Ở đây có một thôn đảo cùng tên gọi Bình Hưng, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh. Tựu trung của lời khen tặng là đảo Bình Hưng vẫn tinh khôi, trong trẻo, tha hồ trải nghiệm. Tôi quyết định ra Bình Hưng để xem sự “cám dỗ” thế nào khi nơi đây có chí ít trên hai năm dường như là địa chỉ du lịch “ngoài luồng” trong hệ thống quản lý của ngành du lịch địa phương. Đáng nói nữa là cách làm du lịch kiểu tự phát nơi đây quả tình lợi...bất cập hại.
Một hòn ngọc thôTrước đây, dân đảo Bình Hưng muốn vào đất liền phải mất hàng giờ băng tàu xuyên qua vịnh Cam Ranh. Kể từ năm 2015, khi tuyến đường liên tỉnh ven biển dài 106 km, nối liền hai tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa hình thành, muốn đến Bình Hưng chỉ cần đi tàu từ bãi Kinh thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận với hải trình chừng nửa hải lý, mất độ 10 phút chạy tàu. Khó khăn về giao thông suốt một khoảng thời gian dài khiến Bình Hưng vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị của một thôn đảo. Nay thì khác.
Tôi thức giấc lúc 5 giờ sáng trên đảo. Trước tôi, người dân đã đưa hàng hóa, phương tiện ra khu vực trước bến tàu để chuẩn bị cho một ngày làm ăn với du khách. Ngoài kia, biển lấy lại sự bình yên vốn có. Không được lâu, đã nghe thấy tiếng máy tàu ù ù rồi vọng to dần, tàu cập bến, một tốp du khách nói giọng Nam Bộ bước lên cầu cảng.
Tiềm năng về du lịch biển đảo của Khánh Hòa chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Qua đối thoại rôm rả giữa họ, tôi hình dung được đoàn xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh vào buổi tối hôm trước để có mặt tại đảo lúc này. Đang là chủ nhật, những bản tin dự báo thời tiết mấy ngày qua cho biết áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến thời tiết biển và cả đất liền trên diện rộng ngay trong ngày. Sự háo hức của họ khi có mặt trên đảo lúc bình minh này, dường như nơi đây đang là thiên đường, mặc nền trời đang xám xịt mây. Nhóm du khách tản ra theo các ngả dẫn vào các nhà nghỉ, khách sạn.
Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động du lịch tự phát. |
Lát sau, khu vực gần các cầu cảng dần nhộn nhịp bởi các hàng quán bán điểm tâm buổi sáng, lướt qua chỉ thấy toàn những món ăn dân dã, nhưng mùi thơm của hải sản sực nức, lôi kéo nhiều thực khách dừng chân. Tô bún chả cá nóng hổi và ngọt ngào hương vị biển, chị chủ quán tính 15.000 đồng, khiến du khách cảm nhận được sự thân thiện, thực lòng của người dân đảo. Tôi bắt chuyện một nhóm khách Hà Nội đang ngồi ăn cùng và nắm được lịch trình của họ. Cả nhóm vào Nha Trang nhưng chỉ lưu lại một ngày, rồi háo hức ra đây ngay và dự tính còn sang đảo Bình Ba, cách đảo này một giờ tàu chạy.
Trưởng thôn Bình Hưng Huỳnh Văn Lưu không tham gia làm du lịch, ông vẫn kiên trì nghề nuôi tôm hùm. Gặp được ông, tôi rõ thêm chuyện người, chuyện đảo. Bình Hưng có diện tích chưa đầy 2 km2, nhưng phần lớn là núi, chỉ có vài bãi cát mà các bậc tiền nhân tìm thấy và dừng chèo để lập nghiệp hơn 90 năm về trước. Thôn hiện có 375 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu, xưa nay dựa vào nghề đánh bắt hải sản làm kế sinh nhai. Hơn 10 năm qua nhờ thêm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng từ đảo Bình Ba lan sang đây mà không ít người trở nên khá giả.
Còn làm du lịch thì chỉ mới khởi động vài năm gần đây, xuất phát từ sự “phát hiện” của dân phượt, sau đó được lan truyền trên mạng, khiến du khách tấp nập tìm đến. Chính sự tự phát làm mọi việc trở nên khó kiểm soát, mạnh ai nấy làm du lịch, phá vỡ sự thanh bình cố hữu của đảo. Đến lúc này, cả thôn có khoảng một phần ba số hộ tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch: nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng nổi, xe điện chở khách, tàu đưa khách qua đảo tham quan…
Bà Đào Thị Hồng, 46 tuổi, chủ nhà nghỉ Hồng Nhàn mà tôi đang lưu trú chắc hẳn là người ăn nên làm ra bằng sự nhạy bén từ vài năm trước, khi mở nhà nghỉ này trong hẻm nhỏ gồm 9 phòng, rồi lần lượt dựng thêm nhà hàng nổi và đầu năm nay là đưa vào hoạt động khách sạn mới xây 4 tầng trước mặt bến tàu với mức đầu tư 11 tỷ đồng…
Dạo quanh bến tàu, tôi ghé vào quán nước mía dã chiến dựng tạm bằng lều của chàng trai tên Nguyễn Văn Út, 26 tuổi, chưa vợ. Chàng trai xác nhận nghề đi biển dạo trước của mình bằng cánh tay rắn rỏi và làn da ngăm. Út nói rằng quán nhỏ này giúp anh có mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng, không vất vả, nguy hiểm như cả chục năm làm bạn ra khơi, bám theo hết con tàu này đến con tàu khác. Với lại biển bây giờ khô khan lắm, tôm cá chẳng còn bao nhiêu.
Và những “vết xước”Công ty Cổ phần Thành Trung - Ninh Thuận đang triển khai một dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại bãi Kinh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Trớ trêu thay, con đường ngắn nhất ra đảo Bình Hưng phải băng qua khu du lịch này để đến điểm xuất phát bằng tàu. Chủ đầu tư đã không ngần ngại tận dụng “yếu điểm” nói trên để thu tiền du khách qua Bình Hưng bằng vé vào cổng, mỗi lượt 20.000 đồng. Chuyện không chỉ làm du khách bức xúc, mà người đảo Bình Hưng phải cay đắng chấp nhận, mang tiếng xấu là du khách qua đảo Bình Hưng bị thu tiền vé.
Trên đảo có dịch vụ chở du khách tham quan bằng xe điện. Điểm đến duy nhất là ngọn hải đăng Hòn Chút nằm trên đỉnh đảo, trực thuộc quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ. Điều khá lạ là trong khuôn viên của trạm hải đăng, đập vào mắt của du khách là bảng thông báo: “Khách vào tham quan chụp hình 10.000 đồng/lượt”, kèm với dòng chú thích bên dưới: “để phục vụ vệ sinh môi trường”. Khi tôi đến, một nhân viên của trạm, không có bảng tên, ra chặn đường thu tiền vào tham quan. Tôi hỏi: “Anh có vé hay giấy thu tiền không?”. Người này trả lời: “Chỉ là phí để vệ sinh môi trường, nên không có vé đâu”. Lẽ ra chuyện “té nước theo mưa” này phải được chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện để kịp thời chấn chỉnh.
Tôi ra nhà hàng bè nổi có tên “Hải Đảo” để mục sở thị một trong những “điểm nhấn” đón khách của Bình Hưng với hàng chục nhà bè như thế, đặt rải rác trên biển. Hải sản tươi sống vẫn bơi lội trong những khoang lộ diện tại một góc bè để thực khách tham quan và lựa chọn. Theo sự am tường có hạn, tôi chỉ có thể biết vài loại có giá rẻ hơn nhiều so với Nha Trang. Nhất là tôm hùm, đặc sản được nuôi ở đảo và lúc này “lên bàn” có giá từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, khi vào nhà vệ sinh trên bè, tôi phát hiện không có hệ thống xả nước. Hỏi chuyện, chị làm bếp tiết lộ: nước tiểu, nước thải trong quá trình chế biến thức ăn xả thẳng ra biển, chỉ khi hết khách trong ngày, nhân viên mới dọn vệ sinh. Bè nào cũng thế cả.
Trở lại câu chuyện với trưởng thôn Huỳnh Văn Lưu, điều ông lo ngại nhất là môi trường của đảo có dấu hiệu bị ô nhiễm. Rác thải hàng ngày gia tăng theo mức tịnh tiến số du khách, mà có ngày lên đến hàng nghìn lượt. Dù mỗi ngày rác được gom và đưa lên bãi chứa nằm ở một góc khuất lưng chừng đảo, biện pháp duy nhất là thỉnh thoảng đốt đi, nhưng hậu quả lâu dài thế nào ông không đoán được.
Rồi rác thải từ các nhà hàng nổi, của những du khách vô tâm trên bờ không kiểm soát hết, khiến vài nơi dậy mùi xú uế, hoặc trôi lềnh bềnh trên mặt biển khiến nước không còn trong xanh như ngọc, ít nhiều ảnh hưởng đến việc nuôi tôm hùm. Điều này khá quan trọng, khi mà nghề nuôi tôm hùm vẫn là mũi nhọn của địa phương, nằm trong kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Ông cho biết: Cả xã Cam Bình có khoảng 4.000 lồng tôm, bên đảo Bình Ba nhiều hơn phân nửa, bên Bình Hưng có nhiều hộ thu lãi vài ba tỷ đồng/năm, còn bình thường cũng dư dả năm bảy chục đến vài trăm triệu mỗi hộ.
Dù lưu lại Bình Hưng không nhiều, nhưng tôi cũng tận mắt chứng kiến những bất cập trong cách làm du lịch của dân đảo lúc chập chững vào nghề. Tình trạng không có bảng giá, tự nâng giá phòng vào những ngày cao điểm dịp cuối tuần, khiến giá phòng trọ bình dân ở đây ngang với cả khách sạn hai sao ở thành phố Nha Trang. Hay chuyện du khách lên tàu không thèm mặc áo phao cứu sinh diễn ra nhan nhản, mà không ai kiểm soát, kiểm tra…
Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến hoạt động du lịch tự phát. Trước đó, đảo Bình Ba, điểm Mũi Đôi - Hòn Đầu… từng làm huyên náo cộng đồng mạng lẫn ngoài thực tế. Bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, phân trần: “Chúng tôi thực sự rất ái ngại trước những diễn biến của hoạt động du lịch tự phát. Du khách cứ tự thuê phương tiện để đi đến những điểm mới, rồi lại truyền qua mạng xã hội tạo nên những cơn sốt”.
Còn theo quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, là không thể cấm hoạt động du lịch tự phát, nhưng nơi nào có sự tăng trưởng nóng và nằm ngoài quy hoạch du lịch của tỉnh thì các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Việc trở nên nghiêm trọng đối với Bình Hưng là gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ngày 22/9/2015, ban hành Quy chế bảo đảm an ninh, an toàn Căn cứ Quân sự Cam Ranh. Trong đó tại mục 4 điều 37 quy định: “Riêng khu vực Mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch”.