Khách thay đổi kế hoạch du lịch
Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ ngày 1/3/2024, giá trần trên các đường bay nội địa được điều chỉnh tăng thêm 5% so với mức trước đây. Với đường bay từ 500 km đến dưới dưới 1.280 km, giá trần tăng khoảng 200.000 đồng/vé/ chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên tăng khoảng 250.000 đồng/vé/ chiều.
Lý giải về thay đổi này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mức tăng chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tăng giá vé máy bay này đang tác động đến xu hướng chọn địa điểm đến của du khách, nhất là khi so sánh giá.
Vốn đã lên kế hoạch đưa cả nhà đi tham quan và nghỉ mát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6/2024, song chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Phủ Lý, Hà Nam) đã phải thay đổi ở “phút chót” ngay sau thông tin tăng trần giá vé máy bay nội địa. Chị Ánh cho biết: “Gia đình tôi có 4 người lớn, nếu như bay hạng phổ thông, giá vé máy bay sẽ dao động từ hơn 2 triệu đến gần 3 triệu đồng/người. Chưa tính đến chi phí ăn, nghỉ, vui chơi... như vậy khá tốn kém. Vì vậy, gia đình đã chuyển hướng điểm đến cho dịp hè này đến các tỉnh miền núi phía Bắc...”.
Theo chị Ánh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Sa Pa (Lào Cai) là hai địa điểm chị đang hướng đến cho kỳ du lịch hè này của gia đình.
Với anh Trần Lâm (Nghĩa Hưng, Nam Định), việc tăng giá vé máy bay ảnh hưởng khá lớn đến kế hoạch du lịch hè năm nay của gia đình. Anh Lâm cho biết: “Tôi đang cân đối lại chi phí, có thể sẽ chuyển hướng đưa cả nhà đi du lịch nước ngoài. Hiện nay, nhiều tour đi các nước lân cận có nhiều ưu đãi, không quá chênh lệch so với dự kiến đi Phú Quốc như ban đầu”.
Trong trường hợp giá vé máy bay vẫn duy trì ở mức cao, anh Lâm sẽ tối ưu chi phí du lịch trong nước bằng việc hạ tiêu chuẩn ăn, nghỉ từ mức 4 sao như trước đây xuống mức 3 sao hoặc sẽ đi du lịch một lần trong năm, thay vì đi 2 - 3 lần.
Còn chị Phạm Thu Giang (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang tính toán thay đổi địa điểm du lịch khi nhận thông tin giá vé máy bay tăng. “Giá vé máy bay nội địa vốn đã cao, nay lại tiếp tục tăng. Tính ra chương trình tour đi Nha Trang, giá tầm 7 triệu – 9 triệu đồng; trong khi tour đi đường bộ Trung Quốc và tour đi Mộc Châu – Sầm Nưa (Lào) cũng chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng”, chị Giang chia sẻ.
Du lịch nội địa lo “ế”
Các doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại, du lịch nội địa sẽ rơi vào tình trạng “ế ẩm”, khi các tour nước ngoài ngày càng có nhiều ưu đãi hấp dẫn và cách thức di chuyển dễ dàng hơn trước.
Anh Nguyễn Văn Lãm, Trưởng phòng Lữ hành nội địa, Công ty Du lịch và Sự kiện Sao Nam Việt cho biết, giá tour cũng tăng trung bình từ 200.000 - 250.000 đồng sau khi tăng trần giá vé máy bay. Bên cạnh đó, khách hàng đang có xu hướng đổi từ di chuyển bằng máy bay sang tàu hỏa, ô tô để giảm bớt chi phí và sẵn sàng kéo dài thời gian kỳ nghỉ thêm 1 - 2 ngày.
“Hiện vẫn có khoảng 30% khách hàng sẵn sàng chi theo mức giá mới. Lượng khách du lịch nội địa có giảm nhẹ so với năm ngoái. Thị trường này sẽ phải cạnh tranh gắt gao với các tour đi nước ngoài. Đơn vị đang lên kế hoạch kết hợp với các đại lý để tạo thành liên minh du lịch, săn vé sale, thậm chí là có thể phải 'ôm vé' sớm để có được giá ưu đãi nhất cho khách hàng”, anh Lãm cho biết thêm.
Các công ty lữ hành đang phải cân đối lại các khoản trong tour để đưa ra phương án tốt nhất, cũng như thêm nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách với thị trường trong nước, nhất là trong giai đoạn hồi phục và chuẩn bị vào cao điểm du lịch hè.
Còn ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc WonderTour cho biết: “Từ ngày 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Điều này tác động ngay và trực tiếp tới ngành Du lịch nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Với tour đường bay vé máy bay cấu thành 40 - 60% giá tour, trong khi đó lợi nhuận trung bình trên giá bán của tour trọn gói chỉ khoảng 8 - 10%. Như vậy, nếu giữ giá bán như hiện nay, đơn vị lữ hành sẽ giảm từ 30 - 40% lợi nhuận. Chắc chắn giá tour cũng sẽ phải tăng tương ứng với giá vé để bảo đảm kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc tăng giá trần trong thời điểm ngành Du lịch chưa hoàn toàn phục hồi sẽ có tác động tới thị trường du lịch”.
“Tuy nhiên, xét về môi trường kinh doanh vĩ mô, việc tăng giá trần sẽ bảo đảm phần lợi nhuận cho hãng vận hành, đồng thời tác động tích cực đến hành vi mua hàng. Với giá trần tăng, sẽ giảm sự chênh lệch giữa giá vé khuyến mại và giá vé phổ thông, việc này cũng sẽ làm giảm nguy cơ khách hàng mua phải vé ảo hoặc các chiêu trò lừa đảo liên quan đến vé máy bay trên mạng internet. Nhu cầu tour đường bộ và tour quốc tế Đông Nam Á sẽ tăng mạnh trong thời gian ngắn hạn. Một số tour chuyên đề có nhu cầu cao kể đến: Tour kỹ năng, tour hướng nghiệp cho học sinh, tour giao thương, tour thể thao, tour hội chợ dành cho chủ doanh nghiệp...”, ông Lê Công Năng cho biết.