Ngày thống nhất đất nước, nhớ huyền thoại về lẽ sống từ địa đạo Vịnh Mốc

Khát vọng thống nhất đất nước song hành cùng khát vọng sống của con người, đã góp phần làm nên huyền thoại về địa đạo Vịnh Mốc, Quảng Trị


Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm tham quan được nhiều du khách nước ngoài tìm tới.


Đi tìm sự sống

Với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không lực đã được đế quốc Mỹ châm ngòi. Vĩnh Linh (Quảng Trị), địa bàn giáp ranh theo Hiệp định Giơnevơ, điểm đối đầu quyết liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta, đã trở thành một trong các mục tiêu đánh phá. Hơn nửa triệu tấn bom các loại đã bị giặc Mỹ trút xuống vùng đất này, nhiều tới mức sau này đã thống kê được mỗi người dân Vĩnh Linh khi đó phải gánh chịu 7 tấn bom đạn.

Trong 8 năm (1965-1972), hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại đã dội xuống mảnh đất Vĩnh Linh. Những vỏ bom còn sót lại được trưng bày trong Khu di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc.


Ngay từ khi quả bom Mỹ đầu tiên rơi xuống đất này, hầm chữ A, hầm lán và hệ thống giao thông hào đã được quân và dân địa phương gấp rút xây dựng. Hầm chữ A là loại hầm được kè bằng gỗ, phía trên hai mảng gỗ đấu múi nhau, phía dưới choãi ra như chữ A. Hầm lán là những hố hình vuông hoặc chữ nhật, cửa hầm thông với giao thông hào. Các hầm ban đầu được thực hiện ven đường, ven ruộng… để nhân dân kịp ẩn núp khi có bom, sau được dùng làm bệnh xá, trường học, kho chứa lương thực.

Chỉ trong khoảng 1 năm, Vĩnh Linh đã làm mới hơn 1,3 vạn hầm và đào hơn 1.300 km đường hào. Đất Vĩnh Linh đã che chở cho con người Vĩnh Linh.

Hầm chữ A được thiết kế chắc chắn giúp tránh đạn pháo của địch.



Đến cuối năm 1868, đế quốc Mỹ càng điên cuồng bắn phá, thì con người Vĩnh Linh lại càng tiến sâu vào lòng đất. Dưới mưa bom bão đạn, quân và dân ngày đêm đào hầm hào. Gần 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh có địa đạo. Địa đạo đã không còn là đường hầm trú ẩn tránh bom, mà đã trở thành không gian sinh tồn của con người. Toàn Vĩnh Linh có 114 “làng hầm”, với tổng độ dài hơn 40 km, cùng hệ thống giao thông hào hơn 2.000km. Khối lượng đất đá được đào trong thời gian 1966-1968 là hơn 3.759.270m3.

Tại những phòng hộ sinh trong lòng địa địa đạo Vịnh Mốc, 17 em bé đã chào đời.



Mỗi địa đạo là một “làng quê” thu nhỏ, với đường làng, các căn hộ, nơi sinh hoạt chung, thậm chí có đủ giếng nước, nhà trẻ, nhà hộ sinh, trạm xá… Hệ thống địa đạo Vĩnh Linh không chỉ là nơi ăn, ở, sinh hoạt của quân và dân mà còn là trụ sở làm việc của các cấp chính quyền địa phương, là doanh trại của lực lượng vũ trang, kho chứa lương thực, thực phẩm có quy mô chứa hàng chục triệu tấn lương thực, hàng hoá từ miền Bắc vào tiếp viện cho miền Nam và đảo tiền tiêu Cồn Cỏ.

Đến nay, đa số các địa đạo trên địa bàn Vĩnh Linh đã bị vùi lấp hoặc hư hại, chỉ còn địa đạo Vịnh Mốc còn tồn tại khá hoàn chỉnh.

Những trang thiết bị đơn sơ giúp quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị thực hiện hệ thống địa đạo.



Làng địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc, một xã của Vĩnh Linh, trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không chỉ là địa đầu miền Bắc mà còn là địa điểm tập kết lương thực, thực phẩm tiếp tế đảo Cồn Cỏ chỉ cách Vịnh Mốc 28km.

“Làng địa đạo” Vịnh Mốc được bắt nguồn từ 3 địa đạo chính: Địa đạo của đồn biên phòng, địa đạo của quân và dân Vịnh Mốc, địa đạo của quân và dân Sơn Hạ. Do yêu cầu chiến đấu, 3 địa đạo đươc nối thông nhau với tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển để tiện chi viện cho Cồn Cỏ, 6 cửa đi lên đồi).

Làng địa đạo Vịnh Mốc được đánh giá là công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Các địa đạo được bắt đầu từ các giếng, sau đó toả ra các đường hầm. Các địa đạo thường chạy ngoằn ngoèo, theo hình chữ Z để tạo các khúc gấp vững chắc, dùng chính vách đất để chặn các đường đi của đạn bom nếu thả trúng.

Lối tham quan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc ngày nay được trồng nhiều tre xanh, vừa tạo bóng mát vừa gia cố cho nền đất.



Cấu trúc trong lòng địa đạo khá hợp lý và khoa học: Dọc trục chính dài 780m (như đường làng), hai bên, có các căn hầm được khoét, đủ chỗ cho 2-4 người sinh hoạt. Toàn bộ đường hầm được chia 3 tầng nối thông nhau, tầng 1 cách mặt đất 8-10m chủ yếu là nơi phục vụ cho chiến đấu, tầng 2 cách 12-15m là nơi sinh hoạt của quân và dân; tầng 3 cách khoảng 23m, sâu nhất, là nơi chứa lương thực, vũ khí dự trữ.

Đường hầm cũng có đủ: Hội trường (sức chứa tới 60 người, dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá như xem phim, ca nhạc), nhà hộ sinh (trong thời gian chiến tranh đã đỡ đẻ thành công 17 em bé), 3 giếng nước, nhà vệ sinh, bếp Hoàng Cầm… Quân và dân Vịnh Mốc đã âm thầm đào, vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá, đóng góp gần 18.000 ngày công.

Khách tham quan hội trường ngầm dưới lòng đất có sức chứa hơn 60 người, có thể làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của quân và dân.


Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất, quân và dân Vịnh Mốc đã không chỉ dùng địa đạo làm nơi trú ẩn, tránh bom; mà còn tổ chức đánh định ngay trên quê hương, cứu chữa cho thương, bệnh binh. Đặc biệt, hàng trăm chuyến thuyền cảm tử từ Vịnh Mốc đã hướng ra biển, chi viện cho đảo Cồn Cỏ.


Địa đạo Vịnh Mốc đã được công nhận là Di tích Quốc gia, nằm trong danh sách các di tích lịch sử đặc biệt quan trọng. Ngày nay, nơi đây là một trong những điểm đến của hành trình du lịch Quảng Trị, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước và hết hợp giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ du khách. Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Trị, trong quý I/2018, số khách du lịch tới Quảng Trị đạt 418.000 lượt người, trong đó phần lớn là tham quan tuyến du lịch D.M.Z và địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm đến không thể thiếu. Tính riêng mấy ngày Tết nguyên đán, khách du lịch của cả tỉnh đạt 2.150 lượt, trong đó địa đạo Vịnh Mốc đạt khoảng 1/3.

Nhiều người dân chọn Khu di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc để tổ chức các chuyến tham quan cho gia đình dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5.

Từ đầu tháng 4 lịch sử năm nay, Vịnh Mốc và các khu di tích của Quảng Trị đã đón hơn 69.000 lượt khách du lịch. Nhiều trường học tại Quảng Trị đã tổ chức cho các em học sinh đến tham quan và kết hợp lao động, dọn dẹp môi trường tại địa đạo Vịnh Mốc, tạo điều kiện để các em học sinh tìm hiểu về lịch sử và quá khứ quật cường của quân và dân ta.


Du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan địa đạo Vịnh Mốc thường bày tỏ sự khâm phục trước ý chí quật cường của quân và dân Vịnh Mốc.  Một du khách Đức khi tới thăm địa đạo Vịnh Mốc đã bày tỏ: “Khi nghe tin Việt Nam chiến thắng Mỹ, một cường quốc về khoa học kỹ thuật lúc bấy giờ, tôi không tin. Chỉ khi sang đây, chứng kiến cảnh sự sống vẫn điềm nhiên sinh sôi trong lòng đất, tôi mới tìm được ra câu trả lời cho mình”...

Bài và ảnh: Hoàng Hải/Báo Tin tức
Quảng Trị - Điểm hẹn của lòng nhân ái: Kỳ II: Họ về trong vòng tay sông Thạch Hãn
Quảng Trị - Điểm hẹn của lòng nhân ái: Kỳ II: Họ về trong vòng tay sông Thạch Hãn

Cuộc gặp gỡ đầy cảm động cùa hai nhân vật trog bức ảnh của nhà báo Chu Chí Thành sau 45 năm, tại đúng vùng đất lịch sử...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN