Vào mỗi dịp cuối thu đầu đông, hình ảnh mảnh đất thân thương nơi địa đầu phía Bắc Tổ quốc đều hiện lên chủ yếu vẫn là đá núi với một màu xám xịt, khô cằn, thiếu nước sinh hoạt. Nhưng tại sao khách du lịch lại tìm đến Đồng Văn, Mèo Vạc lại đông hơn các mùa khác trong năm. Phải chăng nơi đây có sức hút diệu kỳ nào đó. Đi tìm lời giải này, tôi được biết hầu hết các đoàn du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ đi theo hình thức “Phượt” đều muốn khám phá loài hoa tam giác mạch. Ai cũng muốn thưởng thức và chụp cho mình bức hình đẹp về loài hoa này để làm kỷ niệm.
Vào mỗi dịp hoa nở, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, đặc biệt là giới trẻ. |
Hoa tam giác mạch chủ yếu được trồng trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, ở giữa một hạt mạch quý. Những tay lá bé bỏng cũng mơ hồ ba góc xanh xanh. Đồng bào Mông thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt. Mùa hoa tam giác mạch nở hàng năm cũng là thời gian có khí hậu mát mẻ, khô ráo, mới đầu hoa nở thì có màu trắng, sau chuyển sang màu hồng nhạt và cuối cùng là màu đỏ sậm. Hoa tam giác mạch khi nở thường kéo dài từ 20 - 25 ngày mới tàn. Tuy nhiên, do năng suất thấp và được trồng chủ yếu để làm bánh trong thời gian nông nhàn nên cây này không được trồng nhiều.
Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành kết luận chỉ đạo UBND huyện xây dựng Kế hoạch quy hoạch vùng phát triển cây tam giác mạch phục vụ du lịch trên địa bàn, từ năm 2014 với quy mô 10 ha, trồng tại 6 xã nằm dọc trên quốc lộ 4c và tỉnh lộ 176, gồm: Pải Lủng, Pả Vi, Tả Lủng, Sủng Trà, Sủng Máng và thị trấn Mèo Vạc. Bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 9/2014 với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, “nhà nước hỗ trợ bình quân cho mỗi ha là 4,5 triệu đồng gồm giống, phân bón tổng hợp NPK và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng; nhân dân đóng góp đất đai, ngày công lao động và phân chuồng”. Sau khi trồng, cây mọc được từ 5 - 7 cm, các xã, thị trấn tiến hành nghiệm thu và báo cáo UBND huyện phê duyệt cấp kinh phí. Đến khi cây ra hoa, người dân sẽ được quyền thu phí của du khách có nhu cầu tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Ông Hứa Đình Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc cho biết: “UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các tổ công tác xuống họp bàn, làm việc cụ thể với 6 xã, thị trấn thống nhất cách làm. Sau đó, tổ chức cho nhân dân đăng ký tham gia trồng”. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện còn cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân từ khâu làm đất, cách gieo trồng, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, kịp thời vụ để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Kết thúc mùa vụ, các xã, thị trấn đôn đốc nhân dân thu hoạch bảo quản hạt giống chuẩn bị cho vụ sau, đồng thời huyện sẽ có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm hạt tam giác mạch của nhân dân trồng theo giá thị trường. Vì vậy, sẽ động viên khuyến khích nhân dân yên tâm sản xuất và phát triển trồng cây tam giác mạch phục vụ du lịch hiệu quả hơn.