Ở "vương quốc hoa" Đà Lạt - Lâm Đồng, ai cũng biết, cũng tự hào về hai loài hoa phượng có một không hai trên cả nước. Hẳn trong những người yêu hoa, không phải ai cũng biết những điều thú vị về hai loài hoa phượng lạ ở xứ sở sương mù.
* Lãng mạn loài phượng tím
Những người đầu tiên biết đến loài phượng tím ở Đà Lạt trong 40 năm qua, kể từ 1962 không thể quên mỗi dịp cận Tết, trên nhiều tuyến phố, vườn hộ gia đình ở xứ hoa man mác một màu phớt tím của loài phượng yêu kiều. Phượng tím là một loài hoa thân gỗ, lá kép hai lần, tương tự như hoa phượng đỏ, khác chăng chỉ ở màu tím của hoa. Cây hoa phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia thuộc họ Bignoniaceae, nó còn có tên khác là J.mimosifolia, hay J.ovalifolia. Hoa phượng tím có nguồn gốc từ Brasil (có tài liệu cho là ở Bôlôvia), được trồng nhiều ở các nước thuộc Nam Mỹ, châu Phi để làm cây bóng mát ven đường hay trong các công viên. Tùy theo môi trường sống, phượng tím có thể cao từ 3 đến 10 mét, đường kính tán lá thường giao động từ 3 đến 7 mét. Mỗi cành lá dài từ 40 đến 50 cm, có lông tơ và mọc thành từng chùm. Thời gian từ khi hoa ươm nụ đến khi tàn rụng thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Các chùm hoa ở đầu cành lại tiếp tục nở ra một đợt hoa mới. Vì vậy, mà phượng tím có hoa nở thường xuyên trong vòng 4 đến 5 tháng.
Phượng tím. Nguồn: Internet. |
Trước đây, do điều kiện để nhân giống loài hoa này còn nhiều khó khăn nên cả Đà Lạt chỉ còn tồn tại vài ba cây. Trong đó, cây phượng tím trước chợ Đà Lạt có lẽ là một trong những cây hoa phượng tím cổ thụ hiếm hoi tồn tại đến bây giờ. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, phượng tím đã trở thành một loài hoa được trồng khá phổ biến ở Đà Lạt. Tuy nhiên, cây phượng tím ở trước chợ Đà Lạt vẫn là một cây có hình dáng đẹp nhất ở thành phố hoa này. Cây phượng tím này không chỉ “cổ” nhất mà còn có một “giá trị độc lập”, nó không lẫn vào bất cứ một cây cùng loài nào. Giữa một rừng phượng tím, người ta vẫn nhận ra nó. Bởi, nó chính là cây duy nhất còn lại trong bốn cây phượng tím đầu tiên có mặt ở phố núi.
Sự tồn tại của cây phượng tím già như một hình ảnh để nhắc nhở rằng loài cây quý này có mặt ở Đà Lạt gắn liền với tên tuổi người kỹ sư canh nông đã quá cố cách đây mấy năm. Đó là ông Lương Văn Sáu, người góp công đưa những giống hoa quý, hoa lạ về làm phong phú thêm cho “vương quốc hoa”. Ngắm màu hoa phượng tím, người dân phố núi lại nhớ về ông. Ông Lương Văn Sáu là một kỹ sư chuyên về hoa, tốt nghiệp trường Canh Nông ở Versailles (Pháp), một trong vài người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa Đà Lạt vào năm 1962. Điều đặc biệt nhất, ông chính là người đầu tiên đưa loài phượng tím có nguồn gốc từ châu Mỹ về trồng ở Đà Lạt. Các tài liệu thực vật học phân loại hoa độc đáo này vào loại hoa quý, nhưng mãi đến đầu năm 1994, người ta mới thật sự biết đến như là một bí mật về hoa Đà Lạt được khám phá. Tết này, dù người kỹ sư này đã trở thành người thiên cổ nhưng người yêu hoa, người trồng hoa Đà Lạt không bao giờ quên ông. Bởi, cũng từ tình yêu xứ sở, ông đã mang về cho vùng đất lạnh thêm một loài hoa có thương hiệu riêng trong lòng người.
* Tháng ba phượng trắng đơm hoa
Không thua kém về sự độc đáo của phượng tím, cây phượng trắng duy nhất ở Đà Lạt và cả ở Việt Nam của tiến sỹ sinh học Hà Ngọc Mai ở vườn nhà số 9 đường Phù Đổng Thiên Vương cũng mang theo mình nhiều điều thú vị. Chúng tôi đến đây những ngày đầu tháng 1, tiến sỹ Ngọc Mai niềm nở nhưng tiếc nuối: “Phải chi các cháu chờ tới tháng 3 hẵng về, cây này chỉ nở hoa trong dịp ngày Quốc tế phụ nữ kéo dài cho đến hết tháng 5 hằng năm”. Lỡ một lần ngắm màu trắng sứ của loài phượng độc đáo này nhưng chúng tôi lại được biết thêm nhiều thông tin về một loài cây hiếm và quá trình “nhập nội” của nó.
Phượng trắng. Nguồn: Internet. |
Tiến sỹ Hà Ngọc Mai kể rằng, mười bốn năm trước (1998), bà sang Sydney (Ôtxtralia) chăm con gái sinh con trong thời gian ba tháng, đó là lần đầu tiên bà biết về loài phượng trắng ở “xứ Úc”. Sau ba tháng ở Sydney, món quà mà bà tha thiết đã được con gái mua tặng mẹ với giá 25 USD đã theo bà về Đà Lạt trên một chuyến bay. Bà xem món quà này như “báu vật”. Đến năm 1992, sau bốn năm trồng ở xứ lạnh, cây phượng trắng mới trổ thưa thớt những chùm hoa đầu tiên, rất nhiều người dân, du khách yêu hoa đã đến chiêm ngưỡng, xin chụp hình. Nhưng hầu hết trong số họ đều nghi ngờ đây là loài phượng vĩ bình thường bị đột biến gen mới cho những chùm hoa trắng như cúc đại đóa hoặc màu hoa sứ như thế. Trên một số bản tin ảnh của các cơ quan truyền thông khi thông tin về loài hoa độc đáo này, cũng có người đã nói như vậy.
Chúng tôi đặt lại nghi vấn này, tiến sỹ Ngọc Mai khẳng định: “Là một tiến sỹ nghiên cứu sinh học, tôi khẳng định không hề có chuyện đột biến gen ở đây. Phượng trắng là một cây có nguồn gốc loài và đã được trồng rất nhiều tại Ôtxtralia, Thái Lan, Nhật Bản…”. Hiện tiến sỹ Ngọc Mai đã lấy hạt ươm thành công khoảng 200 cây phượng trắng đã đến tuổi trồng phổ biến. Như vậy, xứ hoa Đà Lạt lại sắp có một loài hoa “độc” được nhân giống đại trà. Sự lan tỏa này cũng bắt đầu từ niềm đam mê, từ tình yêu hoa và yêu quê hương xứ sở của một con người.
Sơn Tùng