Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch Chim Cánh Cụt cho biết, tỉnh Hậu Giang có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang do nơi đây nằm trong trục xuyên tâm kết nối của vùng ĐBSCL. Chưa kể, Hậu Giang còn được xem là trung tâm lúa gạo của vùng và ở đó có rất nhiều câu chuyện xung quanh cây lúa, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch. Mặt khác, tỉnh còn có 16 di tích lịch sử cấp quốc gia, đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển sản phẩm du lịch giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ…
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Duy, hiện ngành du lịch Hậu Giang vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, xuất phát điểm còn thấp so với du lịch ở các tỉnh, thành trong vùng. Vì vậy, tỉnh cần phải đầu tư xây dựng, phát triển thêm các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng từ chính các sản phẩm du lịch sẵn có để tạo điểm khác biệt, tăng khả năng cạnh tranh cao nhằm thu hút nhiều du khách đến với tỉnh.
Trong khi đó, ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội cho biết, thời gian qua, du lịch Hậu Giang dù phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Hiệu quả kinh doanh du lịch thấp, mức chi tiêu bình quân mỗi khách khi đến Hậu Giang còn thấp so với mức bình quân chung toàn ĐBSCL; các sản phẩm du lịch của Hậu Giang thực sự còn nghèo nàn, chưa đa dạng và đặc biệt còn thiếu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương để thu hút du khách.
Các sản phẩm hiện nay phần lớn là du lịch sinh thái, sông nước... trùng lắp với hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của du lịch Hậu Giang thấp, thiếu sự hấp dẫn, giảm năng lực thu hút đầu tư vào ngành du lịch…
Theo các chuyên gia du lịch, tỉnh Hậu Giang còn gặp thách thức lớn là gần thành phố Cần Thơ - là trung tâm vùng ĐBSCL có sân bay quốc tế và khả năng kết nối với vùng cao. Du khách đến Hậu Giang chủ yếu là điểm dừng trên các tuyến du lịch của vùng ĐBSCL, chưa lưu trú dài ngày. Vì vậy, để Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, có thể giữ khách lại lâu hơn cần có những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác với các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Cà Mau... Chưa kể, đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh Hậu Giang đều có quy mô vừa và nhỏ, chưa chủ động trong việc tìm kiếm thị trường nên cũng khó giữ chân du khách ở lại dài ngày.
Theo ông Trần Tường Huy, muốn khắc phục các hạn chế trên, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Bởi du lịch là ngành liên kết, mỗi địa phương sẽ có những thế mạnh và nguồn lực phát triển khác nhau và khi liên kết các tỉnh sẽ khai thác được các thể mạnh đó, tránh được việc cùng xây dựng các sản phẩm du lịch trùng lắp, gây nhàm chán cho du khách...
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cần có các giải pháp nhằm phát huy chuỗi giá trị du lịch bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch tại địa phương. Chẳng hạn, tỉnh có thể chọn các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch đường thủy… là các sản phẩm thế mạnh để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu đến đông đảo du khách.
Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, hiện ngành du lịch được xem là một trong 4 trụ cột để phát triển kinh tế, vì vậy lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư khi có vướng mắc. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông gắn kết với các điểm, dự án, quy hoạch du lịch như: Quốc lộ 61B, Quốc lộ 1 - đoạn đi qua tỉnh Hậu Giang, đường tỉnh 926B, 927C; dự án Bến tàu du lịch Xà No...
Đặc biệt, tỉnh cũng tiếp tục chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trên địa bàn với 4 nội dung gồm: Đầu tư xây dựng khách sạn; xây dựng nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, quà tặng du lịch, quà lưu niệm Hậu Giang; xây dựng khu mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phát triển du lịch cộng đồng.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hậu Giang, hiện nay tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng, văn hóa. Toàn tỉnh có hơn 20 điểm tham quan du lịch, phân bố rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến nơi đây. Một số điểm tham quan du lịch được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Công viên giải trí Kittyd & Minnied, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Bảo Gia Farm Camping, vườn dâu Thiên Ân, Bamboo Garden, trang trại sữa dê Ngọc Đào, homestay Mương Đình, homestay Miệt Vườn, tàu du lịch trên kênh xáng Xà No...