Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục đổi mới để bứt phá

Năm 2023, trước rất nhiều khó khăn, ngành Du lịch Thủ đô chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế.

Thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng chất lượng phục vụ, đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa, khách sạn để thu hút du khách. Vì vậy, khách du lịch đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh
Xe buýt 2 tầng Ha Noi City Tour. Ảnh minh họa: Lê Phú/Báo Tin tức

Du lịch tăng trưởng mạnh

Theo UBND thành phố Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến thành phố trong quý II/2023 đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 12,4% so với quý trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tháng 6, khách quốc tế đạt 220 nghìn lượt người, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; quý II/2023 đạt 740 nghìn lượt người, tăng 4,9% so với quý trước và gấp 3,9 lần cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 1,4 triệu lượt người, gấp 6,1 lần cùng kỳ năm trước.

Khách du lịch nội địa, trong tháng 6 đạt 148 nghìn lượt người, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2023 đạt 433 nghìn lượt người, tăng 27,8% so với quý trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách nội địa đến Hà Nội đạt 771 nghìn lượt người, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến cuối tháng 6, địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với gần 70,3 nghìn phòng, trong đó có 603 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao với 25,6 nghìn phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Sáu tháng đầu năm nay, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 60,1%, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và một cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút lượng lớn du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

UBND thành phố đã đánh giá Chương trình hợp tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình CNN quốc tế từ 2017 đến nay và sẽ tiếp tục thực hiện đến năm 2024.

Trong năm nay, thành phố lên phương án sơ bộ quy hoạch du lịch Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Kế hoạch về phân công triển khai Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố năm 2023.

Thành phố tổ chức các đoàn công tác tham dự cuộc họp khu vực dành cho các thành phố thành viên Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPO) năm 2023 tại thành phố Vũng Tàu.

Sở Du lịch Hà Nội tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm chuyên đề với các nội dung trọng tâm như: xây dựng và phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá, nhân lực... nhằm đưa ra các giải pháp để chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Sở triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, qua đây nhằm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP.

Sau khi được đầu tư, nâng cấp và quản lý, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định công nhận điểm du lịch đối với: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá; điểm du lịch Yên Mỹ, điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch thôn Lòng Hồ…

Hà Nội chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến, phát triển thị trường. Cùng với đó, thành phố triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch.

UBND thành phố chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thành phố đang triển khai các thủ tục khảo sát, điều tra để xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.

Sở Du lịch Hà Nội đưa các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng… Đồng thời, Sở phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống như: tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài; tour Tìm về kinh đô người Việt cổ…

Trong năm nay, Sở Du lịch xây dựng kế hoạch đón các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP gồm phóng viên và doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đến khảo sát sản phẩm du lịch tại Hà Nội. Sở khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch trên sông Hồng tại bến tàu du lịch sông Hồng.

Sở phối hợp tổ chức các Hội nghị nhằm hướng đến mục tiêu xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế như: Hội nghị kết nối điểm du lịch Dương Xá với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố năm 2023; Hội thảo khoa học xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn; Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia-Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam; Hội nghị nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố năm 2023.
 
Bên cạnh đó, Sở tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2023- Get on Hà Nội 2023”; phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố tổ chức Chương trình Du xuân hữu nghị 2023 tại huyện Phú Xuyên. Sở phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức thành công chương trình Hành trình du lịch Văn hóa Lịch sử và công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy.

Ngành Du lịch Thủ đô tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2023. Ngành phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Golf Hà Nội”; tham gia Ban Tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12.

Sở Du lịch đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện phục vụ khách du lịch trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; lễ 30/4 và 01/5 về tổ chức vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour trong thời gian từ ngày 29/4/2023 - 03/5/2023 với 127 chuyến xe phục vụ hơn 6.681 lượt khách tham quan trải nghiệm. Việc miễn phí vé trải nghiệm du lịch Thủ đô bằng xe buýt hai tầng nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới, được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao và đến những danh lam thắng cảnh, góp phần thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận: Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây…

Lan tỏa hình ảnh, thu hút du khách

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Song hành với sự đổi mới nhiều mô hình, cách thức làm, tới đây, UBND thành phố chỉ đạo Sở Du lịch tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang Website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok,…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng. Sở tiếp tục sản xuất clip, thực hiện biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố đã được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sở tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô.

Cùng với đó, Sở Du lịch cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về du lịch Thủ đô, website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Sở phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về các sự kiện xúc tiến đầu tư du lịch trên địa bàn, trong nước và quốc tế.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang chú trọng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm tại các khu vực: Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa. Sở nghiên cứu quy hoạch tập trung phát triển các loại hình du lịch theo thế mạnh của từng địa phương. Khu vực trung tâm thành phố tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa - di sản, du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch ẩm thực.

Khu vực phía Tây: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai được quy hoạch thành khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa. Khu vực phía Bắc: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm - giải trí, du lịch thể thao. Khu vực phía Đông: Gia Lâm, Long Biên phát triển các hoạt động du lịch mua sắm, du lịch đêm, du lịch MICE. Khu vực phía Nam: Hà Đông, Thường Tín, Thanh Trì... tập trung quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa.

Thành phố Hà Nội đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch bao gồm: hệ thống hạ tầng giao thông kết nối điểm đến du lịch với hệ thống đường bộ thành phố và quốc gia, hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Doanh nghiệp du lịch bắt tay làm mới sản phẩm để hút khách quốc tế
Doanh nghiệp du lịch bắt tay làm mới sản phẩm để hút khách quốc tế

Với việc nới lỏng chính sách thị thực đến 90 ngày vừa được thông qua, các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt "thời cơ vàng" khi đưa ra sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN