Đưa làng nghề dệt chiếu Cà Hom trở thành 'điểm sáng' trong bản đồ du lịch Trà Vinh

Dệt chiếu Cà Hom là một trong những nghề truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh được hình thành cuối thế kỷ 19. Trải qua bao thăng trầm, nhưng với lòng yêu nghề, nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì bám trụ, giữ gìn những giá trị cốt lõi của nghề dệt chiếu nơi đây.

Năm nay, đồng bào Khmer làng nghề đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây vui và phấn khởi hơn, bởi địa phương vừa đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đưa nghề dệt chiếu Cà Hom vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mở ra cơ hội “chuyển mình” và phát triển bền vững cho làng nghề, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Diệp Thị Som (bên phải) dệt chiếu Cà Hom. 

Giữ gìn giá trị cốt lõi của nghề dệt chiếu Cà Hom

Nghề dệt chiếu Cà Hom tập trung chủ yếu ở ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Ban đầu, một vài người dân ấp Cà Hom  dùng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như cây lác, cây bố, cây tra… mày mò làm chiếu để dùng trong gia đình; lấy tre làm khung, bàn dập để dệt. Từ những chiếc chiếu trắng, thô ráp, vụng về ban đầu, sau một thời gian, nhờ sự tìm tòi, sáng tạo, chiếu Cà Hom ngày càng bắt mắt. Người dân biết dùng cây dang, cây nghệ… để tạo màu nhuộm dệt thành chiếu bông, hoa văn càng lúc càng phong phú… Dần dần, chiếu Cà Hom được dùng là quà biếu, nhiều người ưa chuộng và bắt đầu trở thành hàng hóa từ năm 1940.

Ưu điểm của chiếu Cà Hom là sử dụng 5 - 6 năm chiếu vẫn không bị đổ lông, phai màu, giòn gãy. Loại chiếu Cà Hom có hoa văn hình tháp (tháp đơn, tháp đôi, tháp ba) trên 1 mặt hoặc 2 mặt chiếu, chiều dài từ 3- 6m, rất được đồng bào Khmer ưa chuộng. Vào dịp lễ dâng y Kathina (Lễ dâng y cà sa) khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 âm lịch, chiếu Cà Hom được nhiều gia đình Khmer đặt mua làm vật phẩm dâng vào chùa.

Từ lúc hình thành đến nay, nghề làm chiếu ở địa phương đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Có những thời điểm, chiếc chiếu Cà Hom rất khó tìm được “chỗ đứng” trên thị trường, bởi sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại chiếu mới lạ như: chiếu ny-lon, chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc... Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên giá thành sản xuất bị “đẩy” lên cao, rất khó tiêu thụ. Lúc đó, nhiều người thợ đã bỏ khung dệt chuyển sang nghề khác khiến làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Trong lúc hàng trăm người thợ đã bỏ nghề, bà Ngô Thị Xuân (Ngô Thị Pho), sinh năm 1929, ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân vẫn quyết tâm gắn bó với nghề dệt chiếu, tìm tòi, thiết kế hoa văn, phối màu… tạo ra nhiều mẫu chiếu bông, dần được thị trường đón nhận và ưa chuộng; trong đó, độc đáo nhất là chiếu hình tháp 3 ngọn ở cả hai mặt chiếu.

Nghệ nhân Ngô Thị Pho được xem là bậc thầy của làng nghề. Với hơn 70 năm tuổi nghề, bà đã cho ra đời 20 mẫu chiếu bông, chiếu chữ đặc sắc. Năm 2015, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” thuộc lĩnh vực tri thức dân gian; bà qua đời năm 2020.

Nghệ nhân Diệp Thị Som (75 tuổi), ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân chia sẻ: Bà cũng không nhớ rõ gia đình mình bắt đầu nghề dệt chiếu từ năm nào, chỉ biết từ lúc lên 10 tuổi, bà đã bắt đầu phụ mẹ chẻ lác, phơi lác… Đến năm 16 tuổi, bà đã thành thạo mọi công đoạn làm chiếu. Để tạo ra một chiếc chiếu Cà Hom đúng chuẩn, người thợ phải cần mẫn, tỉ mỉ và khéo léo ở mọi công đoạn. Khi dệt cần có hai người thợ, một người làm công việc dập khuôn và bẻ biên, một người chuồi lác (đưa lác vào khung dệt).

Trước đây, khi nghề dệt chiếu “ăn nên làm ra”, mỗi ngày, vợ chồng dệt được 3 chiếc, nguồn thu nhập cũng đủ nuôi 6 người con ăn học nên người. Hiện nay, gia đình bà chỉ dệt chiếu khi có khách hàng đặt mua nhưng số lượng rất ít. Trong số 6 người con của bà, có 2 người con cũng tiếp nối nghề này.

Trong khi một số hộ ở làng nghề đã chuyển sang dệt chiếu bằng máy, bà Diệp Thị Som vẫn giữ cách dệt thủ công bằng khung dệt, quyết tâm gìn giữ những giá trị cốt lõi của nghề dệt chiếu Cà Hom truyền thống để truyền lại cho con cháu.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt chiếu Cà Hom

Chú thích ảnh
Làng nghề dệt chiếu Cà Hom, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. 

Bà Trần Thị Chi, Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết, năm 2001, với mong muốn phát triển làng nghề để giúp nhiều hộ đồng bào có việc làm ổn định, nâng cao đời sống, UBND xã Hàm Tân đã hỗ trợ kinh phí đóng khung dệt cho 40 hộ dân làng nghề và mời nghệ nhân Ngô Thị Pho truyền nghề dệt chiếu bông hai mặt.

Sau đó, làng nghề bắt đầu “ăn nên, làm ra”, phát triển mạnh nhất vào năm 2010 - 2011. Toàn xã có 602 hộ làm nghề dệt chiếu; trong đó 596 hộ dệt thủ công cung cấp cho thị trường gần 430.000 chiếc chiếu, 6 hộ dệt máy cung cấp gần 13.000 chiếc chiếu mỗi năm.

Hiện, xã Hàm Tân chỉ còn 95 hộ tham gia làng nghề, trong đó 91 hộ dệt thủ công, 4 hộ dệt máy với 7 chiếc máy. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường gần 50.000 đôi chiếu các loại (gần 33.000 chiếc được dệt thủ công). Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long, một số ít được xuất sang Campuchia.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, nghề làm chiếu Cà Hom của đồng bào Khmer là di sản phi vật thể quốc gia thứ 8 của tỉnh Trà Vinh và là di sản loại hình nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh được đưa vào danh mục này. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer Nam Bộ, nâng cao ý thức gìn giữ di sản trong cộng đồng.

Việc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mở ra nhiều cơ hội mới cho làng nghề phát triển. Ngành du lịch sẽ xây dựng kế hoạch, đưa nghề dệt chiếu Cà Hom trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn. Du khách đến làng nghề có thể tận mắt chứng kiến quy trình dệt chiếu truyền thống, lắng nghe những câu chuyện làng nghề qua từng thế hệ, trực tiếp trải nghiệm quá trình dệt chiếu, tìm hiểu văn hóa của người dân làng nghề.

Tại lễ công bố và đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề làm chiếu Cà Hom của đồng bào Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế, du lịch. Tạo điều kiện cho người dân làm nghề tiếp cận các chính sách hỗ trợ về khuyến công, truyền nghề, duy trì nghề truyền thống, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm chiếu Cà Hom để tạo nền tảng chắc, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, một trong những hướng đi hiệu quả là gắn kết chương trình phát triển làng nghề với phát triển du lịch địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng điểm đến này, đưa làng nghề dệt chiếu Cà Hom trở thành một “điểm sáng” trong bản đồ du lịch của tỉnh Trà Vinh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Từ đó, lan tỏa các giá trị của di sản đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ thêm hiểu và tự hào về di sản của dân tộc, tham gia tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Nghề làm chiếu Cà Hom trở thành di sản Quốc gia
Nghề làm chiếu Cà Hom trở thành di sản Quốc gia

Ngày 10/4, tỉnh Trà Vinh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề làm chiếu Cà Hom của đồng bào Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN