Gặp chủ nhân của “Lâu đài mạng nhện”

Căn biệt thự tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày xuất hiện đã được người ta gọi với cái tên đầy kỳ bí: “Lâu đài mạng nhện” hay “Ngôi nhà quái dị” (“Crazy House”). Chủ nhân của nó là người rất đặc biệt -kiến trúc sư Đặng Việt Nga- con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Công trình này của bà đã được tờ nhật báo Dailly của Pháp bình chọn là một trong 10 công trình kiến trúc độc đáo nhất thế giới năm 2010.

Người ta đồn rằng bà Đặng Việt Nga lịch thiệp và kín đáo như một công nương phương Tây cổ điển thế kỷ XVIII. Chúng tôi gặp bà, kiểm chứng không sai: Bà lịch thiệp về phong cách, kín đáo khi trò chuyện và uyên thâm không chỉ về kiến trúc mà còn am tường về văn hóa Đông, Tây, kim, cổ…

Công trình kỳ dị để hướng tới sự bình dị

Những ô cửa hình dáng khác lạ nhìn từ dưới lên.

Bất cứ ai bước vào khuôn viên rộng gần 2.000 mét vuông thuộc “Crazy House” Hằng Nga (tên gọi phổ biến của ngôi biệt thự - PV) cũng ngỡ ngàng như bước vào “Lâu đài mạng nhện”. Nếu không có chủ nhân giới thiệu các lối đi, những cầu thang cách điệu như cành cây vươn ra, khách tham quan không thể nào đi vào những ngóc ngách trong công trình kiến trúc này với thời gian là 30 phút. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Những lối đi lắt léo, không bậc tam cấp, không cả lan can tay vịn có lúc đã khiến người đi lên lầu lại quay đúng về chỗ xuất phát sau hơn 10 phút.

“Crazy House” không có mái như căn nhà thông thường. Nhìn từ xa, quần thể kiến trúc này như những thạch nhũ khổng lồ vươn lên không trung, với màu xám của đá tự nhiên, rêu phong và mang nặng chất hồng hoang khởi thủy. Cận cảnh hơn, ẩn đằng sau những ô cửa sổ cách điệu với hàng chục kiểu dáng không lặp lại là những căn phòng được chủ nhân sử dụng kinh doanh lưu trú, nhưng nếu không có bóng người phía trong, cũng không ai có thể phân biệt đâu là phòng, đâu là cửa. Những lối đi dẫn lên các phòng nghỉ cũng giống như lối đi tạm bợ của… thổ dân thời nguyên thủy.

Vật liệu kiến tạo nên công trình này chủ đạo là sắt, thép, xi măng, nhưng nhờ tạo được kiểu dáng lạ, phá cách và màu sắc gần gũi với tự nhiên nên đã khiến người ta không bị cảm giác nặng nề. Xen lẫn trong chỉnh thể kiến trúc, trong khuôn viên là hàng loạt biểu trưng gốc cây bị cưa cụt; những thân cây tre, gỗ bị chặt phá nham nhở; những căn phòng được thiết kế cố tình mô phỏng môi trường sống của sinh vật tự nhiên; ngoài vườn là biểu tượng của những mạng nhện, cây, cỏ, tre, trúc… Người tham quan được sống với cảm giác gần nhất với thiên nhiên.

Trước chuồng chim bồ câu nhảy nhót trong khuôn viên “Crazy House” chúng tôi đã gặp kiến trúc sư Trần Lan – một du khách đến từ Hà Nội. Ông Trần Lan cho biết: “Điều đáng ghi nhận nhất ở công trình “Crazy House” là sự phá cách không mô phỏng. Tiến sỹ, kiến trúc sư Đặng Việt Nga đã thoát khỏi mọi quy chuẩn, phương trình của khoa học kiến trúc để tạo nên công trình độc đáo này”.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga cũng cho biết: “Từ cuối thế kỷ trước trở lại đây, ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, thiên nhiên và môi trường bị tàn phá quá nhiều. Hiện nay con người đang phải trả giá cho những hành vi hủy hoại thiên nhiên của mình. Bởi vậy, bằng ngôn ngữ của kiến trúc, tôi muốn đưa con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó, chứ không phải tận dụng và hủy diệt nó. Hình tượng của “Crazy House” là những gốc cây khổng lồ bị cưa cụt – biểu tượng của sự bị tàn phá dữ dội. Nhưng những lối đi, những cầu thang vẫn vươn ra mãnh liệt từ bốn phía. Tôi muốn nói rằng, không ai có thể hủy diệt thiên nhiên. Hãy bảo vệ và yêu mến thiên nhiên để không phải trả giá vì thiên nhiên nổi giận”.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga thông qua “Crazy House” muốn hướng tới điều bình dị: Bảo vệ môi trường sống, mong muốn con người ứng xử tốt đẹp hơn với môi trường sống của chính mình. Đây là phong cách nhân văn của xi măng, sắt thép mà Tiến sỹ Đặng Việt Nga đã làm được, dẫu là làm khác người.

Sự cuốn hút của “ngôi nhà quái dị”

Một lối đi giống hình cành cây cổ thụ trong quần thể kiến trúc.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga là con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhưng hơn 20 năm vào lập nghiệp tại thành phố Đà Lạt bà vẫn sống một cuộc sống giản dị. Nhiều người từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đã tìm đến “Crazy House” nhưng không phải để thăm một người phụ nữ danh tiếng mà chỉ để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này. Trong sổ tay lưu lại bút tích những người nổi tiếng đã qua đây, chúng tôi được chứng kiến có cả lưu bút và chữ ký của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm; các ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đặng Vũ Chư – nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bùi Thiện Ngộ - Thứ trưởng Bộ Công an… Hiện nay, mỗi ngày “Crazy House” của bà Nga đón khoảng 300 lượt khách. Những dịp lễ, Tết, “Ngôi nhà quái dị” của bà đón hơn 1.000 lượt người tham quan hàng ngày. Điều đáng mừng là trong số hàng chục nghìn du khách đến đây mỗi năm, có một lượng rất lớn du khách đến từ hàng chục nước khác nhau trên thế giới. Mỗi một người bước vào lâu đài đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, thích thú trước biểu tượng kỳ lạ, độc đáo của công trình. Ngày 12/4, trong khuôn viên “Crazy House”, chị Kow Sikaia – một du khách đến từ Liên bang Nga đã nói với chúng tôi: “Những người bạn tôi từ Nga đã nhiều lần đến tham quan “Crazy House”. Tôi đã biết ngôi nhà này và chủ nhân của nó nhiều qua báo chí nước ngoài và báo chí Nga nhưng giờ mới có dịp qua thăm. Công trình rất tuyệt, rất kỳ lạ. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy”.

Hiện bà Nga đã có giấy “Chứng nhận quyền sở hữu công trình” này và Việt Nam đã có sự hiện hữu một công trình kiến trúc quý báu.

Sơn Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN