Sản phẩm vẫn như cách đây 10 nămBà Sona, một du khách Pháp vừa mới trở lại Hà Nội, nhận xét: Du lịch Hà Nội vẫn như cách đây hơn 10 năm, với một số điểm tham quan chính là khu Lăng Bác- chùa Một Cột - Văn Miếu - khu phố cổ Hà Nội. Tối đi xem rối nước và dạo phố rồi đi ngủ.
Du khách đến tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Anh Lê Quang Đạo, một HDV lâu năm cho biết: So với 10 năm, thậm chí 15 năm trước các điểm đến chính trong các tour Hà Nội vẫn vậy. Vài năm gần đây thì có thêm điểm thăm quan Hoàng thành Thăng Long. Chỉ với khách có nhiều thời gian thì đơn vị du lịch bố trí thăm quan một số làng cổ tại Hà Nội, kết hợp đạp xe dã ngoại. Tuy nhiên, số lượng khách tham gia loại hình du lịch này không nhiều.
Trong dịp Hội chợ du lịch quốc tế VITM đầu năm 2016, Hà Nội đưa ra chương trình “Cảm xúc Hà Nội” được quảng bá rầm rộ. Chương trình vận hành từ tháng 6 nhưng theo ông Lương Duy Ngân, giám đốc Newstartour, trưởng nhóm xây dựng sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội”, tính đến nay mới bán được cho hơn 250 khách từ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Dù được quảng bá là sản phẩm mới, nhưng nếu xem kỹ hành trình “Cảm xúc Hà Nội” hầu hết là các điểm du lịch cũ: Thăm hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, các điểm du lịch Ba Vì… Tour cũng có những phần kết nối khác với Tràng An, Ninh Bình. “Điểm mới của tour này là đi qua con đường gốm sứ, nhưng thực tế con đường này có nhiều đoạn xuống cấp và mất vệ sinh. Hơn nữa con đường gốm sứ nằm trên trục giao thông chính, nên không thể dừng đỗ để tham quan, nên du khách cũng chỉ ngồi trên ô tô ngắm là chính”, một du khách chia sẻ.
Còn 2 điểm đến làng nghề là Bát Tràng và Vạn Phúc cũng khai thác phục vụ khách du lịch từ lâu. “Việc đưa khách đến đây chủ yếu là để mua sắm, còn trải nghiệm về tinh hoa làng nghề của Hà Nội gần như không có. Thực tế chương trình “Cảm xúc Hà Nội” chỉ là cái vỏ bề ngoài còn nội dung và điểm đến không mới”, anh Nguyễn Xuân Quỳnh, một HDV lâu năm chia sẻ.
Cần một chiến lược đầu tưVới lợi thế là đầu mối giao thông khu vực miền Bắc, lượng khách đến Hà Nội vẫn tăng trưởng bình quân 10%/năm; trong đó đạt 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 triệu lượt khách trong nước. “Tuy nhiên để khách ở lại Hà Nội là cả vấn đề. Hiện nay bình quân khách chỉ ở Hà Nội 2 ngày 1 đêm và chi tiêu rất hạn chế do thiếu dịch vụ. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch mới đây, việc Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung tuyên bố sẽ cho rà soát và cho phép mở cửa các điểm vui chơi giải trí sau 12 giờ đêm, sẽ tạo điều kiện cho các dịch vụ du lịch phát triển. Lợi ích rõ nhất là ở khu vực phố cổ Hà Nội”, ông Lại Văn Quân, đại diện Công ty du lịch Tam Sắc cho biết.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị hội thảo). Tuy nhiên, để tiềm năng biến thành sản phẩm du lịch cần có đầu tư. Do đó, Hà Nội đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, gắn với các chương trình, dự án của quốc gia và Hà Nội. Thành phố đang lựa chọn nhà thầu chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn - hồ Quan - hồ Tuy Lai. Hà Nội sẽ xây dựng từ 2 - 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế. TP sẽ xây dựng một số đường, phố, vườn hoa, tiểu cảnh... đặc sắc để thu hút, hấp dẫn khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã đi khảo sát, làm việc với 18 quận, huyện nhằm rà soát, tìm ra giải pháp phát triển du lịch tại các địa phương gắn với quy hoạch du lịch Thủ đô nói chung. Trong đó nghiên cứu hình thành sản phẩm du lịch chuyên đề hấp dẫn du khách.
Cùng với việc tạo dựng sản phẩm, Hà Nội cũng sẽ liên kết với các tỉnh du lịch trọng điểm trong cả nước như ký kết chương trình “Ba tỉnh, thành phố - Một điểm đến” với Quảng Ninh và Hải Phòng. Đồng thời Hà Nội ký chương trình hợp tác với Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh “Bốn TP - Một điểm đến”… “Việc ký kết chương trình hợp tác tạo điều kiện quảng bá hình ảnh của các tỉnh thành tới thị trường khách Hà Nội, đồng thời thu hút khách từ các tỉnh thành về với Thủ đô”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.