Mẫu Sơn, 'nàng công chúa' ngủ trong rừng

Nhắc đến Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiều người nhớ ngay đến hình ảnh tuyết rơi vào mùa đông giá rét.


Mẫu Sơn được biết đến là khu nghỉ dưỡng từ thời Pháp thuộc với hàng chục ngôi nhà cổ được xây dựng, bây giờ bị bỏ hoang. Người Pháp khá tinh tường trong việc chọn các điểm du lịch nghỉ dưỡng trên núi như Tam Đảo, Sa Pa, Mẫu Sơn…


Trong khi các điểm du lịch khác được đầu tư và thu hút đông du khách thì Mẫu Sơn lại “buồn tẻ”, vì thế mà nhiều người làm du lịch ví Mẫu Sơn như “nàng công chúa” ngủ trong rừng.


Khu du lịch Mẫu Sơn nhìn từ trên cao.

 

Mẫu Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 180km và cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 30km về phía đông. Vùng núi Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình có tổng diện tích hơn 10.740 ha, trong đó có 5.380 ha đất lâm nghiệp và 1.543 ha rừng nguyên sinh, với nhiều loại cây quý hiếm. Khu du lịch Mẫu Sơn được quy hoạch trên đỉnh “núi cháu” cao 1.200 m (chứ chưa phải là “núi cha” hay “núi mẹ” cao 1.500m).


Nhiều khu nhà nghỉ bị bỏ hoang.


Tiềm năng là vậy nhưng lượng khách đến và nghỉ tại đây còn khiêm tốn. Ông Vi Minh Phúc, chuyên viên Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết: Khách du lịch đến Mẫu Sơn khoảng 70.000 lượt khách mỗi năm. Khách chủ yếu là dân trong vùng và họ ít khi nghỉ lại qua đêm, khách đoàn lên cũng chỉ nghỉ lại một đêm là xuống chứ không lưu lại nhiều ngày, dịch vụ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.


Đến khu du lịch Mẫu Sơn, đi lòng vòng khoảng 30 phút là hết các điểm. Giá trị nhất khi đến đây là không khí an lành, chẳng thế mà những ngày hè, khi tại TP Lạng Sơn, có những hôm nắng nóng 36-38 độ C, nhưng lên đỉnh Mẫu Sơn mát mẻ, nhiều hôm mây phủ trắng xóa.


Nhiều người nói vui lên Mẫu Sơn để được hít khí trời, vờn mây, đó cũng là lý do mà du khách đến đây chủ yếu là các bạn trẻ. Đại diện Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết, du khách trong vùng khi đi du lịch quan niệm rằng, lên đến Mẫu Sơn không chỉ trải nghiệm với không khí trong lành mà họ còn cho đây là nơi giao hòa đất trời, lên để được tiếp thêm sinh lực. Đó là lý do mà nhiều du khách lên đây ít nhất một lần trong năm.


Lý do du khách ít lưu trú lại là do Mẫu Sơn chưa có những nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Không có nhà nghỉ tiêu chuẩn nên đêm xuống du khách lại về TP Lạng Sơn nghỉ. Sau phong trào đầu tư rầm rộ những năm 2000, hiện nay số nhà nghỉ bị bỏ hoang ở Mẫu Sơn cũng tương đương số nhà nghỉ còn hoạt động.


Mẫu Sơn vốn có hơn 20 biệt thự do người Pháp để lại, nhưng đến nay chỉ còn rất ít biệt thự được “tiếp quản”, trong đó có nhà Chín Gian. Tòa nhà này có những phòng ngủ cao rộng và khuôn viên đẹp, lẽ ra sẽ là nơi nghỉ qua đêm lý tưởng, nhưng với tình trạng xuống cấp như hiện nay khiến du khách lo ngại: Nhiều cánh cửa bị mất nan, được bịt tạm bằng bìa cứng; tường vôi lở lói, vỡ ra từng mảng...


Ngay cả những nhà nghỉ còn hoạt động thì hầu hết cũng trong tình trạng rêu phong, ẩm mốc bởi mỗi năm Mẫu Sơn có tới bốn tháng nồm liên tục (từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau).


Sáp ong và chanh rừng - đặc sản của Mẫu Sơn.


Bên cạnh những yếu kém về hạ tầng du lịch, Mẫu Sơn còn kém về quảng bá xúc tiến. Đây đang là lực cản để Mẫu Sơn trở thành điểm đến thường xuyên của du khách. Lên Mẫu Sơn, du khách có thể tham quan cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu những giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng. Điều đáng chú ý là ẩm thực


Mẫu Sơn với gà sáu cựa và ếch hương. Gà sáu cựa là giống gà ở bản Đán Khao, một bản người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn, nên còn được gọi là gà Lục Trảo Đán Khao (gà sáu móng vùng Đán Khao). Thoạt nhìn, gà sáu cựa giống như loài gà ri, gà rừng. Tuy nhiên, nét riêng là có 6 móng màu vàng óng, dài và có vuốt nhọn. Gà sáu cựa có thể chế biến nhiều món như nấu cháo, luộc. Thịt gà chế biến món gì cũng chắc và ngọt. Gà dù to nhưng thịt không dai, món ăn mang đậm hương vị miền biên ải là gà nướng mật ong.


Một đặc sản khác ở Mẫu Sơn là ếch hương. Đây là một loài ếch đặc biệt quý hiếm, có giá trị ẩm thực và kinh tế cao. Ếch hương sống trong hang hốc, ven các khe suối của xã Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Giống ếch này không khác gì các loại ếch thông thường nhưng chúng có cặp đùi béo mập lớn hơn ếch đồng. Với khả năng biến đổi màu sắc để trốn tránh kẻ thù, có những con khi bắt lên có màu xanh như rêu, nên còn có tên là ếch xanh.


Ếch hương được bán với giá khoảng 100.0000 đồng/kg. Thịt ếch trắng và rất thơm ngon, đặc biệt không hề có mùi tanh, kể cả khi đã nguội. Người ta còn dùng thịt ếch hương để nấu cháo, ngon và thơm không kém gì thịt gà. Nếu muốn, bạn có thể gọi ếch xào với su su, ếch lăn bột, ếch nấu chuối đậu cũng là những cách chế biến đơn giản mà hấp dẫn, được ưa chuộng nhất là món ếch chiên giòn.


Từ khi khu du lịch Mẫu Sơn hình thành, nhiều người dân trong vùng thường mang đặc sản đến bán, nhất là chanh rừng muối (chống ho), rượu và chuối lá để ngâm rượu, mật ong và sáp ong, chè, măng tươi, ngải cứu.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hiện vẫn ở dạng tiềm năng. Với cảnh quan và khí hậu quanh năm mát mẻ, nhất là sự độc đáo vào mùa đông, Mẫu Sơn là nơi rất hiếm ở Việt Nam có tuyết rơi, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Nhưng những năm qua, Mẫu Sơn vẫn giậm chân tại chỗ và chưa hình thành phát triển khu du lịch cao cấp để tạo sức hút đối với khách du lịch.


Với văn hóa của cộng đồng các dân tộc và những sản phẩm hàng hóa, Mẫu Sơn hoàn toàn tạo được sản phẩm hấp dẫn. Do đó tỉnh Lạng Sơn sớm có quy hoạch khu vực Mẫu Sơn thành dự án tổng thể và từ quy hoạch đó xây dựng các quy hoạch chi tiết. Khu du lịch Mẫu Sơn nên hình thành một không gian kiến trúc phù hợp với tiềm năng rất lớn như thế này.



Bài và ảnh: Hồng Lĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN