Khai thác tiềm năng du lịch biển kết hợp di tích lịch sử tại Tiền Giang

Có tiềm năng về du lịch phong phú, biển Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đang được tỉnh Tiền Giang quan tâm, đầu tư khai thác để trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với những sản phẩm hấp dẫn du khách, góp phần giúp các huyện ven biển của địa phương phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích ảnh
Khách du lịch thích thú với nét hoang sơ của biển Gò Công. 

Du lịch sinh thái đặc trưng vùng biển

Vào những ngày này, bãi biển Tân Thành (khoảng 7 km, nằm trên bờ biển Gò Công dài 32 km) mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách đến tắm biển, thưởng thức hải sản. Khách đến khu du lịch Hàng Dương (ấp Cây Bàng, xã Tân Thành) để nghỉ ngơi, thưởng thức món nghêu luộc sả mang đậm hương vị biển phù sa, ngắm những chòi giữ nghêu mọc lênh khênh trên những đợt sóng nhấp nhô dạt vào bãi cát… Chị Lê Thị Hoài (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cùng hai con đến biển thư giãn để chuẩn bị bước vào năm học mới. Chị Hoài chia sẻ, gia đình tôi vẫn thường đến bãi biển Tân Thành để con có không gian vui chơi, gần gũi với thiên nhiên, giúp trẻ biết thêm về địa lý và vùng biển quê hương.

Bãi biển Tân Thành sở hữu đầy đủ những nét hoang sơ, quyến rũ thu hút du khách. Đến đây vào sáng sớm, khách du lịch có thể đi tản bộ trên cây cầu dẫn ra biển dài 300 m để ngắm bình minh hoặc ngắm trăng vào những ngày trăng tròn soi bóng xuống mặt nước biển lấp lánh. Anh Chu Minh Trường (công tác tại một tờ tạp chí ở Thành phố Hồ Chí Minh) lần đầu đến biển Tân Thành rất thích thú với vẻ hoang sơ cùng không khí trong lành nơi đây, nhất là cảnh những rẫy dưa hấu xanh mướt bạt ngàn được người dân trồng dọc theo bãi biển. Dưa hấu biển Gò Công do đặc thù trồng trên đất cát bãi bồi ven biển nên có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, ruột đỏ cát được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sau khi tắm biển, thưởng thức hải sản, du khách còn có thể đi thăm khu vực đê biển Gò Công dài 21 km (từ xã Tân Thành đến Vàm Láng). Đây là con đê biển được xây dựng kiên cố và cũng là đường giao thông nằm uốn lượn theo bờ biển. Khách du lịch sẽ càng “mãn nhãn” với hệ thống rừng ngập mặn được trồng ngoài bờ đê để bảo vệ nước biển xâm thực. Trong rừng ngập mặn này còn có nhiều loài chim, thú đặc trưng miệt biển và lượng hải sản phong phú như ốc hương, sam biển... Bên trong đê biển là những ruộng lúa, hoa màu tươi tốt…

Liên kết du lịch biển với di tích văn hóa lịch sử

Chú thích ảnh
Nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) còn lưu giữ nhiều vật dụng quý giá cổ xưa. 

Lượng khách du lịch đến với biển Tân Thành mỗi năm đều tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có khoảng 125.650 lượt khách, tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 70.320 lượt người. Để phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng của biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông đang tập trung phát triển theo mô hình du lịch sinh thái ngập mặn kết hợp với văn hóa lịch sử của vùng đất nổi tiếng vốn được mệnh danh “tứ linh nhân kiệt” từ xưa.

Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt có diện tích 80 ha; đã có 1 dự án được triển khai với tổng diện tích 11,6 ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vạn Bình An đầu tư, cơ bản hoàn thành các hạng mục chính đưa vào hoạt động. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch như: nâng cấp đường cặp đê láng biển ấp Cầu Muống, xã Tân Thành; xây dựng 158 m kè đê biển thuộc khu du lịch biển Tân Thành của Công ty Cổ phần du lịch Tiền Giang; xây dựng hoàn thành trên 1.300 m kè chắn sóng hướng từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Bình An đến Ban quản lý cồn bãi; đang xây dựng hệ thống đê biển cùng kè chắn sóng từ khu du lịch biển Tân Thành đến giáp xã Tân Điền khoảng 2.200 m.

Các khu du lịch sinh thái ở biển Tân Thành khi được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sẽ gắn với các tour du lịch đến các di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia (như: Lăng mộ Hoàng Gia, Đốc Phủ Hải, Trương Định…) hoặc tham quan các làng nghề truyền thống (như: làng nghề tủ thờ Gò Công, cơ sở sản xuất món ăn tiến cung nổi tiếng – món mắm tôm chà Gò Công)… Ngoài ra, trong tương lai, các tour du lịch đến với biển Tân Thành còn có thể nối kết với mô hình du lịch du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở các địa phương lân cận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông Lê Hồng Tâm cho biết, trong tương lai, để trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng trong tỉnh nói riêng cũng như Nam Bộ nói chung, huyện tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng của biển Tân Thành cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông lâm nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn. Địa phương chú trọng công tác phát triển “ngành công nghiệp không khói” qua việc mời gọi đầu tư để cùng huyện khai thác, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái biển theo hướng bền vững, đảm bảo đủ các yếu tố “xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường”.

Bài và ảnh: Hữu Chí (TTXVN)
Thúc đẩy phát triển vùng trung tâm của khu du lịch quốc gia Mũi Né
Thúc đẩy phát triển vùng trung tâm của khu du lịch quốc gia Mũi Né

Sáng 17/8, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa XI) tổ chức kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng và thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền. Đặc biệt, kỳ họp đã thông qua Nghị quyết sửa chữa, đầu tư 4 dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN