Đây là lần đầu tiên Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình kích cầu này và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các khách sạn 4 - 5 sao, doanh nghiệp lữ hành, hãng vận chuyển khách, điểm đến trên địa bàn Thủ đô.
Sở Du lịch cũng định hướng, khuyến khích các khách sạn, đơn vị lữ hành tham gia chương trình xây dựng gói sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, thu hút người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, trải nghiệm. Qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các khách sạn trên địa bàn thành phố, đồng thời tăng tỷ lệ công suất sử dụng phòng tại cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt vào giai đoạn thấp điểm. Sở kết nối đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển với các khách sạn, điểm đến xây dựng gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách trải nghiệm.
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhiều người Hà Nội sẵn sàng cho việc trải nghiệm khách sạn 4 - 5 sao tại Thủ đô nhưng thông tin đến với họ còn ít và ngay cả mức độ hấp dẫn của các gói sản phẩm chưa cao. Một đối tượng khác cần hướng đến là bạn bè của các du học sinh theo về Việt Nam nghỉ hè, tham quan trải nghiệm Hà Nội. Mùa hè đang là mùa thấp điểm du lịch nên các đơn vị cần tận dụng thu hút các đối tượng khách. Sở mong muốn sự hưởng ứng tham gia, phối hợp của đông đảo các khách sạn, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm kích cầu thu hút khách du lịch và người dân Hà Nội trải nghiệm sử dụng dịch vụ lưu trú tại các khách sạn cao cấp ở Thủ đô; đồng thời đưa chương trình này thành chương trình hằng năm, nhất là vào mùa thấp điểm.
Ngoài đưa ra các giải pháp, chương trình, gói sản phẩm du lịch cụ thể nhằm thu khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào thời gian thấp điểm, ngành Du lịch từng bước hình thành liên kết, hợp tác giữa cơ quan quản lý, các hiệp hội, hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm đến và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Silk Path cho rằng, đối tượng khách Hà Nội cần hướng đến là các gia đình, họ không chỉ trải nghiệm, nghỉ dưỡng mà cần nơi cho trẻ nhỏ vui chơi và giao lưu. Hơn nữa, để thu hút được khách Hà Nội cần kéo dài thời gian lưu trú, hệ thống Silk Path có thể cho khách nhận phòng sớm từ 10 giờ và trả phòng muộn đến 14 giờ hôm sau. Với hai khách sạn của Silk Path tại Hà Nội, Tập đoàn thực hiện giảm giá lưu trú 15% hoặc khi khách lưu trú tại Thủ đô có nhu cầu đi Sa Pa, Huế và ở tại hệ thống khách sạn Silk Path tiếp tục được giảm 15% giá thuê phòng.
Trên góc độ là người làm lữ hành, ông Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Đầu tư, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho rằng, một vài năm trước đây đã nhen nhóm xu hướng người Hà Nội đi du lịch Hà Nội. Để kích cầu chương trình người Hà Nội trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 - 5 sao tại Hà Nội thì cần phá vỡ tư duy người Thủ đô không cần trải nghiệm tại chỗ. Bởi vậy, chương trình cần có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan từ lữ hành đến khách sạn, nới rộng thời gian lưu trú, xây dựng gói sản phẩm phù hợp, cam kết về sản phẩm và quảng bá rộng rãi.
Hà Nội đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đưa thành phố trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.