Tiềm năng dồi dào
Hà Giang - mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, từ thế hệ này qua thế hệ khác cùng lưu giữ, truyền thừa lại những nét văn hóa, đặc trưng của dân tộc mình. Mỗi dân tộc lại có những bản sắc, đặc trưng riêng như: Các lễ hội nhảy lửa của người Dao, người Pà Thẻn; lễ Cấp sắc, lễ hội Bàn Vương, lễ cúng cầu mưa, cầu mùa, lễ hội Gầu Tào… Từ việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống... đã giúp Hà Giang nói chung và các dân tộc nói riêng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, với những người đam mê “xê dịch”, tìm hiểu văn hóa dân tộc truyền thống.
Anh Võ Hoàng Tâm (du khách đến từ Cần Thơ) chia sẻ, anh đến Hà Giang để trải nghiệm cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, con người thân thiện, dễ mến và không khí trong lành. Hà Giang có cách làm du lịch bài bản. Vì vậy mỗi lần trở lại, anh đều cảm nhận được sự thay đổi, dịch vụ ngày càng tốt hơn nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Triệu Thị Tình, những năm qua, tỉnh đã lựa chọn những sản phẩm văn hóa để tạo thêm điểm nhấn cho phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Địa phương đã xây dựng được các đề án về nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng được xác định và có 16 làng văn hóa được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Du lịch cũng chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng.
Hiện sản phẩm du lịch cộng đồng của Hà Giang đang được xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng tiến tới áp dụng phù hợp một số tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN. Ngoài ra, một số mô hình hiện được đầu tư theo hướng chất lượng cao hình thành hệ thống bungalow, khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, nhìn chung, các làng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động, đều khai thác có hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong cung ứng dịch vụ và đảm bảo các lợi ích từ du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của thôn bản, thu hút được lượng khách lớn; góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát huy tốt giá trị tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương.
Tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng
Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch cộng đồng ở Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và rào cản để có thể phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao về kinh tế. Cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thị trường khách du lịch ở tầm trung và cao cấp.
Ngoài ra, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên việc tự đầu tư về cơ sở vật chất, tạo môi trường cảnh quan phục vụ khách du lịch còn ít. Công tác đào tạo nguồn nhân lực mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa đảm bảo do nhận thức của người dân còn hạn chế.
Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng ở Hà Giang chưa xác định được mô hình đặc thù dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch địa phương, trùng lặp về sản phẩm, kém sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Nhiều địa điểm không phù hợp với lộ trình, định hướng tuyến du lịch, do đó không thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp và du khách…
Để du lịch cộng đồng Hà Giang phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững, theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, thời gian tới, ngành tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng. Công tác quảng bá đồng thời được tăng cường với nhiều hình thức như thành lập những đội văn nghệ dân gian để phục vụ du khách tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Cùng với đó, ngành Văn hóa, Du lịch cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giúp người dân hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào để góp phần gìn giữ và phát triển. Từ đó trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Bà Triệu Thị Tình cho biết thêm, hiện các làng văn hóa du lịch cộng đồng được công nhận đã và đang tổ chức tốt hoạt động đón khách du lịch. Người dân đã biết tận dụng những nét đẹp, thế mạnh của địa phương như: ẩm thực, các giá trị văn hóa, các đội văn nghệ dân gian để tạo nên những trải nghiệm hấp dẫn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như: “cày trên nương đá”, cùng chế tác những vật dụng lao động, chế tác Khèn Mông, chạm bạc, làm giấy bản…Tuy nhiên, một số làng văn hóa du lịch cộng đồng mặc dù đã được công nhận nhưng số lượng các gia đình tham gia đảm bảo được đúng các tiêu chí và dịch vụ để đón du khách còn ít. Vì vậy, ngành Văn hóa, Du lịch đã có đề án tiếp tục hỗ trợ người dân và làng du lịch văn hóa nhằm tạo sinh kế cho bà con. Mục tiêu của đề án là không chỉ những hộ làm homestay mà các gia đình khác đều có thu nhập dựa trên chuỗi “mắt xích” phát triển du lịch như: cung cấp nông sản, sản vật, đặc sản địa phương.
Đến với Hà Giang, ngoài chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đắm chìm trong khung cảnh đất trời khi dừng chân tại “Đệ nhất hung quan” đèo Mã Pí Lèng, hay thả hồn bên dòng Nho Quế, núi đôi Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì…, du khách trong và ngoài nước còn được sống trong bầu không khí thân thiện, ấm áp của bà con đồng bào nơi đây. Ngoài ra, khách du lịch còn được tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của các bản làng đồng bào dân tộc. Việc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa, lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa là hướng đi đúng của Hà Giang. Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, hiệu quả và bền vững.