Gia Lai trở mình vào mùa đẹp nhất trong năm

Sau những tháng mưa dai dẳng, từ khoảng tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, Gia Lai trở mình vào mùa đẹp nhất trong năm. Trên những đồi chè xanh mướt, thẳng tắp tận chân núi, công nhân thoăn thoắt hái những búp chè còn đọng sương sớm.

Chú thích ảnh
Chè xanh tại các vườn chè Gia Lai nẩy lộc đâm chồi sau mùa mưa.

Vườn chè Biển Hồ - một địa điểm du lịch của Gia Lai, thuộc Công ty Cổ phần chè Biển Hồ với hơn 1.100 ha được canh tác bằng phương pháp hữu cơ. Vườn chè đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động của 1.600 hộ dân trên địa bàn.

Đa số diện tích chè ở đây là chè tái canh, tuy nhiên có một khu vực còn lưu lại những gốc chè cổ thụ với tuổi đời hơn một trăm năm. Bà con dân tộc Bahnar tại làng Ia Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh gắn bó với diện tích chè cổ thụ này. Những gốc chè cổ thụ sần sùi thân nhưng đến mùa vẫn cho búp non khỏe mạnh được xem như một phần cuộc sống của người Bahnar nơi đây.

Già làng Phin, 65 tuổi, làng Ia Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cho hay, từ năm lên 10, ông đã theo bố mẹ đi hái chè. Người già trong làng kể lại, chè ở khu vực này được trồng vào những năm 1941-1942, từ thời Pháp. Sau giải phóng, hơn 3.000 ha chè do Pháp trồng được giao cho Nhà nước quản lý. Sau đó, nhiều diện tích chè được trồng mới nhưng những vườn chè cũ vẫn được giữ lại.

Chú thích ảnh
Vườn chè là nơi gắn bó với đời sống nhiều thế hệ dân làng người dân tộc thiểu số của Gia Lai. 

Các hộ gia đình công nhân ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chè Biển Hồ, nhận diện tích giao khoán với cam kết bón phân hữu cơ cho toàn bộ diện tích chè của Công ty. Từ kinh nghiệm hái chè thủ công nhiều đời truyền lại, họ chỉ hái những đọt đạt tiêu chuẩn, để lại những búp mới nhú cho lần hái tiếp theo. Những hàng chè thẳng tắp tận chân núi lún phún đọt xanh non.

Sáng sớm, công nhân từ các nẻo túa ra vườn hái chè. Vườn chè không chỉ là nơi đảm bảo sinh kế gia đình mà còn là những kỷ niệm của cuộc đời mỗi con người. Bà A Bảy, 61 tuổi, làng Ia Lũh cho biết: Gia đình tôi nhiều đời sống nhờ vào công việc hái chè này. Vườn chè giúp vợ chồng tôi nuôi 3 con ăn học.

Chú thích ảnh
Những đồi chè nối nhau đến tận chân núi. 

Nếu là công nhân hái chè thuê, công nhật từ 140.000-150.000 đồng/ngày. Nếu nhận khoán, mỗi ngày một gia đình hai vợ chồng hái được khoảng 1 tạ chè tươi. Tùy chất lượng chè, Công ty thu với nhiều giá khác nhau.

Chè loại B hái thủ công có giá thu mua khoảng 6.100 đồng/kg, chè loại C có giá mua 4.100 đồng/kg. Hiện nay, Công ty Cổ phần chè Biển Hồ đang chế biến với công suất 40 tấn chè/ngày. Quy trình sản xuất chè được canh tác toàn bộ bằng phương pháp hữu cơ. Sản phẩm được xuất khẩu sang Nga và các nước Đông Âu.

Đồi chè không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho nhiều thế hệ người dân nơi đây mà còn là địa điểm du lịch sinh thái được du khách tham quan khi đến với phố núi Pleiku, Gia Lai.

Bài, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Bảo tồn, nâng cao giá trị cây chè shan tuyết ở Hoàng Su Phì
Bảo tồn, nâng cao giá trị cây chè shan tuyết ở Hoàng Su Phì

Cây chè shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, góp phần nâng cao giá trị, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN