Kích cầu du lịch – không thể chạy theo phong trào

Hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, hiện nhiều tỉnh thành phát động chương trình kích cầu du lịch thu hút đông khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính cũng đã xuất hiện những đơn vị bán tour giá rẻ, cắt xén dịch vụ, lừa đảo khách hàng.

Mua theo combo (gói) du lịch

Sau giãn cách xã hội do dịch COVID-19, từ đầu tháng 5, hoạt động du lịch trên cả nước đã khởi động trở lại với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động và chương trình kích cầu du lịch nội địa của Hiệp hội du lịch Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) thu hút đông khách du lịch nội địa.

Các tour, combo (gói dịch vụ) du lịch kích cầu nội địa đang hâm nóng thị trường trong nước khi du lịch nước ngoài chưa mở cửa. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour cho biết: Combo đang trở thành thuật ngữ phổ biến trong kinh doanh du lịch thời điểm này và sẽ phát triển thời gian tới. Đây là loại hình được những người có kinh nghiệm đi du lịch lựa chọn và bán rất chạy tại thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đã Nẵng. Trong khi đó với những tỉnh thành khác, đa phần người dân vẫn chọn mua theo tour trọn gói. Đơn cử như chặng bay Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột hay Thanh Hóa – Đà Lạt tại chi nhánh Vietrantour tại Thanh Hóa luôn đông khách, bình quân mỗi tuần 2 đoàn khởi hành.

“Bán dịch vụ theo gói combo đang trở nên đắt khách do nhiều gia đình và nhóm bạn bè muốn được thoải mái đi du lịch. Do đó, gói combo chủ yếu vẫn là khách sạn và vé máy bay, bên cạnh đó khách đặt dịch vụ lẻ nào như hướng dẫn viên theo ngày nhất định, xe đưa đón tiễn sân bay... thì lúc đó các doanh nghiệp sẽ tư vấn và cộng thêm các dịch vụ lẻ theo yêu cầu”, bà Nguyễn Thị Huyền nhận định.

Bên cạnh đó, các tuyến điểm du lịch biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… cũng đã khởi động lại từ cuối tháng 5 và tăng dần vào tháng 6. Dự báo tháng 7, tháng 8, lượng khách tiếp tục tăng khi khối học sinh tiểu học và trung học cơ sở nghỉ hè. Điều này thấy rõ qua việc tăng giá vé của các hãng hàng không trong 2 tháng tiếp theo, nhất là giá vé tăng cao vào cuối tuần.

Cùng với một số chương trình combo, một số đơn vị lữ hành cũng tạo dựng sản phẩm mới. Đơn cử như Tiên Phong Travel liên kết với một số đơn vị và Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội tổ chức chương trình thuê trọn chuyến du lịch (phương tiện tàu hỏa) bắt đầu từ 1/7 đi Quảng Bình (3 ngày 4 đêm) với giá khoảng 2,9 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ chào bán hàng loạt tour đường bộ như: Hà Nội - Sa Pa (3 ngày 2 đêm) với giá 1,8 triệu đồng/người; Hà Nội - Mộc Châu (2 ngày 1 đêm) có giá 1,3 triệu đồng/người...

Trong khi đó, một số đơn vị dịch vụ tại Hà Nội cũng giới thiệu làm mới sản phẩm kích cầu du lịch. Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), đơn vị ra mắt sản phẩm tour mới dành cho du khách từ 60 tuổi trở lên tại khu nghỉ dưỡng tại Tản Đà resort. Bên cạnh đó, Hanoitourist cũng giới thiệu chương trình mới "Kỷ niệm 1010 năm Hà Nội" với các điểm đến ý nghĩa như khám phá Hoàng thành Thăng Long, tour trải nghiệm đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò….

Xuất hiện tour giá rẻ lừa dối khách hàng

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Tour kích cầu có sự cam kết giảm giá của hàng không và các đơn vị dịch vụ mặt đất theo từng thời điểm nhất định. Các chương trình này phải có sự đăng ký tham gia của các thành viên và có sự giám sát của hiệp hội du lịch và dịa phương". 

Bên cạnh những chương trình kích cầu thực sự với giá hấp dẫn thì trên thị trường lại tái xuất hiện doanh nghiệp du lịch trục lợi, quảng cáo sai sự thật và bán những sản phẩm tour giá rẻ chất lượng dịch vụ kém cho du khách.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn khách tham quan vùng Tây Sơn thượng đạo tại thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Ch’ro của tỉnh Gia Lai.

Theo các chuyên gia du lịch, hiện tượng tour giá rẻ kém chất lượng nhắm vào tâm lý ham rẻ của du khách của một vài doanh nghiệp du lịch cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá một cách vô tội vạ, phá giá thị trường. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng cho biết: Các đơn vị dịch vụ  này thường cắt bớt dịch vụ như để chương trình có nhiều ngày tự do, tự túc đồng nghĩa cắt bớt các bữa ăn để khách tự lo, giờ bay quá muộn, về quá sớm…

Thậm chí, có đơn vị mời chào tour giá rẻ nhưng sau khi khách đi thì nâng giá. Mới đây, tàu Hải Anh 10 QN-6018 đưa khách tham quan vịnh Hạ Long nâng giá quá cao so với giá hợp đồng ký trước đó đã bị UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) kiểm tra và ra văn bản đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến đối với tàu du lịch này trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 9/6. Đây là lời cảnh báo sự cạnh tranh không lành mạnh.

“Do đó, các địa phương, cơ quan quản lý về du lịch, Hiệp hội du lịch ở Trung ương và địa phương tham gia giám sát và xử lý nghiêm các hành động lừa dối khách hàng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Việt Nam. Đồng thời, cơ quan chức năng phải công khai danh tính các công ty, điểm du lịch, người làm du lịch có hiện tượng làm ăn chụp giật trên báo chí và trang web của cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch để du khách được biết, tránh xa”, ông Phạm Hải Quỳnh đề xuất.

Để tránh “vàng thau lẫn lộn”, trước tiên, du khách phải tự là người tiêu dùng thông thái như đọc kỹ nội dung chương trình, kiểm tra kỹ điều kiện ăn ở, ràng buộc trách nhiệm dân sự giữa hai bên khi ký hợp đồng đặt tour. Bên cạnh đó, khách lựa chọn đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức tour và được sự giám sát hoặc bảo lãnh của Hiệp hội du lịch và cơ quan quản lý tại địa phương.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Để không bị rơi vào tour giá rẻ kém chất lượng thì cần nhất là sự công khai minh bạch. Theo đó, nếu các đơn vị tham gia chương trình kích cầu thì niêm yết công khai mức giảm giá, thời gian giảm giá. Chương trình phải được giám sát để tuân thủ các dịch vụ đã ký kết. Để làm được điều này, các tỉnh khi phát động chương trình kích cầu cần có nội dung rõ ràng như giảm giá vé tham quan theo từng giai đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ để có thể giảm giá, gia tăng dịch vụ. Do đó, đã khởi động chương trình kích cầu tại địa phương phải có tính liên kết và có cam kết cụ thể về lượng khách, thời gian thực hiện.

“Thực tế, gần đây, nhiều tỉnh làm theo phong trào, tổ chức hội nghị, chương trình phát động nhưng không rõ đâu là sản phẩm mới, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để tạo động lực kích cầu. Chương trình phát động kích cầu của các tỉnh thành gần đây chỉ mang tính hình thức chung chung và tốn tiền ngân sách và đôi khi bị một số đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương lợi dụng treo biển kích cầu lừa dối du khách”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.

 

Bài và ảnh: XC/Báo Tin tức
Hà Nội là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư
Hà Nội là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư

Sáng ngày 27/6, Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN