã ra đời.
Ông Hùng cho biết, để phục vụ khách tham quan, ông đã trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà của mình như: đầu tư làm đường đi nội bộ, mái che mát cho khách đi tham quan, trang bị thêm một số chăn, màn, giường, đệm và xây thêm các phòng ngủ. Chỉ một tuần, “ngôi nhà hoa ếch” của ông Hùng đã tiếp đón trên 120 khách trong và ngoài nước có nhu cầu nghỉ lại qua đêm, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình.
Đầu năm 2017 ở xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh), nơi cù lao nằm giữa sông Tiền, các hộ dân đã phát triển mô hình tham quan, trải nghiệm thu hoạch các nông sản như: xoài, cam, nhãn, mãng cầu... Du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng miền sông nước như: cá linh, bông điên điển, khô cá cơm, ốc, hến, dưa xoài và cùng thưởng thức văn nghệ, các hoạt động văn hóa nổi bật của người dân vùng cù lao.
Ông Lê Thành Công, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, cho biết dù mới đưa vào hoạt động, điểm du lịch vườn xoài Thuận Thành mỗi tuần đều có đoàn khách nước ngoài theo tour du lịch đến đây trải nghiệm. Nhà vườn trồng xoài nơi đây không chỉ chăm sóc cho vườn xoài, sản xuất, thu hoạch mà còn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm đường chung quanh vườn, đóng thuyền làm dịch vụ cho khách đến trải nghiệm bơi quanh vườn, xây những căn nhà bán hàng trái cây đặc sản của vườn như xoài, cam, mãng cầu... Mọi thành viên trong gia đình đều tham gia làm du lịch, người nấu ăn, người hướng dẫn khách tham quan, người chạy bàn...
Hỗ trợ nông dân “đổi mới”
Để phát triển mô hình nhà nông làm du lịch, tỉnh Đồng Tháp đã có chính sách hỗ trợ các hộ dân làng hoa kiểng Sa Đéc xây dựng mô hình du lịch homestay và loại hình du lịch cộng đồng tại các vườn cây ăn trái, có đủ điều kiện phát triển thành điểm tham quan du lịch vệ tinh gắn kết với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Theo đó, hộ làm du lịch homestay có quy mô đón, phục vụ từ 30 khách đến dưới 49 khách, được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; quy mô từ 50 khách trở lên được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản Đồng Tháp có quy mô diện tích từ 200 m2, sức chứa từ 100 khách trở lên, đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng khu mua sắm theo quy hoạch trong các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng.
Chị Hồ Thị Hạnh ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông (thành phố Sa Đéc) cho biết, khi gắn sản xuất với du lịch, cuộc sống người dân không bị xáo trộn, người dân vẫn lao động, sản xuất theo truyền thống. Thay đổi lớn nhất là bản thân người trồng hoa phải thay đổi tư duy từ thái độ đối với du khách đến việc bày trí để thu hút khách tham quan. Đổi lại, thu nhập tăng lên rất nhiều. Chị Hạnh chia sẻ, chỉ trong Tuần lễ du lịch của tỉnh Đồng Tháp, chị bán được hơn 2.000 giỏ hoa trong số 10.000 giỏ của gia đình.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết mô hình làm du lịch của nhà nông ngày càng thu hút khách du lịch, tạo thành điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá du lịch tại Đồng Tháp, làm phong phú thêm chương trình du lịch cho du khách. Những chương trình tour đi Đồng Tháp xem làng hoa, vườn quýt hồng, vườn xoài, vào đồng sen... hiện nay đã trở thành tour thu hút khách trong nước và nước ngoài.
Không chỉ có Đồng Tháp mới triển khai cho nông dân làm du lịch, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang... cũng đã và đang phát huy thế mạnh của mình để đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” gắn với đời sống nông dân.
Theo đó, tại Cà Mau, tỉnh đang chọn mô hình du lịch sinh thái cộng đồng làm mũi nhọn, nét đặc trưng của du lịch tỉnh: Cùng nông dân đi bắt ba khía, cùng nông dân đi đặt lú bắt cá, tôm, cua... Để thực hiện định hướng này, nhiều nông dân địa phương được tiếp cận phương pháp làm du lịch nhà vườn thông qua các cuộc tham quan, tập huấn do tỉnh tổ chức. Kết quả, đến nay đã có hàng chục hộ nông dân ở vùng đệm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ biết cách làm du lịch, biết cách “chiều” du khách.
Ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu phấn đấu đón 1,77 triệu lượt du khách, trong đó có trên 602.000 khách quốc tế trong năm 2017 này nên cũng đã triển khai chiến lược định vị sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh và mang thương hiệu riêng để khai thác phục vụ du khách.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, tỉnh đang huy động nguồn lực trong các thành phần kinh tế, nhất là nguồn lực trong dân để đầu tư nâng cấp, cải tạo các khu du lịch; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch, nhất là lao động trong các doanh nghiệp tư nhân; đồng thời tập trung xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền như cù lao Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè... kết hợp với du lịch sông nước miệt vườn, sinh thái.
Còn theo ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, để thu hút khách du lịch, Bến Tre đang đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù là phát triển các mô hình du lịch trên hệ thống cù lao Phụng, cù lao Lân và xây dựng sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng như bưởi da xanh, các sản phẩm từ trái dừa, nước cốt dừa... Năm 2017, Bến Tre phấn đấu thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 550.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 1.042 tỷ đồng.
Ngày 18/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 2227/QĐ - TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng đến mục tiêu đưa du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng du lịch đặc thù của cả nước. Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đón khoảng 34 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế) và đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 111.000 tỷ đồng. |