Hà Nội mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch - Bài cuối: Phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch

Hà Nội đặt quyết tâm cao để năm 2022 mở cửa từng bước, tiến tới mở toàn bộ hoạt động du lịch và coi đây là năm khởi động rất quan trọng để du lịch Thủ đô phát triển bền vững sau đại dịch. Ngoài các giải pháp, biện pháp trước mắt, thành phố đang định hướng giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành và các làng nghề nắm bắt thực hiện sớm.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long về đêm. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Tập trung cho thị trường khách nội địa

Hà Nội định hướng phát triển sản phẩm du lịch dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tập trung vào các khu vực trung tâm thành phố, ven đô và ngoại thành. Khu vực trung tâm thành phố ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di sản, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo) sản phẩm du lịch đêm. 

Khu vực các quận, huyện ven đô ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch MICE; du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

Khu vực ngoại thành ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh.

Theo định hướng trên, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy đó làm động lực để phục hồi; khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, theo lịch trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ. Cụ thể: Đối với thị trường khách nội địa, trong giai đoạn đầu, Hà Nội tập trung khai thác thị trường khách là người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm miền Trung, miền Nam, TP Hồ Chí Minh.

Đối với thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn đầu, thành phố tập trung khai thác thị trường khách đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á; sau đó, mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm (Bắc Mỹ, EU) và nghiên cứu, khai thác khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Úc.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố đã đặt ra lộ trình triển khai hoạt động du lịch. Theo đó, giai đoạn 1 (Quý I-II/2022), Hà Nội tổ chức các hoạt động đón và phục vụ du khách tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn; sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện đế đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hoạt động du lịch tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiếm soát dịch bệnh.

Giai đoạn 2, từ Quý III/2022, thành phố dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, không giới hạn loại hình, quy mô, phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch COVID-19. Hà Nội triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vaccine cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thành phố cũng sẽ triển khai hoạt động theo các cấp độ dịch, căn cứ vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát theo các cấp độ dịch tại từng khu vực, địa phương.

Đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch

UBND thành phố Hà Nội đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phát triển du lịch thời gian tới để thích ứng với tình hình mới. Thành phố chú trọng đảm bảo an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch với thông điệp “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn”, “Hà Nội – Đến để yêu”. 

Thành phố tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường; tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến gắn với di sản, di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Hà Nội tổ chức các tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách, các lớp tập huấn du lịch cộng đồng tại một số quận, huyện, thị xã; phối hợ với các đơn vị quản lý điểm đến trên địa bàn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao.

Các bài thuyết minh đã chuẩn hóa từ tiếng Việt được biên tập và dịch sang 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong khu vực nội, ngoại thành xây dựng, triển khai các chương trình khuyến mại nghỉ dưỡng, các dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu nghỉ ngơi ngắn ngày của du khách.

UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng... Các dự án khách sạn, trung tâm hội nghị, triển lãm, các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề được thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thành đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Để đa dạng loại hình, thành phố đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng...

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch mới, độc đáo được khuyến khích, phát triển như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu, dù lượn ở Ba Vì, Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; dịch vụ du lịch đi xe đạp, đi bộ, du lịch thăm bảo tàng tại tại khu vực Hoàn Kiếm, Đông Anh đối với khách du lịch trẻ, theo gia đình; tour du lịch khám phá kiến trúc Pháp ở Hoàn Kiếm, Ba Đình đối với khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách du lịch theo đoàn...

Thành phố cũng khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất, Chương Mỹ...

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Hà Nội mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch - Bài 1: Vì mục tiêu đón 10 triệu khách năm 2022
Hà Nội mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch - Bài 1: Vì mục tiêu đón 10 triệu khách năm 2022

Cùng với bối cảnh chung của cả nước, du lịch Hà Nội vài năm gần đây có nhiều chỉ số ở mức rất thấp, thậm chí không bằng một nửa so với những năm trước khi có dịch COVID-19. Với lợi thế là Thủ đô, trung tâm của đất nước, có nhiều danh thắng nổi tiếng, Hà Nội luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho ngân sách thành phố. Không những thế, du lịch của Hà Nội còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của “Thành phố Vì hòa bình”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN