Vào mùa cao điểm du lịch như lễ hội đầu năm, du lịch hè, tại nhiều điểm du lịch đông khách ở nước ta, tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, “chặt chém” giá cả đã diễn ra, để lại hình ảnh không mấy tốt đẹp về du lịch Việt Nam. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Cần sự vào cuộc của địa phương
Du khách đi lễ hội đầu năm đều phản ánh, tại một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như chùa Hương, hội Lim, Yên Tử... khi các địa phương vào cuộc kiên quyết, tệ nạn ăn xin, chèo kéo khách đã giảm đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn những hình ảnh đeo bám tại khu vực Tây Thiên, Bái Đính, tạo cảm giác khó chịu tới du khách.
Khách nước ngoài bị đeo bám ở Sa Pa (Lào Cai). |
“Mới đây, tôi đi lễ chùa Tây Thiên. Mới bước xuống xe đã có vài bà cụ đến mời chào mua hương, mũ, quạt... Từ chối không mua thì bà cụ xin tiền. Với cụ già không cho thì ái ngại, nhưng cho như thế sẽ thành thói quen đeo bám khách, tạo hình ảnh xấu đối với phát triển du lịch”, chị Hòa, một du khách đến từ Hòa Bình, nhận xét.
Có thể thấy, địa phương nào kiên quyết lập lại trật tự, xử lý nghiêm nạn đeo bám, thì hiện tượng chèo kéo giảm hẳn. Đơn cử như tại chùa Hương, BTC lên phương án bảo vệ nhiều vòng, kết hợp với tuyên truyền, nên tình trạng ăn xin, chèo kéo bán hàng rong giảm hẳn. Ngay cả tình trạng đi xe máy chèo kéo từ xa ở chùa Hương cũng được xử lý gắt gao. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, cho biết: “Lực lượng công an đã xử phạt hành chính trên 30 đối tượng đi xe máy chèo kéo khách. Tuy nhiên hiện tượng này chưa xử lý dứt điểm vì liên quan đến miếng cơm manh áo của nhiều người. Những ngày đông khách thì hiện tượng này ít, nhưng vào ngày thường vắng khách thì họ vẫn mời chào, chèo kéo khách đi đò của người nhà họ”.
Tình trạng chèo kéo, đeo bám khách có giảm nhưng tình trạng chèn ép khách, gian lận giá vẫn diễn ra phổ biến. Theo anh Nguyễn Xuân Quỳnh, điều hành Now Travel, giá tại các điểm du lịch thường cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá ngày thường và nếu không mặc cả trước thì giá còn đắt vài ba lần. Điều này gây bức xúc trong du khách vì cảm giác bị lừa.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa nhận định, một trong những lý do khiến tình trạng chèo kéo, dịch vụ tăng giá vào mùa cao điểm hè tại bãi biển Sầm Sơn bởi ngay từ đầu quy hoạch đã không tốt, dẫn đến việc phát triển nhiều cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ, người làm dịch vụ chủ yếu là nông dân tranh thủ chuyển sang làm du lịch vài tháng mùa vụ, dẫn đến tư tưởng làm ăn chụp giật, chặt chém khách. Chính vì vậy, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đang đề xuất quy hoạch lại điểm du lịch Sầm Sơn để hạn chế tính mùa vụ và nâng tính chuyên nghiệp trong du lịch.
Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng: “Để dẹp tình trạng chèo kéo khách, chặt chém khách thì chính quyền địa phương phải vào cuộc vì họ có lực lượng chức năng từ công an, bảo vệ, quản lý thị trường... Vấn đề là địa phương có gạt bỏ lợi ích ngắn hạn để phát triển du lịch bền vững hay không”.
Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp
Một trong giải pháp hạn chế tình trạng chặt chém, đeo bám khách cần được thực hiện từ chính doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt không phó mặc cho hướng dẫn viên (HDV). Có một thực trạng không thể phủ nhận là có sự móc ngoặc giữa HDV với các điểm dịch vụ để “chặt chém” giá của khách.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành: Đáng chú ý là tại khu vực phía Bắc du lịch mang tính thời vụ cao, có thời điểm tập trung đông khách, vượt quá ngưỡng phục vụ nên xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách. Tính thời vụ tạo tâm lý người làm du lịch chụp giật, làm 3 tháng hè khai thác đủ. Do đó, cần tuyên truyền vận động từ cơ quản quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp gìn giữ uy tín thương hiệu. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên thanh tra để chấn chỉnh. Để tránh tính thời vụ trong mùa vụ phía Bắc, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sản phẩm mới để khai thác khách mùa thấp điểm để đảm bảo kinh doanh. Cần có biện pháp quyết liệt của cơ quan quản lý và ý thức của cộng đồng; tạo sản phẩm hấp dẫn để khai thác quanh năm là vấn đề Bộ VH,TT&DL quan tâm.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: Các vụ việc tiêu cực xảy ra với du khách đến từ nhiều thành phần xã hội. Nhiều địa phương có giải pháp nhưng chưa triệt để. Điều này có thể cho thấy vấn đề an sinh xã hội tại các điểm đến du lịch chưa được giải quyết, nhất là việc làm cho các đối tượng ăn mày, ăn xin, vô gia cư. Trong khi đây là đối tượng tham gia trực tiếp vào tình trạng chèo kéo, đeo bám khách. |
Đó cũng là lý do, những công ty lữ hành lớn quản lý chặt HDV và có những khuyến cáo với khách hàng ngay từ lúc mua tour. Như Vietravel có hẳn khuyến cáo với du khách khi đi những điểm du lịch hành hương phía Bắc: “Đối với dịch vụ bán hàng rong, mỗi nơi bán một giá khác nhau, khách mua nên trả giá xuống 70%, nếu không mua phải kiên quyết từ chối nếu không muốn bị đeo bám. Tại khuôn viên đền chùa, không đổi tiền lẻ của những người mời chào vì sẽ mất phí”. Anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho hay: “Chúng tôi đưa ra khuyến cáo này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp bảo vệ du khách, đồng thời trong hành trình, HDV phải thông tin đầy đủ về tình trạng điểm đến, dịch vụ tại các nơi để du khách đề phòng”.
Anh Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn cho biết: Để giải quyết tình trạng chèo kéo, chặt chém khách, các doanh nghiệp lữ hành lấy chữ tín làm đầu đều yêu cầu HDV phải thường xuyên cảnh báo du khách. Đơn cử tình trạng khách bị “chặt chém” về giá như mua 1 con cá giá vài triệu đồng tại Hạ Long thường gặp ở khách nội địa và Trung Quốc, khách Đông Nam Á mua tour với giá thấp, dẫn đến tình trạng HDV móc ngoặc với cơ sở dịch vụ làm tiền du khách. Tuy nhiên, với dòng khách Âu thì hiện tượng này rất ít xảy ra, vì nếu xảy ra sự cố, khách phàn nàn HDV sẽ bị hủy hợp đồng.
Để ngăn chặn tình trạng này, bản thân các doanh nghiệp du lịch phải ngồi lại với nhau để cùng đưa ra mức giá sàn và thể hiện vai trò liên kết của từng hiệp hội ngành nghề trong du lịch để có những biện pháp loại bỏ những vấn nạn trong kinh doanh, sự tiếp tay để làm tiền du khách.